Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khoản 6 Điều 3 và Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Luật Thương mại 2005 (tình trạng còn hiệu lực) quy định:
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam, chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật này cho phép; Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc các trường hợp quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 17 của Luật này (trong đó khoản 3 Điều 17 quy định về quyền tuyển dụng lao động để làm việc tại Văn phòng đại diện).
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Điều 4 Nghị đinh số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ (tình trạng còn hiệu lực) quy định, thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.
Tại Điều 5 và Điều 7 Nghị định này quy định chi tiết thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Các điều kiện thương nhân nước ngoài phải đáp ứng khi được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam…
Về việc sử dụng người lao động không trọn thời gian
Điều 34 Bộ luật Lao động 2012 (còn hiệu lực đến 31/12/2020) quy định: Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Khoản 3 Điều 17 Luật Thương mại 2005 quy định, Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài có quyền tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, công việc không sinh lời trực tiếp tại Việt Nam theo Giấy phép thành lập, Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài khi tuyển dụng lao động là người Việt Nam được áp dụng quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2012, giao kết hợp đồng lao động với người lao động Việt Nam, thỏa thuận về thời giờ làm việc không trọn thời gian (part-time), thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động, chế độ BHXH, BHYT….
Trường hợp hai bên thỏa thuận hợp đồng bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động, pháp luật về BHXH; Phải tuân thủ quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, thực hiện đăng ký mã số thuế cho từng cá nhân, kê khai thuế, khấu trừ, nộp thuế thu nhập cá nhân.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.