Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thành lập
Đây là quan điểm của bà Dương Thị Tuyết Hằng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng).
Lý do bà Hằng đưa ra là “việc bản thân mỗi người lao động khi tham gia vào các tổ chức này đều trên hình thức tự nguyện, nên việc thành lập tổ chức cũng chỉ nên ở hình thức tự nguyện”.
Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp đã thành lập và duy trì hoạt động một thời gian đều đã thành lập các tổ chức như Đoàn thanh niên, Công đoàn… Còn quan điểm cho rằng, bắt buộc phải thành lập, vì nếu không thành lập các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp là quan điểm chưa hẳn đã chính xác. Bởi, bất cứ doanh nghiệp nào muốn hoạt động hiệu quả thì đều phải quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, dù trong doanh nghiệp có các tổ chức chính trị-xã hội hay không.
Thay vì bắt buộc, bà Hằng cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thành lập các tổ chức này. Và để khuyến khích các doanh nghiệp, quan trọng nhất là phải thuyết phục doanh nghiệp thấy được vai trò thiết thực của các tổ chức này trong hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu các tổ chức này hoạt động thực sự có hiệu quả, giúp kết nối người lao động, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp thì dù không có quy định, các doanh nghiệp cũng sẽ tự thành lập các tổ chức này.
Cần thêm giải pháp để quy định có tính khả thi
Theo ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế hướng tới sự bình đẳng, không phân biệt DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, việc Chính phủ xây dựng Nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một bước đi cần thiết.
Ông Huynh phân tích “các doanh nghiệp yêu cầu sự bình đẳng về lợi ích kinh tế thì chính doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sự bình đẳng về chính trị, mà đây chính là đảm bảo quyền lợi của người lao động thông qua việc thành lập các tổ chức như công đoàn, đoàn thanh niên, tổ chức đảng...”.
Do đó, ông Huynh góp ý, Nghị định cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức này trong doanh nghiệp cũng như cần có cơ chế rõ ràng để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp.
Ngoài các quy định về thành lập, Nghị định cũng cần quan tâm đến việc đảm bảo hoạt động của các tổ chức này, để các tổ chức thực hiện vai trò của mình, giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp. Để làm được điều này, cần có sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các tổ chức bằng các cuộc họp tiếp xúc định kỳ với các tổ chức.
Cần cơ chế khuyến khích thành lập các tổ chức CT, CT-XH tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa |
Nghĩa vụ và lợi ích: Cần chi tiết và có tính thuyết phục hơn
Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng đại diện Hãng bia Heineken tại Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại các doanh nghiệp là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay có tình trạng chính quyền địa phương cũng như các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, hay tại khu công nghiệp, khu chế xuất… còn chưa đi sâu sát, và chưa có tầm ảnh hưởng nhất định tới doanh nghiệp, đặc biệt là người lao động tại doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nêu ra một thực tế, sự hiểu biết của các lãnh đạo doanh nghiệp về lợi ích, tính cần thiết về sự hiện diện của các tổ chức này tại doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ, thậm chí, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức này trong nhiều trường hợp còn bị coi là “vật cản đặc biệt”.
Đối với người lao động, nhiều khi là tâm lý sợ tham gia các tổ chức này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, hay sự thăng tiến trong công việc. Do vậy, theo ông Sơn, khi xây dựng quy định, cần phân tích kỹ càng tính hai mặt khi thành lập và duy trì hoạt động tổ chức để lường trước các tình huống và từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp.
Bên cạnh nghĩa vụ, thì lợi ích của doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động khi thành lập tổ chức cần được quy định chi tiết và có tính thuyết phục hơn. Dự thảo cần làm rõ hơn các điểm 2 Điều 6, điểm 2 Điều 7, điểm 1 và 2 Điều 8.
“Quy định luật pháp, lợi ích hài hòa các bên thay vì việc chỉ nêu mạnh tính đấu tranh sẽ mang lại thành công khi Nghị định này đi vào cuộc sống”, ông Sơn chia sẻ.
Dưới góc nhìn của người làm quản lý tại doanh nghiệp, ông Lương Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco cho rằng, việc thành lập tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên… trong các doanh nghiệp là yêu cầu không thể thiếu khi đã đủ điều kiện.
Theo ông Hùng, một tổ chức tốt hay không phụ thuộc khá nhiều vào quan điểm và tầm nhìn của nhà quản lý, sách lược của một doanh nghiệp. Nếu các nhà quản lý doanh nghiệp biết phát huy tốt vai trò của các tổ chức này thì đây sẽ là lực lượng chủ chốt để duy trì sự ổn định cho doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển.
“Khi một doanh nghiệp thành lập các tổ chức trên sẽ đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi thế, nhất là khi trên sân chơi kinh doanh gắn đậm màu sắc pháp luật, thì lực lượng tổ chức chính trị sẽ làm giảm những nguy cơ rủi ro của cuộc chơi kinh doanh”, ông Hùng bày tỏ nhận thức.
Từ thực tế đó, ông Hùng cũng đưa ra đề xuất, để đưa quy định vào thực tiễn, cần phải tạo điều kiện nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tính cần thiết, lợi ích của các các tổ chức này trong doanh nghiệp, vì đây là lực lượng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và tồn tại của doanh nghiệp. Và quan trọng nhất là hai phía phải biết đổi mới phù hợp với môi trường vĩ mô và điều kiện của doanh nghiệp.
Hoa Hằng