Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bên cạnh Hiến pháp và hệ thống pháp luật về kinh tế, pháp luật hình sự cũng cần có điều chỉnh để phù hợp trong lộ trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.
Theo dõi các vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua cho thấy, trong bản án, dù kết tội các bị cáo bằng những chế tài nghiêm khắc, các cơ quan tư pháp đều không quên kiến nghị việc hoàn thiện pháp luật, chấn chỉnh quản lý trong lĩnh vực kinh tế.
Thể chế kinh tế là trạng thái, trật tự được thiết lập bởi các quy tắc mà trong đó các hoạt động kinh tế vận hành. Không phải là tất cả, nhưng luật pháp, bao gồm luật hình sự, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập trạng thái, trật tự đó. Nếu sự điều chỉnh quá chặt và với phạm vi rộng, sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư, nhà quản lý, ảnh hưởng đến sự thông thoáng của thể chế kinh tế, tạo sự bất an trong hoạt động kinh tế.
Pháp luật hình sự có độ “phủ sóng” tới tất cả lĩnh vực trong đó có lĩnh vực liên quan tới kinh tế như sở hữu, kinh doanh, phân phối, sử dụng nguồn tài nguyên... và cả hoạt động của nhân viên công quyền trong lĩnh vực này.
Buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh... cũng như nhiều tội phạm khác trong lĩnh vực kinh tế tồn tại trong luật hình sự của rất nhiều quốc gia. Nhưng quy định như thế nào và biện pháp trừng phạt ra sao thì không phải quốc gia nào cũng giống nhau.
Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, nước ta đã có hai Bộ luật Hình sự. Sự thay thế bộ luật này bằng bộ luật kia phản ánh nhiều khía cạnh, trong đó có việc thay đổi các quy định về tội phạm và hình phạt để phù hợp với thể chế kinh tế mới.
Hàng loạt những tội phạm hiện diện trong Bộ luật Hình sự 1986 phản ánh thể chế kinh tế cũ đã được loại ra khỏi Bộ luật Hình sự 1999 (ví dụ như tội lạm sát gia súc, ảnh hưởng đến sức kéo trong nông nghiệp). Không đánh giá đúng sai nhưng rõ ràng tội phạm đó không có cơ sở tồn tại trong thể chế kinh tế thị trường với quy luật cung cầu.
Hình luật cần ổn định nhưng thể chế luôn bám theo sự năng động khó lường của thị trường. “Tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành) là loại tội phạm đang gây tranh cãi.
Có ý kiến cho rằng cần bỏ tội này khỏi Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, trong cấu thành của tội này, khi xét xử, phải dựa vào các quy định về quản lý kinh tế trong các lĩnh vực khác nhau để định tội.
Trong khi đó, các quy định về quản lý kinh tế lại vô cùng đa dạng, phức tạp và thay đổi liên tục nhiều khi không theo kịp thực tế đời sống. Văn bản chồng văn bản, văn bản không rõ ràng, thậm chí có khoảng trống khiến cho người áp dụng pháp luật lúng túng và tranh cãi về sự mập mờ của tội danh nào đó là điều dễ hiểu.
Chính vì vậy, người viết nhất trí với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) khi quy định theo hướng chuyển hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành sang thành các hành vi cụ thể trong các lĩnh vực cụ thể. Đó là các tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, tài chính, chứng khoán, môi trường, cạnh tranh, ngân hàng…
Vì đối với các lĩnh vực này, hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm lợi ích tư mà cả lợi ích công. Còn các lĩnh vực khác liên quan đến lợi ích tư như sở hữu, uy tín kinh doanh... mà quyền lực không cần can thiệp hoặc can thiệp ở mức độ quản lý, chấn chỉnh thì nên trả lại cho các chủ thể của thị trường tự định đoạt.
Thu hẹp phạm vi chủ thể tội “cố ý làm trái”
Về chủ thể của tội phạm và trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thể chế kinh tế thị trường cần thông thoáng và sự thỏa thuận được ưa thích hơn là sự can thiệp của công quyền, nhưng hình luật mang tính quyền lực Nhà nước với sự trừng trị là thuộc tính. Do vậy, cần ưu tiên bảo vệ các chủ thể phi Nhà nước khi các chủ thể này bị xâm hại bằng sự thỏa thuận và đền bù hơn là hình phạt.
Luật hình sự chỉ “ra tay” bảo vệ khi có hành vi xâm phạm lợi ích và trật tự công hoặc dành cho người trong bộ máy công quyền gây ra.
Từ lý do này, người viết kiến nghị, đối với tội “cố ý làm trái”, cần thu hẹp phạm vi chủ thể chỉ là những người có trách nhiệm trong cơ quan Nhà nước hay các doanh nghiệp Nhà nước.
Hãy lấy “roi vọt” của thị trường thay cho hình phạt, lấy trừng phạt bằng kinh tế (phạt tiền) thay cho tước bỏ tự do đối với các tội phạm về kinh tế. Đó là xu hướng của hình luật. Mở rộng hình phạt phạt tiền và hạn chế phạt tù là phương án được nhiều người đề cập.
Ngoài ra, còn một số tội phạm khác thiết nghĩ cũng cần loại bỏ ra khỏi Bộ luật Hình sự. Ví dụ như tội đầu cơ, tội này đang tồn tại trong Bộ luật Hình sự nhưng thực tế xử lý tội này không nhiều. Bởi lẽ, nếu thị trường thông thoáng trong giao lưu, Nhà nước phản xạ nhanh trong điều tiết hàng hóa và quản lý thì cơ hội để mua vét hàng hóa bán lại với giá cắt cổ không có cơ sở để tồn tại.
Tương tự như vậy, tội cho vay nặng lãi và tín dụng đen sẽ không có lý do xuất hiện khi hệ thống ngân hàng dồi dào thanh khoản, lãi suất hấp dẫn và có thủ tục dễ dàng cho người ta tiếp cận vốn...
Hình phạt không phải là cái duy nhất để hạn chế một tội phạm nào đó, quan trọng vẫn là tiêu diệt những nền tảng tồn tại của tội phạm kinh tế trước khi điều chỉnh bằng luật hình sự.
Đinh Thế Hưng
(Viện Nhà nước và Pháp luật- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)