Nói đến Tây Nguyên, ngoài cồng chiêng và sử thi, không thể không nói đến nhà rông - một biểu tượng văn hóa độc đáo gắn liền với đơn vị làng và người dân bản địa. Giữa những buôn làng hoang sơ trong đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nhà rông sừng sững như cánh buồm no gió, như lưỡi rìu khổng lồ thách thức với thời gian, biểu tượng cho ý chí, niềm tin và sức mạnh cộng đồng. Đó là nơi đêm đêm các già làng kể cho con cháu nghe những Hmon huyền thoại, nơi truyền thụ những kinh nghiệm trong chiến đấu và xây dựng làng, nơi lưu giữ những vật tổ linh thiêng, nơi tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống và hành xử luật tục. Ở đó, hàm chứa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, đã và đang trường tồn cùng thời gian.
|
Nhà rông làng Khúc Loong, xã Rơ Kơi (Sa Thầy). |
Xuất phát từ cuộc sống lao động vốn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, yếu tố thời tiết thất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất thu hoạch. Bên cạnh đó cuộc sống du cư trước đây trong rừng sâu, luôn đứng trước nguy cơ bị các thế lực xấu tấn công như thú dữ, dịch bệnh, thiên tai.v.v.. hầu hết các dân tộc thiểu số đều tin rằng những hiện tượng đó là do các vị thần điều khiển, vì vậy tín ngưỡng đa thần đã hình thành từ thời xa xưa.
Cũng tín ngưỡng đa thần, nhưng người Ja Rai quan niệm chỉ các thần tạo hóa và thần cấp cao mới được gọi chung là “Yàng”. Nhà rông của mỗi làng, trước hết đó là nơi trú ngụ của Yàng. Do vậy khi xây dựng xong nhà rông phải làm lễ cúng Yàng, mời Yàng về ở để Yàng chở che cho dân làng bình an, no đủ.
Lễ cúng Yàng lên nhà rông mới của người Ja Rai ở huyện Sa Thầy thường được tổ chức trong 3 ngày. Khi nhà rông đã xây dựng xong và công việc thu hoạch mùa màng đã ổn thỏa, một cuộc họp của hội đồng già làng và những người có trách nhiệm trong cộng đồng được triệu tập.Tại cuộc họp này, mọi người cùng nhau bàn bạc để quyết định thời gian tổ chức lễ, quy mô tổ chức, số lượng khách mời và đặc biệt quan trọng là đưa ra mức đóng góp của các chủ hộ cho phù hợp. Cũng tại đây, việc phân công các thành viên phụ trách những nhóm công việc, giống như các “tiểu ban” lễ hội, được điều động nhân lực để thực hiện nhiệm vụ. Thường thì nhóm thanh niên trai tráng được cử vào rừng chặt cây làm trụ nêu, cột gưng, lấy dây mây, chặt ống lồ ô về nấu cơm lam. Còn nhóm phụ nữ đảm nhiệm việc lấy lá thuốc, lấy cây chuối non về chế biến với thịt, lá chuối để bày đồ ăn, củi đốt, và đặc biệt là mây đắng, một sản vật của núi rừng không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Ja- Rai.
Khi vật liệu đã tập kết đầy đủ, việc làm cây nêu bắt đầu, đây là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất. Từ những ống lồ ô cứng cáp, qua bàn tay khéo léo và điêu luyện của các nghệ nhân, được pha thành hàng ngàn chiếc nan, đan kết tạo những hoa văn độc đáo. Đặc biệt là chuốt ra thành muôn vàn tua rua mềm mại, kết hợp với những hoa văn trang trí, sắp xếp theo tầng lớp. Ngoài hai màu xanh và trắng nguyên bản của vật liệu, các chi tiết trên cây nêu còn được nhuộm thêm hai màu đỏ và đen chế tác từ vỏ cây rừng hoặc sơn ta hết sức sinh động. Cây nêu chính dùng để cột trâu thường được làm từ 5 đến 7 tầng, cây nêu phụ nhỏ hơn dùng để cột dê có chiều cao thấp hơn và số tầng cũng ít hơn. Các tầng của cây nêu càng lên cao càng nhỏ dần, đỉnh là mặt trời đang tỏa những tia sáng rực rỡ, các tầng hoa văn tượng trưng cho bông lúa, hoa bắp mùa tiếp mùa trù phú.
|
Trâu và dê được chọn làm vật hiến tế. |
Vào ngày đầu tiên của lễ hội, các con vật hiến tế là trâu và dê được một nhóm thanh niên dắt đến từng nhà, chủ hộ mang một ca gạo nếp góp vào gùi gạo chung của làng, nắm lấy dây buộc trâu và dê rồi nói những điều mong ước tốt lành đến với gia đình mình. Trong khi đó tại nhà rông, già làng chọn vị trí để đào hố trồng cây nêu. Công việc này phải tính toán kỹ sao cho phù hợp với không gian chung, bởi sau này cây Pơ- Lang (còn gọi là cây gạo) trồng bên trong các cột gưng sẽ thành cây cổ thụ. Vị trí đặt cây nêu bao giờ cũng được chọn phía trước nhà rông. Sau khi đào hố xong, già làng thắp một cây nến làm bằng sáp ong gắn trên miệng ghè rượu thiêng giữa sân, hiến một con gà nhỏ, lấy máu rắc vào ghè rượu và hố trồng cây nêu. Một nắm củ thuốc “gang gưng” cũng được bỏ theo rồi trồng cây nêu lên. Xung quanh trụ nêu được đóng 4 cọc Gưng đã được đẽo gọt và sơn màu sặc sỡ, rồi trồng nhánh cây Pơ Lang vào giữa. Sợi dây cột trâu và dê đan kết bằng mây rất chắc chắn, tròng vào chân các cột nêu để có thể xoay vòng dễ dàng. Khi hoàn tất việc trồng cây nêu, cũng là lúc trâu và dê do nhóm thanh niên dắt đến từng nhà, để chủ hộ làm thủ tục “mua” bằng những ca gạo nếp đã được đưa về. Các con vật hiến tế này được cột vào trụ nêu, “Túi Yàng” lấy từ nóc nhà rông xuống gác vào cột gưng buộc trâu, cồng chiêng nổi lên, già làng với tư cách là chủ lễ, trong trang phục truyền thống chấm tay vào ghè rượu thiêng và trịnh trọng khấn: “ Ơi Yàng, hôm nay làng chúng tôi dâng lễ mời Yàng lên nhà rông mới. Yàng hãy về uống những ghè rượu đầu tiên ngon nhất, nhận lễ vật chúng tôi dâng lên và chở che cho dân làng luôn được mạnh khỏe, thóc lúa đầy kho, trâu bò, heo, gà đầy chuồng”.
Từ khắp mọi ngõ xóm, các thành viên trong cộng đồng mang những bát gạo, có thắp trên đó một cây nến nhỏ đổ về nhà rông. Những hạt gạo trắng ngần liên tiếp được ném lên mình trâu và dê, cùng với lời cầu xin Yàng chở che, giúp đỡ, có người còn dùng trang phục hoặc vật dụng cá nhân chạm vào mình các con vật hiến sinh. Ở ghè rượu thiêng giữa sân cũng đồng thời diễn ra một hành động tâm linh - giống như việc “xin quẻ” đầu năm tại các đền chùa, lần lượt những người đàn ông từ già đến trẻ, cầm con gà hiến tế vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh miệng ghè rượu, cầu xin Yàng cho mình gặp những điều tốt lành, sau đó ném con gà ra phía trước, nếu đầu hoặc ức gà hướng chính diện về phía người ném, đồng nghĩa với Yàng đã ưng thuận. Tiếp đến những ghè rượu được cõng đến và mọi người vừa uống, vừa đánh cồng chiêng, múa xoang, thức cùng Yàng thâu đêm đến sáng.
Ngày thứ hai và cũng là ngày diễn ra các hoạt động chính của lễ, bắt đầu từ lúc màn sương sớm còn chưa rõ mặt người, chiêng trống nổi lên. Một lần nữa từ khắp các ngõ xóm, mọi người thắp nến, mang gạo góp đến ném lên các con vật hiến tế, cầu mong Yàng cho những điều tốt lành. Nước được đổ vào ghè rượu thiêng giữa sân, nến được thắp lên, già làng chủ lễ trịnh trọng: “Ơi Yàng, xin Yàng về nhận lấy lễ vật mà dân làng chúng tôi dâng lên. Đây là con trâu khỏe nhất, con dê béo nhất kính dâng cho Yàng”. Khi mặt trời rọi những tia nắng đầu tiên xuống mái nhà rông, trong tiếng cồng chiêng rộn rã, già làng cầm dao nhảy múa theo nhịp chiêng, rồi chém nhẹ vào chân trâu, sau đó tốp thanh niên lực lưỡng quật ngã trâu, dê rồi mới cắt tiết. Chờ đến khi nhóm trung niên thui và xẻ thịt, lấy đầu trâu cùng một phần gan và máu sống đưa lên nhà rông, ở đây đã chuẩn bị sẵn 2 ghè rượu thiêng và lá thuốc, lúc này “Túi Yàng” cũng được mang từ cột gưng lên, già làng đổ “Túi Yàng” ra chiếc chậu nhỏ, trộn máu các con vật hiến tế với rượu từ chiếc ghè thiêng để tắm Yàng. “Túi Yàng” là những vật linh thiêng truyền qua nhiều đời, có hình dạng giống như những viên đá quý, rìu đá, mảnh gốm cổ, đôi khi có cả ngà voi. Sau đó những vật thiêng lại được bỏ vào “Túi Yàng” và treo lên nóc nhà rông.
|
Chuẩn bị ống lồ ô để nấu thịt và cơm lam. |
Phần nghi lễ đến đây cơ bản kết thúc, các nhóm được phân công tập trung vào việc xẻ thịt trâu, dê và heo. Nhóm chia thịt về cho các bếp trong làng; nhóm nướng thịt, nướng mây đắng để chuẩn bị đãi khách. Từ các ngõ, mọi người tiếp tục cõng rượu và cơm ống đến góp. Rượu được đóng cọc, buộc thành từng hàng rồi đổ nước, làm “căn” tiếp khách. Những khách quý được mời vào bên trong nhà rông, uống rượu chúc mừng, sau đó được các chủ ghè rượu bên ngoài chờ sẵn, lần lượt mời hết sức nhiệt tình, vì vậy khi khách chào từ biệt thường đã chuyếnh choáng men say. Cứ như thế, dân làng cùng nhau uống rượu, đánh cồng chiêng và múa xoang mãi tận đêm khuya, cho đến khi các ghè rượu nhạt dần và niềm lâng lâng theo bước chân mỗi người đi về từng ngõ xóm.
Ngày thứ ba chủ yếu là công việc nội bộ, hội đồng già làng và những người có trách nhiệm họp xem xét, rút kinh nghiệm về toàn bộ lễ hội, bàn cách giải quyết những vấn đề phát sinh, hạ đầu trâu và uống rượu tổng kết.
Cùng với tiến trình vận động của xã hội, một số phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, mang bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung đang có nguy cơ mai một. Nhưng Lễ cúng Yàng lên nhà rông mới của người Ja- Rai A ráp ở huyện Sa Thầy vẫn được lưu truyền qua bao thế hệ cho đến ngày nay. Theo cách nghĩ của người dân nơi đây, nhờ có các vị thần luôn che chở, giúp đỡ nên các thế lực xấu không thể làm hại dân làng. Do đó phải có một ngôi nhà chung, được thiết kế thật đẹp, thật hoành tráng làm nơi trú ngụ cho các vị thần có công với dân làng. Đây cũng là một cách ứng xử đầy tính nhân văn, mặc dù phảng phất yếu tố tâm linh. Cũng chính vì vậy mà mọi hoạt động như bàn việc sản xuất, hành xử luật tục, các lễ hội chung.v.v.. vẫn chọn nhà rông để tổ chức, nhằm nhắc nhở mọi người đừng làm điều gì xấu, bởi có các vị thần trừng phạt. Lễ hội cũng là dịp thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, là quãng thời gian để nghỉ ngơi sau những ngày làm việc miệt mài, vất vả. Thông qua đó củng cố, xây dựng tình đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Đặc biệt, việc chọn cây Pơ Lang trồng bên trong cột gưng mang ý nghĩa rất sâu sắc, bởi cùng với thời gian, cây nêu, cột gưng rồi sẽ cũ đi, mục ruỗng bởi nắng mưa. Nhưng sức sống mãnh liệt của cây Pơ- Lang thì trường tồn cùng năm tháng. Giống như lễ hội mừng nhà rông mới, chắc chắn sẽ còn được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Bài và ảnh: TRẦN DUY TIÊN