Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia cần phù hợp với điều kiện giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và lộ trình của quá trình đổi mới giáo dục. Ảnh:VGP/Thanh Thủy. |
Phương án 8 môn: Áp lực thời gian
TS Nguyễn Thị Minh Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, quyết định giảm số buổi thi (từ 6 buổi với 6 môn xuống 4 buổi với 4 môn) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vừa qua đã nhận được sự đồng tình của xã hội.
“Tuy nhiên, với phương án thi 8 môn (4 môn tối thiểu, và 4 môn bổ sung phục vụ xét tuyển ĐH, CĐ), thời gian diễn ra kì thi theo phương án này kéo dài hơn (4 ngày), số lượng môn thi quá nhiều và được lấy làm kết quả xét tuyển 2 kì thi (xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH) sẽ tạo nhiều áp lực cho học sinh, giáo viên và các địa phương”, TS Nguyễn Thị Minh Hồng nhận xét.
Phương án tổ chức thi 4 bài thi tổng hợp tất cả các môn học ở lớp 12 được TS Hồng đánh giá là phù hợp với mục tiêu đổi mới và xu thế của thế giới nhưng chưa thể triển khai ngay trong năm 2015. Bởi vì, tính tích hợp, liên môn ở các bài thi trong phương án này rất cao nên cần có sự đổi mới đồng bộ từ sách giáo khoa; phương pháp giảng dạy, đào tạo; tập huấn cho đội ngũ giáo viên.
Vì vậy, TS. Nguyễn Thị Minh Hồng cho rằng phương án 5 bài thi (3 bài bắt buộc, 1 bài tổng hợp tự chọn tùy theo lĩnh vực KHXH hay KHTN) là phương án phù hợp với điều kiện giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và lộ trình của quá trình đổi mới giáo dục mà Việt Nam đang triển khai. Trong đó có mục tiêu giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội về thời gian, chi phí, nguồn lực. Đồng thời, kỳ thi sẽ đánh giá được chính xác năng lực cá nhân của học sinh theo hướng tư duy tổng hợp với việc thể hiện ý kiến cá nhân và quá trình tổng hợp các kiến thức đã tiếp nhận được trong học tập.
Khoa học và linh hoạt cho các trường
Cũng chung quan điểm chọn phương án 5 bài thi, TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Marketing cho biết, với cấu trúc 5 bài thi nhưng 3 bài thi là các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là các môn học và thi căn bản, bắt buộc tại các kì thi trước đây nên sẽ không “sốc” với các dạy và học của giáo viên, học sinh. Tính linh hoạt của phương án này là thí sinh được tự chọn 1 trong 2 bài thi tổng hợp là KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi khoa học -xã hội (Lịch sử và Địa lý), những môn thi là căn cứ cho các trường ĐH khi xét tuyển đầu vào.
“Với học sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT sau đó đi học nghề hay lao động thì không phải tham gia tất cả các môn thi (giảm chi phí, thời gian). Còn với các em dự thi ĐH, CĐ có thể theo từng trường, từng ngành mình lựa chọn để chọn thi thêm bài thi KHXH hay bài thi KHXH”, TS Nguyễn Văn Hiến nói.
Theo TS. Nguyễn Văn Hiến việc tách 2 bài thi KHTN, KHXH là ưu điểm nổi bật về tính khoa học, sự linh hoạt của chuyên môn của kì thi vì đã giảm áp lực học tập, thi cử cho học sinh; giảm chi phí, thời gian tổ chức; tạo điều kiện cho các trường ĐH lựa chọn điểm thi phù hợp với tính chất chuyên ngành của trường mình mà có thể không cần phải làm những hình thức kiểm tra khác.
Cụ thể, các trường ĐH có thể chia thành 2 tiêu chí để xét tuyển dựa trên kết quả thi của 3 bài thi bắt buộc nhân hệ số 1 và điểm của bài thi tự chọn nhân hệ số 2 (tùy theo từng trường mà chọn kết quả bài thi KHXH hay KHTN).
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thị Minh Hồng cho rằng, các trường ĐH cũng cần nêu rõ phương thức tuyển sinh của mình. Theo đó, nêu rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh đầu vào của trường mình theo từng ngành học cụ thể. Đồng thời, công bố các hình thức kiểm tra đầu vào khác như phỏng vấn, bài luận, IQ trên website của trường và thông tin đại chúng để học sinh nắm vững.
Tuy nhiên, để tránh trường hợp các trường ĐH có thể tổ chức nhiều kì thi xét tuyển riêng, tạo sức ép cho thí sinh, gây rườm rà trong quá trình xét tuyển tạo khe hở cho tiêu cực thì Bộ GDĐT cũng nên có các quy định cụ thể hơn. Đồng thời, đưa ra một giới hạn cụ thể nào đó về điểm xét tuyển (thay điểm sàn) để hạn chế tình trạng tuyển sinh đầu vào không đảm bảo chất lượng của một số trường ĐH, CĐ.
Sớm công bố cấu trúc đề thi
GS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXVNV (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng dù lựa chọn phương án nào thì vấn đề ra đề thi là vô cùng quan trọng.
“Đề thi phải được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học phát huy khả năng cá nhân. Theo đó, đề thi phải phân tầng, phân loại cao và chia thành nhiều mức độ từ trung bình, khá, giỏi, xuất sắc để thí sinh có thể hoàn thành dựa trên mục đích thi của mình. Để các trường THPT, giáo viên và học sinh thực hiện tốt nhiệm vu dạy và học nhằm đạt kết quả cao thì Bộ GDĐT cần sớm công bố một cách cụ thể cấu trúc của bài thi, đề thi”, GS.TS Võ Văn Sen nói.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu TPHCM nhấn mạnh, phương án 5 bài thi là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên Bộ GDĐT cần công bố rõ ràng cấu trúc của đề thi một cách cụ thể ngay từ đầu năm học để thầy, cô giáo và học sinh định hướng được quá trình giảng day.
Đặc biệt, khâu tổ chức, chấm thi, quy chế xét tuyển tốt nghiệp ĐH cũng được lên phương án rõ ràng cụ thể, chi tiết càng sớm càng tốt để các địa phương, các trường chuẩn bị và học sinh ổn định tâm lý.
Bên cạnh đó, GS.TS Võ Văn Sen lưu ý, tính nghiêm túc của kỳ thi phải được đặt lên hàng đầu để đảm bảo chất lượng tuyển sinh và hiệu quả của đổi mới thi cử. Nên giao cho các tỉnh, thành phố tổ chức kỳ thi dưới sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của Bộ và các cơ quan liên ngành. Riêng chấm thi phải tổ chức theo cụm và thành lập bộ phận chấm thi của Bộ quản lý.
Thanh Thủy