Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quảng Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây - Nam, mùa khô khí hậu rất khắc nghiệt, thời tiết trong những ngày này rất nắng nóng khiến thảm thực bì khô và dày rất dễ bắt lửa gây ra cháy rừng. Đặc biệt, vào thời kỳ nắng nóng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, cấp dự báo cháy rừng thường xuyên ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy rừng mùa nắng nóng, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Bình khuyến cáo người dân, chủ rừng tuyệt đối không đốt nương làm rẫy và sử dụng lửa tại các khu rừng; vệ sinh rừng, thu dọn, xử lý các lớp thực bì, vật liệu cháy trong rừng.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, tuần tra nghiêm ngặt trong suốt mùa nắng nóng. Chủ động trang bị phương tiện, dụng cụ, biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) phù hợp như: Dao phát tạo đường băng cản lửa, vỉ dập lửa, cuốc, xẻng, máy thổi gió, máy bơm chữa cháy, nguồn nước phục vụ chữa cháy…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu các đơn vị, lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, chủ rừng về pháp luật lâm nghiệp. Trong PCCCR phải lấy phương châm phòng là chính; các chủ rừng phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng để xử lý các tình huống.
Trong mùa nắng nóng, lực lượng bảo vệ rừng tổ chức trực 24/24 giờ tại các chòi canh và tại thực địa ở những vùng trọng điểm cháy rừng. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp PCCCR nên trong năm 2022, trên địa bàn chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng.
Tại tỉnh Quảng Trị, địa phương hiện có hơn 250.000 ha rừng, với khi hậu khắc nghiệt, nắng nóng vào mùa hè cùng với phong tục đốt nương làm rẫy của đồng bào vùng cao vẫn còn nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn hiện hữu. Để nâng cao công tác PCCCR, trước đó địa phương đã tổ chức thực tập nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và kỹ năng sẵn sàng phòng chống cháy rừng của các đơn vị, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu lực lượng chức năng sẵn sàng phương án để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố… không để xảy ra cháy lớn, cháy rừng diện rộng. Các chủ rừng cần quan tâm đến công tác PCCCR, thường xuyên duy trì hoạt động của lực lượng PCCC, đầu tư trang bị, phương tiện đáp ứng theo phương châm "4 tại chỗ"…
Tại TP. Đà Nẵng, huyện Hoà Vang có tổng diện tích rừng trên 50.000 ha, chiếm 2/3 diện tích rừng của Thành phố. Trước tình hình nắng nóng gay gắt liên tục diễn ra, Hạt Kiểm lâm huyện phân công lực lượng trực 24/24 giờ, tăng cường tuyên truyền lưu động cho người dân, đặc biệt là việc xử lý thực bì trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp.
"Hiện nay nắng nóng rất gay gắt, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã và các chủ rừng phải tập trung công tác PCCCR và ứng trực 100%. Đồng thời thành lập các tổ đội, quần chúng bảo vệ rừng, các tổ phản ứng nhanh của các địa phương, các chủ rừng trực những nơi có nguy cơ cháy; khi có cháy báo ngay cho chính quyền địa phương và Hạt kiểm lâm để huy động lực lượng tại chỗ dập tắt, tránh lan rộng", ông Lê Đình Thám, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng thông tin.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng cho biết ngay từ đầu mùa khô, lực lượng kiểm lâm các địa phương đã phối hợp với UBND các phường, xã có rừng rà soát công tác PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ.
Chi Cục Kiểm lâm cũng thành lập đội phản ứng nhanh với 40 người chia làm 3 tổ công tác hoạt động trên địa bàn trọng điểm, gồm rừng Nam Hải Vân, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Những khu rừng này ở sát khu dân cư, khu du lịch do đó dễ xảy ra cháy rừng.
"Quan điểm phòng là chính, chữa cháy là phải kịp thời. Những ngày lễ, ngày nghỉ chúng tôi cũng tăng cường lực lượng ứng trực kể cả phương tiện, trang thiết bị và con người có mặt kịp thời sớm nhất. Xác định đây là thời điểm rất có nguy cơ xảy ra cháy rừng, chính vì vậy ngoài lực lượng của kiểm lâm ra, kiểm lâm địa bàn làm nòng cốt tham mưu cho tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng ở địa phương nếu có cháy rừng xảy ra lực lượng tại chỗ có mặt kịp thời", ông Lê Mạnh Hùng cho hay.
Tại Quảng ngãi, UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch PCCCR năm 2023 với mục tiêu quản lý tốt 333.049 ha rừng, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng.
Kế hoạch tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về công tác PCCCR; thành lập mới hoặc củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo và lực lượng PCCCR các cấp; rà soát, bổ sung vùng trọng điểm cháy rừng ngoài thực địa vào bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng; xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện công tác PCCC trên địa bàn quản lý.
Trực tiếp nhận và xử lý thông tin cảnh báo, thông tin cháy rừng vào mùa khô khi dự báo cháy rừng từ cấp cao trở lên; lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã phải phân công trực PCCCR 24/24.
Trong công tác chữa cháy rừng phải thực hiện phương châm 4 tại chỗ; dập tắt lửa phải khẩn trương, kịp thời và triệt để; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của nhân dân.
Lưu Hương