Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khi hè đến, lượng người đi biển tại Đà Nẵng rất đông, đồng thời cũng xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm - Ảnh: VGP/Minh Trang
Thời điểm đầu mùa hè, miền Trung liên tiếp chứng kiến nhiều vụ đuối nước thương tâm khiến không ít gia đình rơi vào cảnh tang thương. Những vụ tai nạn này không chỉ để lại nỗi đau cho người ở lại mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cấp thiết trong việc trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn nước cho trẻ em.
Chiều 10/5, người dân khu vực bãi biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) bàng hoàng trước vụ đuối nước khiến hai học sinh tử vong. Hai em Đ.X.T và T.Q.V (cùng sinh năm 2011, trú tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) rủ nhau ra biển tắm. Trong lúc vui chơi, các em không may bị sóng cuốn ra xa. Người dân phát hiện vụ việc đã lập tức hô hoán và tổ chức ứng cứu, nhưng do sóng lớn và dòng nước chảy xiết, cả hai em đều không qua khỏi.
Tại Quảng Trị, ngày 26/3, liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước khiến ba em nhỏ tử vong. Theo đó, ở TP. Đông Hà, em H.C.T (sinh năm 2015, học sinh lớp 4) đã thiệt mạng khi cùng bạn ra chơi tại khu vực đập ngăn mặn sông Hiếu.
Cùng ngày, tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, hai em học sinh lớp 9 là N.H.N và T.T.T.N (trú tại thị trấn Bến Quan) đã tử vong sau khi cùng nhóm bạn tắm suối tại thôn Công Ba. Thi thể hai em chỉ được tìm thấy vào tối muộn cùng ngày, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm của lực lượng chức năng và người dân địa phương.
Những vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian ngắn đã cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao kỹ năng an toàn cho trẻ, nhất là khi thời tiết nắng nóng kéo dài và nhu cầu vui chơi ngoài trời tăng cao.
Trường học ở miền Trung nỗ lực dạy bơi miễn phí, kỹ năng an toàn nước cho học sinh - Ảnh: VGP/Minh Trang
Cấp thiết dạy bơi, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh
Để không còn những mất mát đau lòng, nhiều địa phương miền Trung đã bắt đầu hành động quyết liệt hơn trong phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Theo Công an TP. Đà Nẵng, từ 2021 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận hơn 100 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 53 người, chủ yếu là trẻ em và học sinh tại các khu vực biển, hồ, suối không có cảnh báo hoặc kiểm soát.
Từ đầu tháng 5, các quận trên địa bàn TP. Đà Nẵng bắt đầu phát động các chiến dịch toàn dân phòng, chống đuối nước. Điển hình như quận Sơn Trà, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết: "Quận Sơn Trà là 1 quận ven biển, người dân, trẻ em thường xuyên đi biển nên cần thiết trang bị kỹ năng phòng chống, đuối nước. Vừa qua, quận đã phát động chương trình toàn dân phòng, chống đuối nước, tặng phao bơi và triển khai dạy bơi an toàn cho các em học sinh tiểu học, tại 8 trường có hồ bơi, 720 lớp với hơn 4.300 học sinh, giáo viên phải có đầy đủ chứng chỉ cứu, đuối theo quy định".
Tại Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp khẩn trương triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021–2030. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò người đứng đầu, yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ.
Đây là phản ứng cần thiết khi địa phương từng ghi nhận 4 vụ đuối nước khiến 6 em nhỏ thiệt mạng, chủ yếu do trẻ thiếu kỹ năng bơi và phụ huynh thiếu giám sát.
Ở Quảng Trị, ngành giáo dục đã có những bước phản ứng nhanh chóng. Sở GD&ĐT tỉnh yêu cầu các trường học tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo học sinh không tắm ở những nơi tiềm ẩn rủi ro, đồng thời đẩy mạnh việc dạy bơi, dạy kỹ năng xử lý tình huống dưới nước.
Nhiều trường như THCS Thanh An (huyện Cam Lộ) còn chủ động phối hợp tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho hàng trăm học sinh, kể cả các em ở địa bàn lân cận. Nhờ đó, nhận thức và kỹ năng phòng tránh đuối nước trong cộng đồng học sinh đã được cải thiện rõ rệt.
Không dừng lại ở những giải pháp ngắn hạn, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu xa hơn với Kế hoạch hành động kéo dài đến năm 2035. Theo đó, tỉnh phấn đấu 90% học sinh lớp 12 sẽ biết bơi an toàn vào năm 2035; đồng thời tăng cường đầu tư bể bơi tại trường học và các xã, phường, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với việc học bơi.
Kế hoạch cũng nêu rõ việc bồi dưỡng giáo viên, nhân viên y tế học đường về kỹ năng phòng chống, sơ cấp cứu đuối nước-yếu tố quan trọng để tạo thành mạng lưới bảo vệ trẻ em toàn diện hơn.
Để tránh những vụ đuối nước thương tâm, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc trang bị kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng bơi lội-để không còn những học sinh "mù bơi" giữa mùa hè oi ả.
Minh Trang