Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực tế, tham gia mô hình bà con không chỉ chủ động trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận mà còn giải quyết được tình trạng thiếu nhân công lao động, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình tiếp tục duy trì thực hiện trong vụ Thu Đông 2022 này với tổng diện tích 50 ha. Bà con tham gia mô hình sẽ sản xuất lúa theo quy trình an toàn, ứng dụng thiết bị bay (Drone) trong sạ lúa, bón phân và phun thuốc, được liên kết đầu tư cả về giống, phân bón và bao tiêu thu mua sản phẩm.
Tại mô hình này, Công ty áp dụng bộ sản phẩm chất lượng cao NPK Cà Mau 20-15-8 (Lúa 1 – Mạ đẻ nhánh) và NPK Cà Mau 18-6-18 (Đòng – Nuôi hạt) cho lúa bắt phân sớm, giúp lúa giai đoạn đẻ nhánh khỏe, rễ ra nhanh, bộ rễ trắng và dài hơn, giai đoạn đón đòng giúp cây khỏe vào hạt nhanh, tỉ lệ hạt chắc cao, hạt lúa sáng, chắc.
Bà con tại địa phương được so sánh giữa phương thức canh tác lúa truyền thống và phương thức canh tác hiện đại. Ruộng mô hình trình diễn phân bón Cà Mau cho năng suất bình quân 7,14 tấn/ha và lợi nhuận cao hơn khoảng 8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa truyền thống nhờ tiết kiệm giống, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Phấn khởi chia sẻ niềm vui trong những ngày lúa sắp thu hoạch, ông Nguyễn Quang So, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (hộ nông dân đã tham gia mô hình) cho biết gia đình ông vừa tiết kiệm được nhân công lao động, vừa giảm chi phí sản xuất, nên thu nhập tăng lên rõ rệt.
Cũng là một trong những nhà nông tham gia mô hình lần này, ông Lê Văn Hùng, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vui vẻ chia sẻ, ngoài mê ứng dụng máy bay không người lái trong gieo sạ, phun thuốc và bón phân, ông tâm đắc với bộ sản phẩm NPK Cà Mau. Bộ sản phẩm phân bón Cà Mau chuyên dùng "Đẻ nhánh và Đòng – Nuôi hạt" mang lại hiệu quả, lúa có màu xanh mỡ gà, ít sâu bệnh.
"NPK Cà Mau với 3 chất dinh dưỡng đạm, lân, kali trong cùng một hạt phân, hạt tròn, đồng đều, việc phun phân bằng máy bay lại càng hiệu quả hơn, tiện hơn, đồng đều hơn. Vì vậy, tôi mong muốn tiếp tục được tham gia mô hình liên kết và sử dụng công nghệ cao, sản phẩm chất lượng như vậy trong thời gian tới", ông Lê Văn Hùng cho biết thêm.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình cũng như lợi ích cho người nông dân, ông Nguyễn Anh Tàu, Phó trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết, mô hình này mang lại hiệu quả rất cao là ứng dụng tối đa hóa cơ giới cũng như đưa công nghệ vào sản xuất lúa. Về chất lượng bông lúa và hạt lúa thì tỉ lệ hạt lép cũng như bệnh cháy bìa lá rất thấp, chính vì vậy năng suất tăng lên rõ rệt và thu nhập của bà con nông dân đã tăng cao.
Hiệu quả từ các mô hình như trên đang được bà con và cơ quan chức năng đánh giá cao, ghi nhận. Đây là cơ sở để phân bón Cà Mau tiếp tục triển khai trong thời gian tới, cùng khuyến cáo bà con sử dụng lượng phân bón hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao theo các giai đoạn lúa, từng mùa vụ, nhằm giảm chi phí, giải quyết bài toán nhân công lao động và tối ưu năng suất cây trồng.
PD