• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

(Chinhphu.vn) – Gửi ý kiến đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, cử tri một số địa phương phản ánh những bất cập trong việc khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế và đề nghị Bộ Y tế có các giải pháp cơ bản, hiệu quả hơn trong thực hiện cải cách y tế.

16/10/2014 10:02

Theo phản ánh của cử tri các địa phương An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng… hiện nay, quyền lợi của người khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) chưa được bảo đảm.

Người bệnh chỉ nhận được thuốc giá rẻ, giá thuốc BHYT cao hơn bên ngoài, cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) thiếu thuốc và phương tiện kỹ thuật; còn có sự phân biệt đối xử giữa người có BHYT với người khám theo hình thức dịch vụ, nhiều thủ tục gây khó khăn cho người bệnh… Đồng thời, mức chi trả của người sử dụng thẻ BHYT còn cao trong khi bị hạn chế chọn nơi KCB hoặc KCB vượt tuyến…

Cử tri đề nghị Bộ Y tế cần có các giải pháp cơ bản và hiệu quả hơn trong thực hiện cải cách y tế, nhất là đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động KCB BHYT, cụ thể như: Tăng danh mục thuốc BHYT, tiến đến việc thực hiện BHYT theo loại bệnh điều trị, cải thiện thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ ngành y; quan tâm, định hướng nâng cấp chất lượng KCB cho các bệnh viện cấp huyện, khu vực và trạm y tế xã, phường.

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri các địa phương như sau:

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình KCB, giảm phiền hà cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi không cần thiết trong khám bệnh, như: Tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản hướng dẫn về BHYT cho toàn thể cán bộ nhân viên của đơn vị. Thủ trưởng các đơn vị tổ chức rà soát thủ tục KCB BHYT, bố trí hệ thống đăng ký và nơi khám bệnh một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, bổ sung bảng chỉ dẫn các khoa phòng, bảng hướng dẫn thủ tục KCB, cung cấp thông tin về KCB BHYT.

Đồng thời, tăng cường tin học hoá trong quản lý KCB BHYT; không phân biệt người bệnh tự trả viện phí và người bệnh BHYT. Công khai bảng giá viện phí theo quy định, công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả hay được quỹ BHYT thanh toán.

Đặc biệt, sau khi Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012, giao trách nhiệm cụ thể cho Giám đốc Sở Y tế, giám đốc các bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng KCB gắn với điều chỉnh giá viện phí.

Đối với cán bộ y tế gây khó khăn với gia đình người bệnh, Bộ Y tế đã tái thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của “Đường dây nóng Ngành Y tế” trực 24/24 giờ theo số điện thoại Tổng đài 19009095, đồng thời cũng yêu cầu các bệnh viện tái thiết lập “đường dây nóng bệnh viện” kèm số điện thoại của giám đốc đơn vị. Các số điện thoại đường dây nóng được dán tại nơi người bệnh dễ thấy và Bệnh viện phải phân công người thường trực 24/24 giờ.

Một số trường hợp sẽ không bị giới hạn nơi KCB

Theo quy định của Luật BHYT, người tham gia BHYT có quyền lựa chọn một cơ sở y tế để đăng ký KCB ban đầu và khi đi KCB đúng nơi đăng ký ban đầu sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT. Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, người bệnh vẫn được chuyển lên tuyến trên theo quy định về chuyên môn của Bộ Y tế, quy định về đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB tại Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế.

Việc phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế quy định theo 4 cấp, dựa trên địa giới hành chính, phạm vi quản lý, khả năng chuyên môn và thực trạng về cơ sở vật chất.

Việc đăng ký cơ sở KCB ban đầu và phải đến KCB tại cơ sở đăng ký (trừ trường hợp cấp cứu) là cần thiết và phù hợp vì sẽ giúp cho việc quản lý các đối tượng người bệnh tại mỗi cơ sở. Sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực của cơ sở y tế tuyến dưới, thuận lợi cho người bệnh. Duy trì tuyến điều trị, giảm chi phí không cần thiết và giảm tải cho các cơ sở KCB tuyến trên.

Để bảo đảm quyền lợi của người bệnh trong trường hợp cấp cứu, tai nạn ngoài địa phương, Điều 28 Luật BHYT đã quy định: Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi về BHYT.

Ý kiến của cử tri đề nghị người tham gia BHYT được chuyển tuyến trực tiếp từ tuyến xã lên tuyến tỉnh và cho phép người có thẻ BHYT được KCB tại bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào vẫn được thanh toán BHYT... là chưa phù hợp với quy định hiện hành của Luật BHYT, vừa gây khó khăn cho cơ quan quản lý vừa làm quá tải các bệnh viện tuyến trên, dẫn tới tình trạng lãng phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho tuyến dưới. Bộ Y tế tiếp thu ý kiến và trước mắt Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT đã sửa đổi quy định này như sau:

Từ ngày 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định của Luật.

Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương và có mức hưởng theo quy định của Luật.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung triển khai các Đề  án: Bác sĩ gia đình, bệnh viện vệ tinh, đồng thời chỉ đạo nâng cấp và bổ sung các trang thiết bị, nâng cao chất lượng KCB, chuyển giao các dịch vụ kỹ thuật cho đội ngũ y bác sĩ tuyến dưới, để  đáp ứng nhu cầu KCB, đảm bảo công bằng đối với người tham gia BHYT.

Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2009/TT-BYT hướng dẫn đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB BHYT. Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư phân tuyến kỹ thuật, trong đó có bổ sung việc chuyển vượt tuyến bệnh nhân nặng mà các dịch vụ của tuyến trên liền kề không đáp ứng được hoặc chuyển vượt tuyến đối với bệnh nhân mắc bệnh chuyên khoa mà bệnh viện tuyến trên liền kề không có khoa điều trị để đáp ứng nhu cầu KCB và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Sẽ bổ sung danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán

Về danh mục thuốc BHYT: Danh mục thuốc BHYT hiện đang sử dụng bao gồm 900 hoạt chất thuốc tân dược với 1.143 hợp chất, 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu (ban hành kèm theo thông tư số 31/2011/TT-BYT ngày 11/7/2011), 127 chế phẩm y học cổ truyền và 300 vị thuốc y học cổ truyền (ban hành kèm theo Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010). Có thể nói, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng của người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm cả các thuốc đặc trị, thuốc chi phí điều trị lớn như thuốc điều trị ung thư, chống thải ghép.

Trong những năm qua, với mục tiêu mở rộng Danh mục thuốc, đáp ứng ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ BHYT, đặc biệt đối với người bệnh thuộc diện khó khăn, Danh mục thuốc đã liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung (7 lần từ năm 2001 đến nay).

Hiện tại, Bộ Y tế đang tiến hành rà soát, sửa đổi Danh mục thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền được Quỹ BHYT thanh toán theo hướng mở rộng số lượng thuốc được sử dụng cho các bệnh viện tuyến dưới, bổ sung các thuốc cần thiết cho nhu cầu điều trị kể cả các thuốc đắt tiền, đồng thời xem xét loại bỏ các thuốc có chi phí điều trị lớn mà hiệu quả  điều trị không rõ ràng nhằm xây dựng Danh mục thuốc phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu điều trị và khả năng chi trả của Quỹ BHYT.

Về cơ sở vật chất cho phòng khám, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 về việc ban hành Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện. Quyết định cũng chỉ rõ một trong các giải pháp nhằm cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện là cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh. Tổ chức nhiều điểm hướng dẫn người bệnh đến khám làm thủ tục và khám bệnh theo đúng quy trình.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở y tế sau khi đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 26/2/2012 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở KCB của Nhà nước.

Chinhphu.vn