Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại đối thoại "Các giải pháp phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng". Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Việc xét xử nghiêm minh tội tham nhũng có tác dụng răn đe
Phát biểu khai mạc đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định là một quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC), mục tiêu, cách tiếp cận trong phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hoàn toàn tương đồng với quốc tế. Chính sách phòng, chống tham nhũng của Việt Nam luôn coi phòng ngừa là giải pháp quan trọng, cơ bản, cần được thực hiện triệt để, toàn diện ở tất cả các cấp, các ngành, trong mọi lĩnh vực, mọi thành phần xã hội.
Đặc biệt, Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam có một chương riêng để quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Bộ luật Hình sự, bên cạnh việc đưa ra những chế tài hình sự hết sức nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng, cũng quy định các hình phạt bằng tiền, tịch thu tài sản liên quan tới hành vi tham nhũng.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện thể chế và triển khai nhiều hoạt động, giải pháp liên quan, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Hiến pháp năm 2013 với những quy định mới về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước pháp quyền, về sự vận hành của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã khẳng định rõ việc “kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng” (khoản 2 Điều 8). Đây là cơ sở hiến định quan trọng cho việc tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song có thể thấy, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, cũng như phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Chính vì vậy, các báo cáo nghiên cứu, ý kiến khuyến nghị và những thực tiễn tốt về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng được giới thiệu, chia sẻ tại cuộc đối thoại này sẽ là nguồn thông tin quý báu để các cơ quan chức năng của Việt Nam tham khảo, nghiên cứu nhằm tiếp thu, vận dụng phù hợp với điều kiện và thực tiễn của Việt Nam.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại cuộc đối thoại cho biết trong năm 2014, Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những bước tiến bộ. Qua thanh tra giải quyết tố cáo đã phát hiện chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 144 vụ, xử lí 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Riêng trong các vụ, việc liên quan đến tham nhũng phát hiện qua hoạt động thanh tra đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013.
Trong năm 2014, các cơ quan tố tụng phát hiện và khởi tố mới 256 vụ/593 bị can tham nhũng, hoàn thành xét xử sơ thẩm 287 vụ án tham nhũng, đã kết tội 673 tội phạm tham nhũng.
Một số vụ án kinh tế, tham nhũng lớn như vụ Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng, vụ Công ty Cho thuê tài chính II, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như... được xét xử nghiêm minh đã có tác dụng răn đe mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân.
Quang cảnh cuộc đối thoại. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thời gian qua, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã phát huy tác động tích cực. Trong đó, có thể kể đến là tiến bộ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, thành lập doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Các cơ quan đã chú trong hơn tới việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả từng giải pháp phòng ngừa, bước đầu có sự phân loại các nhóm giải pháp theo mức độ hiệu quả. Đó là cơ sở quan trọng để có định hướng điều chỉnh phù hợp, khắc phục tính hình thức của một số giải pháp phòng ngừa đã thực hiện trong thời gian qua.
Về thu hồi tài sản, đây là nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng với yêu cầu mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng đã được quy định tại nhiều văn bản như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng, chống rửa tiền... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ thu hồi thấp, rất khó phát hiện để thu hồi. Đây là thách thức lớn đòi hỏi phải nỗ lực tìm ra giải pháp.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân của thực trạng đó, đồng thời cũng giới thiệu những thực tiễn tốt, sáng kiến quốc tế có hiệu quả về thu hồi tài sản và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị phù hợp với tình hình Việt Nam.
Đồng thời, Đối thoại phòng, chống tham nhũng cũng là cơ chế đặc biệt, thể hiện ý chí, mong muốn hợp tác của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế.
Đối thoại đã có tác động tích cực tới quá trình xây dựng chính sách, tăng cường năng lực phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng và khuyến khích sự tham gia của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng tăng cường sự hiểu biết, củng cố lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam.
Lê Sơn