Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những ngày toàn quốc kháng chiến, nhân dân Hà Nội dựng chiến lũy trên đường phố. |
Thời gian đầu, Nguyễn Huy Du làm liên lạc viên cho Ủy ban Kháng chiến khu Hoàn Kiếm. Vì không được trực tiếp đánh địch, ông xin nhập vào Trung đội Tự vệ chiến đấu, tham gia vào các trận đánh nhà Morlie ở phố Hàng Trống, hiệu thuốc tây Norman, nhà Chí Lợi ở phố Hàng Gai…
Cảm tử quân Nguyễn Huy Du năm nay đã 86 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. |
Một hôm đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 102 xuống thăm đơn vị, thấy Du là chiến sĩ trẻ, khỏe, dũng cảm, lanh lợi, bèn đưa ông lên làm trinh sát cho Tiểu đoàn.
Công việc của ông trở nên phức tạp hơn, địa bàn tác chiến rộng, phải thông thuộc nhiều đường phố, ngõ, khu, các giao thông hào để thực thi nhiệm vụ được giao. Hễ chỗ nào có tiếng súng, ông phải đến ngay để nắm tình hình địch.
Cuộc kháng chiến càng ngày càng quyết liệt, Liên khu I bị địch bao vây bốn bề. Ngày 6/1/1947, một trung đoàn chủ lực được thành lập, Nguyễn Huy Du tự hào trở thành một chiến sĩ của trung đoàn ấy.
Ngày 12/1/1947, Trung đoàn được Hội nghị quân sự Trung ương họp tại Hà Tây tặng danh hiệu “Trung đoàn Thủ đô”. Đến ngày 27/1/1947, Bác Hồ gửi thư cho các chiến sĩ của Trung đoàn với những lời khích lệ đầy tình yêu thương: “Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Đọc thư Bác, tất cả các chiến sĩ quyết tử, trong đó có Nguyễn Huy Duy đều hết sức xúc động và cùng nguyện chiến đấu anh dũng, kiên cường với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Giằng co trận Hàng Thiếc
Một trong những trận đánh ác liệt và gay cấn nhất của 60 ngày đêm Hà Nội quyết tử là trận Hàng Thiếc. Người chiến sĩ cảm tử quân trẻ tuổi khi đó, sau này là Đại tá Nguyễn Huy Du, vẫn nhớ như in về trận chiến đó.
Năm 1946, phố Hàng Thiếc nằm giữa Đông Thành, một trong ba phân khu của Liên khu I. Đông Thành ở phía tây Liên khu, giáp Cửa Đông thành Hà Nội – đại bản doanh tập trung quân Pháp đông nhất. Trận địa khu do Tiểu đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô phụ trách. Cửa Đông là nơi ngày ngày quân Pháp cơ động quân đi đánh Liên khu I.
Theo Đại tá Nguyễn Huy Du, sau 50 ngày đêm chiến đấu quyết liệt giam chân địch, lực lượng ta còn lại ít và mỏng, trận địa bị thu hẹp. Địch lấn ra các phố Đường Thành, Phùng Hưng, Hàng Gà, Hàng Da, Hàng Bông… Phố Hàng Thiếc trở thành tuyến đầu chặn địch tiến vào Sở Chỉ huy Tiểu đoàn ở Hàng Đàn, phát triển qua Hàng Bồ, đánh vào Trung tâm Liên khu I và đầu não của Trung đoàn ở Hàng Bạc. Ban Chỉ huy yêu cầu các chiến sĩ bằng mọi giá giữ vững trận địa, kiên quyết không lùi.
Những ngày sau đó, chiến sự diễn ra ác liệt. Đến ngày 7/2/1947, quân ta đã thực sự trải qua một cuộc “thử lửa” khốc liệt với quân Pháp. Hôm đó, địch từ phố Hàng Bông, qua Hàng Nón, có ý địch “thọc sườn” phố Hàng Thiếc. Lực lượng của chúng có khoảng một đại đội với sự yểm trợ của xe bọc thép.
Vào phố Hàng Thiếc, “ma trận” được tạo nên từ những bức tường đục đã đưa quân Pháp vào… bước đường cùng. Do tường chỉ được đục vừa với thân hình của chiến sĩ ta, nên những tên địch có hình thể “kềnh càng” chui qua rất khó khăn. Chúng luôn phải đưa súng qua lỗ trước, sau đó mới “nhồi” người qua. Khi chúng chui đến nhà thứ 12, tên đi đầu bị quân ta bất ngờ dùng đòn gánh đập khi hắn vừa thò đầu qua lỗ thủng trên tường. Khi tên đi trước bị “nhét” trong lỗ, bọn đi sau hoảng loạn, ú ớ. Quân ta mai phục trên gác các căn nhà gần đó ném lựu đạn xuống, tiêu diệt khoảng chục tên, số còn lại bỏ chạy tán loạn.
Trận đánh sau đó vẫn diễn ra quyết liệt. Hai bên giành giật từng căn nhà, căn buồng, cầu thang, bờ tường, góc phố. Tiểu đội trưởng Trần Đan, nguyên là chiến sĩ tự vệ thành Hoàng Diệu, nằm trên gác hai đầu Hàng Thiếc, được anh em dồn cho đầy một rổ lựu đạn, kiên cường đánh bật nhiều đợt xung phong của địch, diệt hàng chục tên từ phố Hàng Nón sang. Bị thương, nát cả bàn tay phải, anh ném lựu đạn bằng tay trái. Anh em phải lôi anh về phía sau cứu chữa...
Đồng chí Lưu Nguyên Minh, công an xung phong quận Hàng Trống nhảy lên thay, tiếp tục chiến đấu với quân địch bằng lựu đạn.
Lúc này, bom ba càng và chai xăng crep của ta không còn nhiều, đạn và lựu đạn cũng rất ít, phải dè xẻn để chiến đấu. Đồng chí Minh và nhiều đồng đội bị lựu đạn hóa học làm mờ mắt, ho sặc sụa, rồi bị bazoka địch bắn sập tầng hai, rơi xuống tầng một, không còn nhìn rõ, nhưng cứ nghe thấy tiếng giày ở phía nào, đồng chí lại nổ súng hoặc ném lựu đạn về phía đó. Bên cạnh đó, các chiến sĩ cơ động bắn trung liên hỗ trợ diệt nhiều tên vẫn đang tiếp tục kéo đến từ phố Hàng Điếu.
Khẩu đại liên của quân Pháp đặt ở ngã ba Hàng Nón liên tục kiểm soát dọc phố Hàng Thiếc. Đồng chí Dư Quý Thu, nguyên tự vệ thành Hoàng Diệu, xung phong ra hè đường, nấp vào cột đèn bắn lên khẩu đại liên khiến nó câm họng...
Gần chiều, địch chiếm dãy số chẵn phố Hàng Thiếc, ta chỉ còn làm chủ bên số lẻ. Từ bên số chẵn, chúng dùng súng máy, súng phun lửa đốt sang bên số lẻ. Anh Trần Văn Thông, một công nhân tham gia chiến đấu, vượt đường sang tưới xăng đốt căn nhà quân Pháp đang ở trong đó, lúc chạy về bên mình bị trúng đạn và hy sinh.
Vào chiều tối, khi địch quan sát khó, từ bên số lẻ, một chiến sĩ theo giao thông hào qua đường đột nhập vào một căn nhà có địch sử dụng để quan sát bên số chẵn, tưới xăng thiêu trụi vị trí lợi hại này, rồi rút về an toàn.
Ngay tại trận địa Hàng Thiếc, Trung đội 5 với trung liên và các tổ súng trường bố trí trên các gác thượng ở Hàng Quạt đã bắn rơi chiếc khu trục Spitfire của địch khi đang oanh tạc trận địa ta. Trung đội 5 đã được cấp trên tặng Huân chương Chiến công hạng Hai ngay tại trận.
Liên tiếp những ngày sau, giành đi giành lại, ta vẫn giữ được bên số lẻ. Địch không phát triển vào sâu trận địa ta được, ban ngày bắn pháo cối, dùng xăng và súng phun lửa thiêu các ụ chiến đấu. Tối đến, ta lại đột nhập sang dãy số chẵn đốt phá, ném lựu đạn tiêu diệt chúng.
Sau 3 ngày chiến đấu, ta diệt hơn 100 địch, bắn rơi 1 máy bay. Quân Pháp phải rút bỏ. Trận địa tuyến Hàng Thiếc được giữ vững cho đến đêm lui quân cuối cùng ngày 17/2/1947.
Đó là một trong những trận đánh khá tiêu biểu của Trung đoàn Thủ đô trong 2 tháng chiến đấu giữa Thủ đô. “Lấy thô sơ thắng hiện đại”, “lấy ít thắng nhiều”, “lấy yếu thắng mạnh”... đó là phương thức tác chiến chủ yếu của ta trong những ngày đáng nhớ của mùa Đông năm 1946.
Nhật Nam