Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo dự Hội nghị COP26 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và thăm làm việc tại Vương quốc Anh (từ ngày 31/10 đến ngày 3/11), thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ ngày 3/11 đến 5/11).
Chuyến công tác đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, kết quả thực chất và có ý nghĩa chiến lược cho cả mục tiêu trước mắt và lâu dài. Những kết quả toàn diện và cụ thể của chuyến đi không chỉ thể hiện qua những con số về các hợp đồng, thỏa thuận thương mại, hay số lượng những cuộc tiếp xúc song phương, các hoạt động trong lịch trình làm việc dày đặc của đoàn… mà còn qua sự đón tiếp trọng thị mà thân tình, gần gũi, sự tin cậy và tình cảm nồng ấm, chân thành của các đối tác dành cho Việt Nam. Nhiều đối tác, bạn bè quốc tế và lãnh đạo, nguyên thủ một số nước đã thể hiện rõ sự ngưỡng mộ Việt Nam, đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Trong sự quan tâm chung của dư luận quốc tế dành cho COP26, báo chí quốc tế dành nhiều sự quan tâm và thời lượng cho các thông điệp của phía Việt Nam, sự năng động, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ.
Sự tin cậy chính trị và tình cảm nồng ấm, chân thành
Ấn tượng đầu tiên của đoàn phóng viên và tùy tùng tháp tùng Thủ tướng Chính phủ là lịch trình làm việc dày đặc với hàng trăm hoạt động tại hai quốc gia. “Sức nóng” của chuyến công tác được các thành viên trong đoàn cảm nhận ngay từ khi chuyên cơ chuẩn bị cất cánh tại sân bay Nội Bài. Một thành viên đoàn chia sẻ, hai cuốn chương trình làm việc của chuyến đi thuộc loại dày nhất mà ông từng cầm trên tay.
Quả vậy, với chương trình làm việc liên tục ở nhiều nơi khác nhau, đội phóng viên tháp tùng đoàn đã phải chia làm nhiều nhóm khác nhau và luôn trong trạng thái “căng sức” mới có thể theo kịp các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan báo chí phải huy động cả đội ngũ phóng viên thường trú để bám theo các hoạt động của đoàn. Đoàn phóng viên tháp tùng Thủ tướng là những phóng viên “thiện chiến”, có kinh nghiệm tác nghiệp ở các sự kiện lớn với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, nhưng cũng phải cố gắng hết sức để kịp thời đưa tin về các hoạt động của đoàn công tác.
Điều này dễ hiểu, bởi Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu đã thu hút sự tham gia của gần 200 quốc gia thành viên, trong đó có 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước cùng khoảng 36.000 đại biểu. Vì thế, đây cũng là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác. Thực tế, Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam đã có hơn 20 cuộc gặp, tiếp xúc song phương với Lãnh đạo cấp cao các nước ở tất cả các châu lục, trong đó có các đối tác chiến lược, đối tác lớn và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế, năng lượng mới, môi trường...
Thủ tướng Anh Boris Johnson đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị COP26 |
Tại các cuộc tiếp xúc rất ngắn gọn nhưng hiệu quả này, các nhà lãnh đạo nhiều lúc bỏ qua những nghi thức lễ tân thông thường để trao nhau những cái bắt tay, cái ôm thật chặt, song những nội dung trao đổi lại rất cụ thể, thực chất về những lĩnh vực có thể hợp tác trong thời gian tới. Trực tiếp chứng kiến các cuộc gặp này, chúng tôi có thể cảm nhận được sự thân tình và cởi mở mà các nhà lãnh đạo dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo chưa bao giờ trực tiếp tiếp xúc với Thủ tướng.
Về phần mình, các nước chủ nhà Anh và Pháp đều dành cho Thủ tướng và đoàn Việt Nam sự đón tiếp hết sức trọng thị và nồng hậu. Mặc dù phải tập trung cao cho Hội nghị COP26, tiếp đón hàng trăm nhà lãnh đạo nhưng cả Hoàng gia và Chính phủ Anh đều coi trọng sự tham dự của Việt Nam. Thái tử Anh, Thủ tướng Anh, Thủ hiến ba vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland đều dành thời gian, kể cả ngày nghỉ để hội kiến và tiếp xúc riêng với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Dù ngay trước khi diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Anh cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là vị khách duy nhất được Thủ hiến Scotland tiếp đón tại nhà riêng vào sáng Chủ nhật trong không khí ấm áp, thân tình, trọng thị.
Sáng 3/11 theo giờ Paris, chuyên cơ chở đoàn công tác hạ cánh xuống sân bay Orly của Pháp, bầu trời hửng nắng đẹp, trong xanh cho dù trước đó không lâu là một cơn mưa, trời mù. Thời tiết dường như cũng chiều lòng người. Nó cũng báo hiệu một chuyến thăm đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Pháp dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn Việt Nam các nghi lễ hơn cả thông lệ. Cả Tổng thống, Thủ tướng đều hội đàm và chiêu đãi trọng thể, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện đều hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher bày tỏ với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng, vẫn còn “món nợ” với Việt Nam vì chưa có dịp thăm đất nước này kể từ khi nhậm chức. Cũng rất ấn tượng là hình ảnh các nhà lãnh đạo Pháp tiễn Thủ tướng ra tận cửa xe, Tổng thống Pháp đón và tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính với bàn tay luôn đặt trên ngực trái… Những hình ảnh đó cho thấy tình cảm chân thành và sự tin cậy chính trị rất cao giữa hai nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quan hệ Việt Pháp có nhiều “duyên nợ” qua những thăng trầm của lịch sử. Cũng ngay tại Paris, một hiệp ước hoà bình đã được ký để chấm dứt chiến tranh cho Việt Nam… “Chúng ta trải qua chiến tranh nhưng đã vượt lên tất cả, để hướng đến tương lai. Chúng ta không định kiến quá khứ. Đó là điều rất có giá trị nhân văn, là nền tảng”, Thủ tướng chia sẻ với các đối tác Pháp.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ với chúng tôi, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với nhiều đối tác quốc tế, nhất là hai đối tác chiến lược Anh và Pháp. Trên nền tảng quan hệ đã có, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã thống nhất những định hướng lớn, giao cho các bộ, ngành triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể nhằm tăng cường lòng tin chiến lược, quyết tâm đưa các khuôn khổ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden |
Lời kêu gọi đoàn kết của Việt Nam
Việc Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP26 đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ tới tất cả bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Cùng với các hoạt động đối ngoại gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam tự tin tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hội nhập và phát triển đất nước.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh hai thông điệp chính: Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân; đồng thời kêu gọi phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu, các nước phát triển có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển cả về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực.
Thực tế, các mục tiêu của COP26 là bước tiến lớn so với COP21 tại Paris năm 2015, như giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với các sáng kiến khác như tuyên bố của các nhà lãnh đạo ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng và suy thoái đất, giảm phát thải khí methane… Tuy nhiên, để đạt được điều này, quá trình chuẩn bị cho Hội nghị là hết sức phức tạp với các ý kiến khác nhau, đặc biệt là sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển, đây cũng là điều dễ hiểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 |
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo của nước chủ nhà Anh và các nhà lãnh đạo dự Hội nghị đã rất ấn tượng và đánh giá cao sự tham gia chủ động, tích cực, cách tiếp cận phù hợp, những thông điệp rõ ràng, sâu sắc, các đề xuất khả thi của của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đặc biệt, các đối tác đánh giá cao cam kết mạnh mẽ liên quan đến việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam. Việt Nam là nước đang phát triển, đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng chúng ta cũng rất dũng cảm, rất có trách nhiệm với tương lai của Trái đất…
Trong tiếp xúc song phương nhân dịp Hội nghị, lãnh đạo các nước coi Việt Nam là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu về ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều ý kiến đồng tình rằng Việt Nam còn nhiều khó khăn mà còn có những cam kết mạnh mẽ như vậy, thì không có lý do gì các nước khác không tích cực tham gia, các nước phát triển không hỗ trợ mạnh mẽ các nước đang phát triển.
Ông Alok Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26 nhận định bài phát biểu Thủ tướng Việt Nam đưa ra cam kết hết sức mạnh mẽ nhưng rất thực tiễn. Trong tiếp xúc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry nêu cảm nhận Việt Nam đang kêu gọi toàn thế giới đoàn kết lại, tiếp tục tích cực ứng phó biến đổi khí hậu. Đáp lại, Thủ tướng nói Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thái tử Anh Charles |
“Chiếc lò xo bị nén” đã đến lúc bật lên
Không chỉ chung tay với cộng đồng quốc tế xử lý các vấn đề toàn cầu, các hoạt động của đoàn cấp cao Việt Nam trong chuyến công tác này còn cho thấy rõ ràng sự tự tin và trách nhiệm trước tương lai phát triển của đất nước.
Kết quả cực kỳ ấn tượng của các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong chuyến đi là cụ thể, thiết thực. Với sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có gần 40 cuộc tiếp xúc, trao đổi với hơn 60 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, trường đại học hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu. Lãnh đạo các Bộ tham gia đoàn cũng đã làm việc riêng với khoảng gần 50 tập đoàn, doanh nghiệp lớn để trao đổi về các dự án đầu tư cụ thể và phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Thực tế, Việt Nam có cơ sở để tự tin dù là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp từ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, trải qua nhiều cuộc chiến tranh và sau đó là cấm vận kéo dài, nhưng trong tình thế vô cùng khó khăn, từ chỗ “làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập”, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 100 USD, Việt Nam đã vươn lên. Sau 35 năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.500 USD. Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với 60 nước trên thế giới, bao gồm tất cả các thị trường, các đối tác lớn nhất. Thủ tướng đã chia sẻ nội dung này với lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn để họ hiểu, họ chia sẻ và đồng hành cùng chúng ta xây dựng một tương lai mới.
Đặc biệt, chuyến công tác của đoàn đại biểu Việt Nam diễn ra ngay sau khi Việt Nam cơ bản kiểm soát thành công đợt bùng phát dịch thứ 4 hết sức cam go, khốc liệt với những khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều so với các đợt dịch trước. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, trong điều kiện khó khăn như thế mà làm được như vậy, đó là bản lĩnh Việt Nam.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Có thể nói, sự tự tin và chân tình của Việt Nam đã thuyết phục được các đối tác quốc tế, nhà đầu tư. Gần 450 doanh nghiệp hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu tham dự trực tiếp và trực tuyến hai diễn đàn doanh nghiệp ở Anh và Pháp, bày tỏ được khích lệ bởi thông điệp của Thủ tướng là Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đều bày tỏ khâm phục, ngưỡng mộ những nỗ lực trong 35 năm đổi mới của Việt Nam, với tiềm lực, vị thế, uy tín được nâng lên rất lớn. Đã đi nhiều nước, đã đầu tư ở nhiều nơi, các doanh nghiệp này không chỉ đánh giá cao tiềm năng phát triển, sự ổn định chính trị của Việt Nam mà còn hết sức ấn tượng với quyết tâm và khát vọng vươn lên rất mạnh mẽ của lãnh đạo và người dân Việt Nam. Họ khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, dành các nguồn vốn và công nghệ cao để đồng hành với Việt Nam đưa kinh tế khởi sắc và đón bắt các xu thế phát triển mới.
Lãnh đạo Nike – Tập đoàn từng có những thông tin đồn đoán rằng sẽ chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam – khẳng định với Thủ tướng rằng toàn bộ gần 200 nhà máy tại Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Nike đã hoạt động trở lại và cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng tại Việt Nam. Một bạn đọc bình luận trên fanpage Thông tin Chính phủ: “Tin tuy ngắn nhưng chắc là sự cố gắng không nhỏ của Chính phủ”.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Pháp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF) tổ chức, Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bezieux rất vui mừng vì số lượng lớn các doanh nghiệp Pháp đến tham dự Diễn đàn và nếu không có những rào cản nghiêm ngặt về dịch tễ thì số lượng còn lớn hơn rất nhiều. Điều này minh chứng một cách hoàn hảo cho những sức hút của Việt Nam, thể hiện tầm quan trọng và sự quan tâm mà các tập đoàn lớn của Pháp dành cho Việt Nam, một trong những quốc gia hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng dương dù phải chịu nhiều tác động nặng nề của đại dịch trong suốt 2 năm vừa qua.
Có thể nói, “chiếc lò xo bị nén” về hợp tác kinh tế sau hai năm dịch bệnh đã tới lúc bật lên mạnh mẽ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron |
Vừa lo cấp bách, vừa tính chiến lược lâu dài
Hợp tác y tế và công tác ngoại giao vaccine, vận động các đối tác hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh là một trọng tâm của chuyến thăm lần này. Kết quả, các nước đã đáp ứng tích cực đề nghị của Việt Nam.
Theo đó, Pháp công bố viện trợ thêm gần 1,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 qua kênh song phương và cơ chế COVAX, nâng tổng số liều vaccine Pháp hỗ trợ cho Việt Nam lên hơn 2 triệu liều; Anh khẳng định sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19. Công ty cổ phần vaccine Việt Nam và Công ty Astra Zeneca ký hợp đồng mua 25 triệu liều, nâng tổng số thoả thuận lên hơn 55 triệu liều…
Bên cạnh những vấn đề cấp bách, trước mắt là công tác phòng chống dịch COVID-19, chuyến công tác còn hướng tới những dự án hợp tác có tính chiến lược lâu dài. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hàng loạt cuộc làm việc, giúp củng cố quan hệ và thúc đẩy nhanh các dự án hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và các cơ chế, tập đoàn, tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực y tế, dịch tễ học, góp phần giúp Việt Nam phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực y tế, bảo đảm an ninh y tế một cách bài bản, căn cơ vì tính mạng và an toàn cho nhân dân là quan trọng nhất. Đó là những cuộc trao đổi, làm việc với AstraZeneca, cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc, Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp, Viện Pasteur Paris…
Thủ tướng mong muốn hợp tác chiến lược lâu dài với các đối tác không chỉ trong lĩnh vực phòng chống COVID-19 mà còn trong ứng phó với các loại bệnh tật khác như tim mạch, ung thư…, không chỉ về dược phẩm mà còn về đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, năng lực quản trị…
“Hy vọng những gì chúng ta đã có tới hôm nay chỉ là bắt đầu của một chặng đường dài có tính chất chiến lược trong hợp tác giữa hai bên. Bắt đầu bao giờ cũng khó nhưng không thể không bắt đầu. Những gì làm được là cơ sở, niềm tin hy vọng để “mối lương duyên” giữa chúng ta sẽ đơm hoa kết quả tốt đẹp nhất”, Thủ tướng chia sẻ tại cuộc gặp với lãnh đạo của AstraZeneca.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Viện Pasteur Paris |
Tiếp Thủ tướng, Giám đốc điều hành Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot đã không giấu nổi cảm xúc vui mừng, khi ông ví von "Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam đã đem nắng ấm đến cho chúng tôi" sau những ngày mưa rét liên miên. AstraZeneca cam kết trong tháng 11 và tháng 12/2021 toàn bộ số vaccine sẽ được đưa về Việt Nam với tổng số hàng chục triệu liều. AstraZeneca và các đối tác khác đồng thời cam kết đầu tư phát triển, hỗ trợ ngành dược phẩm Việt Nam, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19... và cả các hoạt động nghiên cứu.
Tại Viện Pasteur Paris, Thủ tướng đã trao đổi rất thân tình. Ông chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động về quan hệ hợp tác của Viện với Việt Nam. Ông cho biết: Những thế hệ đi trước đã thiết lập nền móng cho quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước từ hơn 100 năm trước, với việc thành lập Viện Pasteur tại Sài Gòn (nay là TPHCM) vào năm 1891, là viện Pasteur đầu tiên ở nước ngoài, sau Viện Pasteur Paris. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất mà Đại sứ quán Pháp có Tham tán y tế. Ông nhấn mạnh, y học là một trong những trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt-Pháp và trên cơ sở nền tảng đã có, “không có lý do gì để chúng ta không thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực này, với sức lực, trí tuệ và cả trái tim của mình”.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ và thăm không gian Hồ Chí Minh trong Bảo tàng lịch sử sống tại công viên Montreau |
Cùng với hợp tác y tế, kinh tế, các hoạt động hợp tác văn hóa – giáo dục ghi nhiều dấu ấn trong chuyến công tác lần này. Đáng chú ý, Tập đoàn SOVICO và Viện Đại học Oxford của Anh – một trong những viện đại học nghiên cứu liên hợp lâu đời nhất trên thế giới, đã ký biên thỏa thuận hợp tác phát triển nghiên cứu, giáo dục, bao gồm việc đầu tư phát triển một trường đại học thuộc hệ thống Oxford.
Trong tổng giá trị hợp tác lên tới 155 triệu bảng Anh cho thỏa thuận nêu trên, có 7,5 triệu bảng được dùng cho quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực. Điều này cho thấy khát vọng lớn để góp phần đưa Việt Nam không thuần túy là nước sử dụng tài sản trí tuệ mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra loại tài sản này để phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Có thể nói, Việt Nam đã “cắm cờ” tại một trong những cái nôi của cách mạng công nghiệp, đóng góp tri thức cho nhân loại. Sự kiện này được báo chí và dư luận quốc tế quan tâm, ngưỡng mộ.
Tại cuộc tiếp đón thân mật Giáo sư Nick Brown - Hiệu trưởng trường Đại học Linacre (thuộc Đại học Oxford), Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Đại học Oxford khẩn trương triển khai các thỏa thuận cam kết đạt được, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các du học sinh Việt Nam có cơ hội tiếp cận tinh hoa tri thức của thế giới.
Cây có gốc, nước có nguồn
Lịch trình dày đặc với bộn bề công việc của đoàn đại biểu Việt Nam không thể thiếu những hoạt động “về nguồn”, những cuộc gặp đầy xúc động với đồng bào đang sống xa Tổ quốc và những người bạn lâu năm.
“Cây có gốc mới trổ cành xanh ngọn/Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Ông Patrice Bessac, Thị trưởng thành phố Montreuil, đã nhắc đến câu tục ngữ này của Việt Nam khi đón Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đến dâng hoa tại tượng Bác Hồ và thăm không gian Hồ Chí Minh trong Bảo tàng lịch sử sống tại công viên Montreau. Đây cũng là hoạt động đầu tiên của đoàn trên đất Pháp, ngay sau khi đặt chân xuống sân bay. Các thành viên trong đoàn đều cảm thấy thật xúc động trước những hiện vật vô giá nơi đây về một quãng đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu – người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp đồng chí Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp |
Như phát biểu của Thủ tướng, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp có nhiều duyên nợ, gắn kết đặc biệt về mọi mặt, từ lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa và nhất là con người. Ông xúc động nhắc lại, nước Pháp là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến, đã ở lại lâu nhất trên hành trình tìm đường cứu nước, và cũng tại nơi đây, Người đã tìm ra con đường cứu nước – con đường mà dân tộc Việt Nam vẫn một lòng tin tưởng bước theo.
Cũng với tình cảm thủy chung, son sắt ấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp lại những người bạn truyền thống của Đảng Cộng sản Pháp. Cách đây hơn 100 năm, năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Những người bạn Pháp lâu năm đã chia ngọt, sẻ bùi với Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, từ khi cách mạng còn trong trứng nước, trải qua những lúc cam go, khó khăn nhất và vẫn tiếp tục khi Việt Nam vững bước trên con đường phát triển… Cuộc gặp gỡ thắm tình hữu nghị giữa đoàn đại biểu Việt Nam và đồng chí Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp đã cho thấy, mạch nguồn gắn kết lịch sử giữa hai Đảng vẫn được các thế hệ hôm nay gìn giữ và phát triển.
Cũng rất xúc động là các cuộc gặp gỡ của đoàn với cộng đồng người Việt tại Anh, Ireland và các nước châu Âu. Thủ tướng khẳng định kiều bào ta dù ở đâu cũng là bộ phận không thể tách rời, là một động lực phát triển của dân tộc. Sau gần 2 năm dịch bệnh hoành hành, nhiều người đã không quản ngại đường sá xa xôi để được gặp lại đồng bào và tiếp tục sẻ chia, đóng góp cho đất nước. Lòng tự hào dân tộc, cảm xúc ấm áp về nguồn cội, quê hương, tinh thần đoàn kết để vượt khó, vươn lên khẳng định mình và niềm tin tưởng, lạc quan vào tương lai đất nước… là những điều mà mọi thành viên trong đoàn và các kiều bào đều cảm nhận rất rõ tại các cuộc gặp này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp cộng đồng người Việt tại Anh |
Trên đây chỉ là một vài ấn tượng trong chuyến công du với lịch trình dày đặc, nội dung làm việc phong phú của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với thành công vượt quá mong đợi. Có thể nói, Thủ tướng đã tranh thủ, chắt chiu từng cơ hội, từng giờ phút để đạt “năng suất”, hiệu quả tối đa cho chuyến đi, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Mặt khác, chính lịch trình làm việc dày đặc đó cũng cho thấy “hơi nóng” của sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, sau giai đoạn khó khăn nhất thời gian vừa qua.
Một điểm được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần với kiều bào ta và cả các đối tác, bạn bè quốc tế mà chúng tôi cảm thấy rất thấm thía: Người dân phải luôn là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của mọi chính sách và hành động. Có thể nói, dù cách xa đất nước, người dân vẫn luôn ở vị trí trung tâm trong chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được thành lập. Và ngược lại, những tình cảm trìu mến, sự trân trọng, đánh giá cao của bạn bè, đối tác quốc tế cũng không chỉ dành cho đoàn đại biểu Việt Nam, mà còn dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ trước đại diện gần 200 quốc gia tại Hội nghị COP26: Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế. Một chuyến đi để lại nhiều ấn tượng với bạn bè, được dư luận và báo chí quốc tế đánh giá cao vì sự năng động và hiệu quả thực chất của đoàn công tác do Thủ tướng dẫn đầu.
Ghi chép của Hồng Sâm – Thế Lực