Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hầu tòa vì giấy tờ không hợp pháp
Sau hơn 10 năm tích cóp bằng đồng lương công chức nhà nước ít ỏi, vợ chồng anh Thắng mới mua được mảnh đất hơn 40m2 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đó là thời điểm bất động sản ở Hà Nội đang đóng băng nên giá rất “bèo”. Mảnh đất anh chị mua được là đất thổ cư của một dòng họ lớn trong làng. Đất đã có sổ đỏ nhưng vì “sơ suất” gia chủ đã làm thất lạc, chỉ còn lại bản phô tô có chứng thực. Xác minh qua tổ dân phố, chính quyền địa phương, biết đất không có tranh chấp, anh chị mới quyết định mua. Khi mua, người đứng ra bán là ông bố và anh con trưởng của dòng họ. Khi ấy, tạm thời anh chị cũng chỉ làm giấy mua bán viết tay. Hai bên cam kết sau khi anh chị trả nốt số tiền đất còn lại (50 triệu đồng), bên bán sẽ làm thủ tục tách thửa, sang tên sổ đỏ cho vợ chồng anh chị.
Thời gian cứ trôi đi, 5 năm sau, cả hai ông bà chủ bán đất cho chị đều qua đời thì gia đình họ phát sinh mâu thuẫn. Chả là khi mất, ông bà không để lại di chúc nên 6 anh em nảy sinh tranh giành đất đai. Vì vậy họ quyết định đưa nhau ra Tòa kiện đòi chia thừa kế. Tất nhiên, anh Thắng cũng bị đưa vào vụ án với tư cách người quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Lúc này, anh Thắng mới ân hận khi biết chắc mình sẽ nhận phần thua bởi lẽ giấy tờ nhà đất của anh là viết tay, người bán chỉ có ông bố và anh con trưởng mà không có sự đồng ý của những người còn lại trong gia đình. Trong khi đất mà anh chị mua thuộc khối di sản thừa kế cần phải chia đều cho cả 6 người con.
Và 1001…rắc rối
Không phải hầu tòa như vợ chồng anh Thắng nhưng chị Nguyễn Thị Minh ở Mỹ Đình cũng “dở khóc dở cười” vì giấy tờ nhà đất trao tay.
Trước đây, chị Minh có hộ khẩu ở Thường Tín, nhưng vì mua được mảnh đất ở Mỹ Đình nên cả nhà chị về đây sinh sống. Vừa rồi, do đứa con gái đầu chuẩn bị vào lớp một nên chị phải làm thủ tục chuyển khẩu từ Thường Tín về Mỹ Đình. Tuy nhiên, khi đi làm thủ tục vì không có sổ đỏ chứng minh nên Công an yêu cầu chị phải có xác nhận của công chứng để chứng minh đất này chị được chuyển nhượng hợp pháp, và có xác nhận của UBND cấp xã về chuyện đất không có tranh chấp. Tuy nhiên, khi ra công chứng thì chị bị từ chối do đất nhà chị chưa được cấp sổ đỏ và không có đủ giấy tờ theo quy định.
Như vậy, rõ ràng đất là của mình, đã sống trên đó cả chục năm, có đăng ký tạm trú hẳn hoi mà cuối cùng chị Minh vẫn không làm được thủ tục chuyển khẩu cho con. Cuối cùng chị phải chấp nhận cho con học trái tuyến giống như một người “vãng lai”.
Cảnh báo không bao giờ là muộn
Câu chuyện của vợ chồng anh Thắng, chị Minh không phải là hy hữu khi mà hiện nay, hình thức mua bán nhà đất viết tay vẫn rất phổ biến trong dân. Người thì không hiểu biết, người thì chủ quan, người khác lại hiểu rõ mua bán viết tay là không hợp pháp nhưng vì nhiều lý do vẫn chấp nhận.
Theo một công chứng viên, thì nguyên nhân của tranh chấp từ giấy tờ mua bán trao tay chủ yếu là vì lợi ích. Khi người ta mua, giá trị nhà đất không đáng kể, tuy nhiên qua thời gian lại tăng theo cấp số nhân. Từ đó mới nảy sinh những mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ. Người mua nếu chưa hoàn tất thủ tục có thể bị kiện trực tiếp hoặc bị đưa vào với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Chưa kể những phiền lụy khác.
Còn theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Châu và cộng sự thì trong trường hợp bị kiện, người mua có khả năng mất trắng. Bởi lẽ, mua bán trao tay khi ra Tòa sẽ không được chấp nhận là hình thức mua bán hợp pháp. Do đó, sẽ bị coi là giao dịch vô hiệu, mà theo quy định của BLDS “ Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận …”. Nếu trả lại nhà, đất thì trong bất cứ trường hợp nào thiệt thòi cũng thuộc về người mua.
Từ những bài học nhãn tiền về việc mua bán trao tay, Luật sư Châu khuyến cáo, không nên mạo hiểm với những loại nhà đất giấy tờ không rõ ràng, và khi đã quyết mua thì cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng, sang tên, vì nếu lần lữa, rất có thể sẽ bị kiện ra tòa và nguy cơ thua kiện rất cao.
Bình An