Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Điều 59 Luật Giao thông đường bộ quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ sau trong đó có giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới
Thông tư liên tịch số 35/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 25/2/2009 của liên Bộ Tài chính – Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh là hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công An và Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, các chủ xe cơ giới đường bộ khi làm thủ tục, đăng ký xe, phát hiện, xử lý vi phạm các trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông.
Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới trong đó hầu hết các nội dung chủ yếu đã được quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP như nguyên tắc tham gia bảo hiểm, phạm vi bồi thường thiệt hại, hợp đồng bảo hiểm, thời gian và hiệu lực bảo hiểm, hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, giám định, loại trừ bảo hiểm, nguyên tắc bồi thường, thời hạn yêu cầu thanh toán và khiếu nại bồi thường, quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thông tư số 103/2009/TT-BTC ngày 25/5/2009 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Thông tư số 151/2012/TT-BTC và Thông tư số 43/2014/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 103/2009/TT-BTC.
Mức bồi thường thiệt hại
Chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới ưu tiên bồi thường thiệt hại về người:
- Mức trách nhiệm bồi thường tối đa tính theo nạn nhân giao thông 100 triệu đồng/người trong khi tài sản bồi thường tổng thiệt hại của các tài sản trong 1 vụ tai nạn giao thông là 100 triệu đồng/vụ.
- Không phân biệt lỗi của chủ xe hoặc lái xe với lỗi của người bị nạn (trừ trường hợp người bị nạn có lỗi hoàn toàn).
Như vậy người bị nạn không cần chờ phân xử mức độ lỗi đã được giải quyết bồi thường theo tỷ lệ thương tật thực tế được xác định sau khi xảy ra tai nạn giao thông, giảm được thời gian, thủ tục, chi phí cho việc xác định lỗi.
Xác định tiền bồi thường theo bảng quy định trả tiền bồi thường của Bộ Tài chính bằng tỷ lệ thương tật nhân với mức trách nhiệm bảo hiểm. Bảo đảm thương tật như nhau được bồi thường giống nhau. Nạn nhân không phải thu thập hồ sơ chứng từ viện phí điều trị thuốc men hoặc chờ điều trị xong mới có hồ sơ chứng từ này. Đồng thời doanh nghiệp bảo hiểm có thể căn cứ vào thương tích để tạm ứng tiền bồi thường ban đầu cho nạn nhân chờ khi xác định tỷ lệ thương tật thì thông báo trả số còn lại.
Trường hợp nạn nhân hoàn toàn có lỗi có cơ quan thẩm quyền xác nhận thì mức bồi thường bằng 50% mức bồi thường theo quy định của Bộ Tài chính,
Trường hợp tòa án quy định mức bồi thường thiệt hại về người thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thực hiện quy định trên nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.