Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Lương thắc mắc: Công ty ghi mức lương cơ bản và lương công việc trong hợp đồng lao động của ông như vậy có đúng không? Công ty quy định mức lương cơ bản làm cơ sở tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và chi trả các chế độ khác cho ông như vậy có đúng với quy định? Bởi theo ông Lương, công ty phải cộng mức lương cơ bản và mức lương làm việc vào làm cơ sở tính đóng BHXH cho ông mới đúng quy định.
Về vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Thỏa thuận về tiền lương
Tại Điều 26 và Điều 55 Bộ luật Lao động quy định: Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Tiền lương của NLĐ do hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Trách nhiệm đóng BHXH
Theo quy định tại Điểm a, Khoản1, Điều 18 Luật BHXH thì NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định tại Điều 92 và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của NLĐ theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.
Tại Khoản 2 Điều 94; Khoản 1, Điều 91 và Khoản 1, Điều 92 Luật này quy định mức đóng và phương thức đóng của NLĐ và NSDLĐ như sau:
- Đối với NLĐ: Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
Hằng tháng, NLĐ đóng bằng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%.
- Đối với NSDLĐ: Hằng tháng, NSDLĐ đóng trên quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH của NLĐ như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; trong đó NSDLĐ giữ lại 2% để trả kịp thời cho NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ và thực hiện quyết toán hằng quý với tổ chức BHXH; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 11% vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14%.
Về thắc mắc của ông Lê Ngọc Lương: Theo luật sư, tại các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng thang, bảng lương do nhà nước quy định, thì quỹ tiền lương được doanh nghiệp tự xây dựng trên mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Hàng tháng NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHXH trên quỹ tiền lương đóng BHXH của NLĐ. Kể từ ngày 1/1/2012, mức đóng của NSDLĐ là 17% trên quỹ tiền lương đó.
Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức tiền lương thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động. Do đó, cơ quan BHXH chỉ căn cứ vào mức tiền lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động để tính mức đóng hàng tháng BHXH cho NLĐ.
Kể từ ngày 1/1/2012, mức đóng hàng tháng của NLĐ là 7% trên mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Doanh nghiệp sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ tiền đóng BHXH của NLĐ từ tiền lương hàng tháng của họ, để đóng cùng lúc với khoản tiền mà doanh nghiệp phải đóng BHXH từ quỹ tiền lương cho Cơ quan BHXH.
Trong hợp đồng lao động doanh nghiệp và ông Lương đã ký có ghi hai mức lương là mức lương cơ bản và mức lương làm việc, nhưng hợp đồng lại không có giải thích từ ngữ về hai mức lương này. Về việc này, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật về lao động tiền lương không thấy có khái niệm và quy định về mức lương cơ bản trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên qua thực tế có thể nhận định: mức lương cơ bản là mức lương do doanh nghiệp tự quyết định để đăng ký thang, bảng lương với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, làm cơ sở tính trả tiền lương và làm căn cứ tính đóng BHXH của NLĐ. Mặc dù mức lương cơ bản này do doanh nghiệp tự quyết định nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Đối với mức lương công việc ghi trong hợp đồng, được hiểu là mức lương NLĐ được NSDLĐ trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc.
Theo luật sư, ý kiến của ông Lương đề nghị phải cộng mức lương cơ bản và mức lương làm việc ghi trong hợp đồng để tính đóng BHXH cho ông là không có cơ sở. Việc cả hai bên là doanh nghiệp và ông Lương đã tự nguyện, thỏa thuận trong hợp đồng lao động về mức tiền lương gọi là mức tiền lương cơ bản, để làm căn cứ tính đóng BHXH cho NLĐ (bằng 150% mức tiền lương tối thiểu vùng áp dụng đối với vùng I hiện nay, theo Nghị định số 70/2011/NĐ-CP) là phù hợp và sự thỏa thuận đó không trái pháp luật.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.