Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành Nội vụ năm 2023, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết: Thời gian qua, công tác tuyển dụng công chức trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng cũng như chất lượng nguồn tuyển dụng thời gian qua, như chất lượng đề thi giữa các bộ, ngành chưa thống nhất, đồng đều; chưa phản ánh, đánh giá đúng mặt bằng chất lượng nguồn tuyển dụng, do đó chất lượng công chức được tuyển dụng còn chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.
Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi tại nhiều nơi còn thiếu chủ động; phần mềm thi tuyển chưa có tiêu chuẩn thống nhất. Các cơ quan, địa phương trực tiếp tổ chức thi vòng 1 theo phân cấp, trong khi nguồn tuyển dụng không lớn dẫn đến việc lãng phí nguồn lực, công sức, thời gian; cơ hội của thí sinh có năng lực trong nhiều trường hợp bị hạn chế.
Điều này chính là thực hiện yêu cầu đặt ra trong việc "thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ" theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và theo quy định của Luật cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung năm 2019) là rất cần thiết.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Đây là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với ứng viên trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền - là một bước trong quy trình tuyển dụng.
Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Ninh cho biết: Việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, tạo ra nguồn ứng viên thực sự có chất lượng để các cơ quan, đơn vị thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng; đồng thời khắc phục sự phân tán trong tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức; góp phần khoa học hóa, minh bạch hóa quy trình tuyển dụng công chức đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách công chức, công vụ hiện nay.
Theo ông Nguyễn Tuấn Ninh, có 5 nội dung cơ bản về kiểm định chất lượng đầu vào công chức của Nghị định số 06 của Chính phủ, tập trung vào các điểm mới sau:
Một là, việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức tập trung trên phạm vi toàn quốc nhằm khắc phục sự phân tán trước đây, đồng thời sẽ bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.
Theo đó, việc tổ chức kiểm định sẽ được được tiến hành thường xuyên, thực hiện định kỳ 2 lần/năm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng công chức, bảo đảm quyền lợi của ứng viên và sự chủ động của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức; giảm chi phí so với việc tổ chức tuyển dụng công chức do các bộ, ngành, địa phương phải tự tổ chức.
Tổ chức tập trung nên sẽ rút ngắn thời gian tuyển dụng công chức. Thực tế tuyển dụng công chức ở nhiều bộ, ngành và địa phương cho thấy, từ khi được phân bổ chỉ tiêu biên chế đến tổ chức thi đủ 2 vòng và có kết quả phải mất khoảng thời gian từ 4 - 6 tháng. Kết quả kiểm định có giá trị 24 tháng tương tự như thời hạn của một số chứng chỉ quốc gia, quốc tế và được thống nhất sử dụng trong toàn quốc.
Hai là, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm định vừa đảm bảo công khai, minh bạch; vừa giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Từ việc bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng, đã tạo khả năng thu hút được những người có tài năng vào nền công vụ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của từng bộ, ngành, địa phương và của cả nước.
Ba là, tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi và linh hoạt từ những ứng viên đạt kết quả kiểm định trong phạm vi toàn quốc, thay vì giới hạn bó hẹp trong 1 kỳ tuyển dụng của từng cơ quan tổ chức như trước đây, từ đó cơ quan tuyển dụng công chức có điều kiện lựa chọn những ứng viên có năng lực tham gia kỳ thi tuyển chuyên môn để trở thành công chức phù hợp với vị trí việc làm và khung năng lực của vị trí cần tuyển. Đồng thời, tạo cơ hội cho ứng viên có quyền lựa chọn, đăng ký tham gia dự tuyển ở bất cứ bộ ngành, địa phương nào và thuận lợi trong việc hướng nghiệp, chọn lựa việc làm.
Bốn là, điểm nổi bật nhất của việc kiểm định là nâng cao chất lượng và đổi mới về nội dung câu hỏi, theo hướng tập trung đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của thí sinh, bổ sung kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử. Các hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; đạo đức công vụ được kế thừa từ những nội dung còn phù hợp trước đây và xây dựng nội dung mới đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn.
Năm là, Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định rõ, từ ngày 01/8/2024, người tuyển dụng vào công chức chỉ được tuyển dụng khi đã đạt kết quả kiểm định. Tính đến hết ngày 31/7/2024, công chức vẫn được tuyển dụng thông qua việc tổ chức thi tuyển vòng 01 như Nghị định số 138/2020/NĐ-CP với 03 môn thi kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học.
Đề cập đến việc tổ chức các kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Nguyễn Tuấn Ninh thông tin, Bộ Nội vụ sẽ thành lập Hội đồng xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án huy động gần 200 cán bộ, công chức, viên chức ở các Bộ, ngành, địa phương và một số đơn vị sự nghiệp công lập có kinh nghiệp trong việc đánh giá năng lực tư duy logic tham gia xây dựng câu hỏi và đáp án kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Nội dung tập trung về đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn… kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử; số lượng câu hỏi cho mỗi bài thi cũng nhiều hơn (quy định hiện hành là 60 câu) và thời gian cho mỗi câu cũng kéo dài hơn (trung bình là 1,2 phút/câu).
Việc tổ chức kỳ thi thử nghiệm kỹ thuật đã được Vụ Công chức - Viên chức tổ chức kỳ thi thử nghiệm kỹ thuật tại cơ quan Bộ Nội vụ vào ngày 29/11/2023. Mục đích của kỳ thi thử nghiệm này nhằm đánh giá chất lượng câu hỏi và đáp án kiểm định chất lượng đầu vào công chức đã được xây dựng; mức độ phù hợp của câu hỏi và đáp án đáp ứng yêu cầu kiểm định theo quy định của Nghị định số 06/2023/NĐ-CP gồm: phạm vi đánh giá và mức độ cân bằng giữa năng lực tư duy, kiến thức và hiểu biết chung; tương quan giữa độ khó của câu hỏi và thời gian làm bài của thí sinh, và mức độ đáp ứng của các điều kiện đảm bảo, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ kiểm định.
Về những nội dung cần tập trung triển khai trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức cho hay, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi và đáp án phục vụ kiểm định chất lượng đầu vào công chức; phối hợp với các cơ quan để xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án phục vụ kiểm định vừa đảm bảo liên thông, thống nhất về nội dung kiến thức; vừa phù hợp và đáp ứng yêu cầu tuyển dụng công chức của cả hệ thống chính trị; thống nhất quản lý, xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án đảm bảo chất lượng phục vụ kiểm định; xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong năm 2024 (tháng 12/2023).
Bên cạnh đó, thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024 (trong tháng 12/2023); ban hành kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024 (trong tháng 12/2023); ban hành thông báo đăng ký kiểm định chất lượng đầu vào công chức (trong tháng 01/2024); khảo sát, chuẩn bị phương án tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức (tháng 3/2024); tổ chức các kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức vào tháng 7 và tháng 11 năm 2024.
Lê Sơn