Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 2022 vượt qua nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định và có bước phát triển, với 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 9,07% cao nhất từ trước đến nay (năm 2020 tăng 6,97%, năm 2021 tăng 7,7%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.750 tỷ đồng bằng 117,4% dự toán.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,3%, xuất khẩu hàng hóa đạt 3,0 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2021. Tăng trưởng tín dụng ước tăng 15% so với đầu năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 16,5% so với năm 2021.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,4% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng 3,9% so với năm 2021.
Tỉnh cũng đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022 là 5.556 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng tập trung nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm, đến nay cơ bản hình thành các dự án có tính chiến lược, lâu dài, sẽ là động lực cho sự phát triển của tỉnh như: Tuyến đường bộ ven biển, với chiều dài toàn tuyến 66 km, tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng; Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình với chiều dài toàn tuyến 46 km, tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng (đã hoàn thành giai đoạn 1)…
Tổng mức đầu từ các dự án trọng điểm khoảng 25.000 tỷ đồng và dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong khoảng từ năm 2023-2025.
Thu hút đầu tư năm vừa qua của Nam Định cũng đạt được kết quả khá với 59 dự án, tổng số vốn đăng ký 31.773,3 tỷ đồng và 57,8 triệu USD (gồm 48 dự án trong nước và 11 dự án FDI).
Trong năm, đã đăng ký doanh nghiệp cho 1.077 doanh nghiệp và 65 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 10.767,9 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 11.375 doanh nghiệp và 874 chi nhánh, văn phòng đại diện.
Địa phương cũng đang tiếp tục đôn đốc hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tiến độ triển khai Khu công nghiệp Mỹ Thuận và Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo kế hoạch đề ra.
Nam Định cũng tiến hành hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ một số dự án lớn, như: Nhà máy thép xanh số 1, Nhà máy thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng...
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được năm vừa qua, Nam Định đã đặt ra mục tiêu cho năm 2023. Trong đó chỉ tiêu kinh tế: Tổng sản phẩm GRDP tăng từ 9,0%-9,5%; cơ cấu kinh tế nông-lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 17,5%; công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 82,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt từ 3,3 tỷ USD trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 17,0% trở lên.
Chỉ tiêu xã hội: Tạo việc làm cho khoảng 32,0 nghìn lượt người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,0% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 0,6% trở lên; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt từ 95,5% trở lên …Ngoài ra, Nam Định cũng phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu về môi trường.
Để đạt các chỉ tiêu trên, các cấp, các ngành của Nam Định đã thống nhất thực hiện những giải pháp khả thi.
Cụ thể, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xúc tiến và thu hút đầu tư.
Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho người lao động.
Tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư như: Hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện lực, nước sạch... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư; thực hiện tốt việc hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư…
Thực hiện tốt việc quản lý và triển khai các quy hoạch đã được duyệt để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực và công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đầu hoàn thành các công trình trọng điểm có tính kết nối, chiến lược, lâu dài, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đổi mới các hình thức sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa theo chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu….