Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vai trò của cơ quan Hải quan trong cuộc chiến chống hàng giả và hàng vi phạm bản quyền trong thương mại quốc tế đã được thảo luận ở nhiều diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).
Tại cuộc họp lần thứ 20 Nhóm chống hàng giả và vi phạm bản quyền (CAP) của WCO, các nước Thành viên và bên đối tác tiếp tục thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn đấu tranh chống buôn bán trái phép hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đại diện Hải quan Việt Nam, chuyên gia về Sở hữu trí tuệ của WCO, bà Hoàng Vĩnh Hà đã có bài trình bày tại cuộc họp về những yếu tố cơ bản nhưng tiên quyết nhằm nâng cao năng lực thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới cho cơ quan Hải quan.
Cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, cơ quan Hải quan đóng vai trò nòng cốt trong công tác kiểm soát chống buôn lậu hàng nhái, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới. Hàng giả không chỉ xâm phạm quyền của chủ sở hữu quyền mà còn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn và an ninh quốc gia. Cơ quan Hải quan được trao quyền tạm dừng làm thủ tục hải quan, bắt giữ và thậm chí tiêu hủy hàng hóa vi phạm, đóng vai trò là “người gác cửa” để ngăn chặn những sản phẩm vi phạm xâm nhập vào thị trường nội địa. Chức năng này đặc biệt quan trọng trong thời đại thương mại toàn cầu hóa, nơi sự di chuyển hàng hóa qua biên giới diễn ra nhanh chóng và rộng khắp.
Hiểu được vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa nghề nghiệp của mình sẽ là động lực để lực lượng Hải quan làm tốt vai trò “chốt chặn” trong chủ động đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tràn lan của hàng nhái, hàng giả, góp phần quan trọng để bảo vệ cộng đồng, nền kinh tế và mang lại giá trị cho xã hội. Đây cũng chính là chủ đề WCO đưa ra trong năm 2023: “Thúc đẩy văn hóa chia sẻ kiến thức và niềm tự hào nghề nghiệp trong ngành Hải quan”.
Công tác đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả chỉ có thể được triển khai một cách có hiệu quả trên cơ sở nắm rõ và đầy đủ khuôn khổ pháp lý quốc gia và quốc tế về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, cơ quan Hải quan có thể tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát, bắt giữ và tiêu hủy hàng vi phạm theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó, cần tiến hành các hoạt động rà soát pháp lý và phân tích khoảng cách để đánh giá sự tương thích của luật pháp quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế về sở hữu trí tuệ để đề ra những gợi mở, giải pháp nhằm nâng cao năng lực thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới.
Trong thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái không chỉ tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, mà còn được bày bán công khai tại các chợ truyền thống và trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, sự tinh vi và khả năng thích ứng của các kỹ thuật làm hàng giả ngày càng tăng, bao gồm cả việc bắt chước hình ảnh ba chiều và nhãn hiệu được chế tác bằng kỹ thuật số. Điều này đòi hỏi cơ quan Hải quan phải nắm bắt các xu hướng mới và khai thác sức mạnh của nguồn thông tin mở một cách thường xuyên và liên tục để ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn bán hàng nhái hàng giả bất hợp pháp, bảo vệ sự toàn vẹn của thương mại quốc tế. Ngoài ra, cần nghiên cứu và học tập các thông lệ tốt về chống hàng giả của các cơ quan Hải quan tiên tiến trên thế giới để xem xét, áp dụng tại Việt Nam.
Quản lý nhà nước liên quan đến thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi trình độ chuyên môn nhất định đối với công chức Hải quan. Thông qua Chương trình Sở hữu trí tuệ, Sức khỏe và An toàn (IPR, Healh and Safey Programme) của mình, WCO đã xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động xây dựng năng lực để hỗ trợ các nước thành viên trên “mặt trận” chống hàng nhái, hàng giả. Các hoạt động xây dựng năng lực bao gồm các lớp học trực tuyến trên CLiKC, hội thảo khu vực và quốc gia, khóa học bổng dài hạn, khóa đào tạo ngắn, hội thảo công nhận chuyên gia về sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, WCO đã thành lập Mạng lưới Kiểm soát Hải quan (CEN) để tạo thuận lợi cho việc hợp tác và trao đổi thông tin giữa các cơ quan Hải quan, Mạng luới kiểm soát hải quan (CENcomm) để các cơ quan Hải quan và các bên đối tác trao đổi thông tin cho các chiến dịch ngắn hạn. Theo đó, WCO khuyến khích các nước thành viên tích cực tham gia các họat động xây dựng năng lực, áp dụng quản lý rủi ro và xác định trọng điểm trong công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa có nghi ngờ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như hợp tác chia sẻ thông tin trước về hàng hóa.
Bảo vệ cộng đồng và nền kinh tế khỏi những mối đe dọa do hàng giả hàng nhái gây ra là trách nhiệm chung cần sự chung tay của cộng đồng Hải quan trên toàn thế giới. Hải quan các nước thành viên theo đó cần tiếp tục nỗ lực nâng cao năng lực thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới trong cuộc chiến chống buôn bán trái phép hàng nhái hàng giả hướng đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, thúc đẩy sáng tạo của cá nhân, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.
Hoàng Hà