Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của ông Quốc Hưng (Đà Nẵng), việc sử dụng nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai chỉ để sửa chữa, khôi phục lại hiện trạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật Phòng, chống thiên tai và Điểm b, Điểm c Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều thì khi thiên tai xảy ra sẽ tiếp tục bị hư hỏng, không bảo đảm an toàn.
Ngoài ra theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP:
"2. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã quyết định nội dung chi và mức chi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ngoài các nội dung chi tại Khoản 1 Điều 16 cho các đối tượng theo đề nghị của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp".
Trường hợp cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ các nội dung ngoài các nội dung được quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Hỗ trợ nâng cấp, đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi để bảo đảm an toàn cho công trình, phát huy hiệu quả đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 32 Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13, Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Ông Hưng hỏi, trường hợp này nếu tỉnh hỗ trợ nâng cấp, đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi thì có đúng theo quy định của Điều 16 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 32 Luật số 33/2013/QH13 và Điểm b, Điểm c Khoản 18 Điều 1 Luật số 60/2020/QH14, Luật số 15/2017/QH14 về quản lý, sử dụng tài sản công hay không?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điều 16 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 6/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều quy định về nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai như sau:
Căn cứ tình hình thiên tai và thiệt hại, ảnh hưởng của thiên tai đến các mặt đời sống, sản xuất và cơ sở hạ tầng; các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xác định nhu cầu, hình thức, đối tượng và nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ theo quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống thiên tai và Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo.
Nguồn lực cho cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 1, Điểm c Khoản 2, Điểm c Khoản 3 Điều 32 Luật Phòng, chống thiên tai và Khoản 3, Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và các nguồn lực hợp pháp khác.
Đối với nhu cầu nâng cấp, đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi thuộc "xây dựng và quản lý công trình phòng, chống thiên tai" nằm trong nội dung phòng ngừa thiên tai quy định tại Khoản 7 Điều 13 Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13; trường hợp hỗ trợ dài hạn theo quy định tại Khoản 3 Điều 32 Luật số 33/2013/QH13, Điểm c Khoản 18 Điều 1 Luật số 60/2020/QH14 như đề cập của ông Quốc Hưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.
Việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật về đầu tư công.
Chinhphu.vn