Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định, dự báo nền nhiệt trung bình năm 2023 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5-1 độ C.
Thông thường, một đợt nắng nóng sẽ diễn ra khoảng 3-5 ngày, thì năm nay có thể sẽ dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn. Khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.
Trong mỗi đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ở miền Bắc khoảng 37-38 độ C; ở miền Trung khoảng 37-39 độ C, có nơi cao hơn từ 40-42 độ C. Dự báo tháng 5, 6, nhiệt độ cả nước xấp xỉ cho tới nóng hơn TBNN khoảng 1 độ C.
Cao điểm của nắng nóng dự báo sẽ là trong tháng 6-7 ở Bắc Bộ, tháng 6-8 ở Trung Bộ, trong khi đó khu vực Nam Bộ nắng nóng có thể sẽ suy giảm dần ở từ khoảng giữa tháng 5.
Lý giải nguyên nhân mùa hè năm nay đến sớm hơn mọi năm, ngay từ những ngày cuối tháng 3, Hòa Bình, Sơn La đã ghi nhận mức nhiệt trên 38 độ C, ông Mai Văn Khiêm cho biết, có nhiều nguyên nhân, trước hết, năm nay do áp thấp nóng phía Tây (một trong những hệ thống thời tiết gây nắng nóng) phát triển sớm và mạnh, nên hiện tượng nắng nóng diện rộng đã xảy ra sớm và gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ.
Đặc biệt, những giá trị nhiệt độ cực đoan, vượt giá trị lịch sử đã được thiết lập với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối đo được trong lều khí tượng tại trạm Tương Dương (Nghệ An) ngày 7/5 là 44,2 độ C (vượt giá trị cao nhất lịch sử tại Hương Khê là 43,4 năm 2019 và vượt cả giá trị lịch sử mới được thiết lập trước đó tại Hồi Xuân là 44,1 vào ngày 6/5/2023).
Bên cạnh đó, năm nay dự báo toàn cầu tiếp tục là năm thứ 10 liên tiếp có nhiệt độ tăng cao có với thời kỳ tiền công nghiệp do tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, hiện tượng El Nino (pha nóng) đang dần được thiết lập cũng là nguyên nhân gây ra những giá trị kỷ lục về nhiệt độ tuyệt đối ngày.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo, nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư; nguy cơ cao cháy rừng ở các khu vực có khô hạn và nắng nóng kéo dài.
Ngoài ra, nắng nóng còn kèm theo tia cực tím cao, nguy hiểm cho cơ thể, gây ra tình trạng ung thư da, mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ và tia UV cao. Do vậy, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11-16h hàng ngày, đồng thời cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Theo ông Mai Văn Khiêm, hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%. Dự báo khả năng thiếu hụt nguồn nước ở hầu hết các khu vực trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023. Đặc biệt, đối với các hồ chứa lớn trên bậc thang thủy điện sông Đà do nguồn nước ngoài lãnh thổ có xu hướng thấp hơn TBNN kết hợp khả năng thiếu hụt lượng mưa trong giai đoạn từ nay đến cuối năm nên có nguy cơ ảnh hưởng đến cấp nước hạ du và an ninh năng lượng.
Mưa ở miền Bắc có xu hướng thấp hơn TBNN, ít khả năng mưa to vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 như năm 2022.
Miền Trung lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với TBNN và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Tây Nguyên và Nam Bộ tổng lượng mưa dự báo xấp xỉ đến cao hơn TBNN trong các tháng 6 đến 9, từ tháng 10 đến hết năm có xu hướng thiếu.
Tại khu vực Trung Bộ, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7-9/2023; tuy nhiên, từ tháng 10-12/2023 (thời điểm chính của mùa mưa tại Trung Bộ), lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm tại khu vực này. Xu hướng thiếu hụt mưa có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Từ nay đến tháng 8 có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên.
Ông Mai Văn Khiêm gia lưu ý, mặc dù trong điều kiện El Nino, lượng mưa có xu thể giảm nhưng có thể xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h.
Nguy cơ cao xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, trong các tháng mùa khô năm 2023, cần đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Về bão và áp thấp nhiệt đới, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông năm nay có khả năng thấp hơn đến xấp xỉ TBNN (TBNN khoảng 12-13 trên Biển Đông và 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền). Bão hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông vào giữa mùa bão (tháng 8-10) giảm dần từ tháng 11; cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Theo ông Mai Văn Khiêm, với xu thế khí tượng thủy văn và thiên tai năm 2023 như trên, việc dự báo là rất quan trọng, giúp cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp có thể tham khảo thông tin, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó theo đặc thù ở địa phương, khu vực góp phần giảm thiểu tổn thất.
"Bên cạnh việc tiếp tục triển khai các phương án dự báo đã mang lại nhiều hiệu quả trong những năm qua, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn với các mục tiêu cụ thể là tăng thời hạn dự báo, ban hành bản tin sớm hơn để các cơ quan phòng chống thiên tai và người dân có thêm thời gian chuẩn bị, thời gian xây dựng kế hoạch sớm ứng phó thiên tai, đặc biệt để giám sát và dự báo tình hình El Nino và nguồn nước năm nay và năm 2024", ông Mai Văn Khiêm cho biết.
Bên cạnh đó, cơ quan dự báo cũng bổ sung các công cụ, phương án dự báo để tăng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nâng dự báo bão/áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng trước 2-3 ngày. Không chỉ tăng hạn dự báo, thời điểm phát tin cũng sớm hơn.
Mặt khác, cơ quan dự báo cũng thực hiện tăng cường giám sát và cảnh báo dông, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng tăng cường các trao đổi hợp tác quốc tế trong dự báo. Ví dụ khi bão vào gần bờ chúng ta có yêu cầu cơ quan khí tượng Nhật Bản tăng cường quan trắc vệ tinh khí tượng với tần suất 2,5 phút/lần và chụp sát với vùng Việt Nam hơn. Đồng thời, tăng cường các quan trắc radar và trạm ven bờ khi bão có khả năng ảnh hưởng. Điều này cho phép chúng ta có các dự báo độ tin cậy cao trước 24 giờ khi bão đổ bộ", ông Mai Văn Khiêm khẳng định.
Thu Cúc