
Đó là mảnh đất của nhiều tộc người anh em cùng cư trú như: Xê Đăng, Ba Na, GiaRai, Giẻ -Triêng, B’râu, RơMâm, Kinh và một số nhánh nhỏ của các tộc người phía Bắc di cư vào sinh sống tại tỉnh. Mỗi tộc người mang đến cho Kon Tum một nét văn hóa độc đáo riêng. Văn hóa của các tộc người bản địa ở Kon Tum cơ bản là văn hóa dân gian, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cũng là văn hóa nghệ thuật dân gian gắn liền với sản xuất nông nghiệp và mang tính cộng đồng cao. Trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, ứng xử với thiên nhiên...đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống trong mỗi tộc người, cũng từ đó nhiều tác phẩm văn học độc đáo được ra đời nhằm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của từng tộc người. Toàn bộ các tác phẩm văn học nghệ thuật của các tộc người bản địa ở Kon Tum được lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Đến nay theo khảo sát của chúng tôi thì hầu hết các tộc người bản địa ở Kon Tum đều có một kho tàng văn học dân gian khá phong phú, gồm các thể loại khác nhau như: Truyện cổ dân gian, ca dao, tục ngữ, sử thi, luật tục, dân ca... đó là các sản phẩm còn khá nguyên sơ, chưa bị ảnh hưởng ngoại lai làm pha tạp. Hiện nay, nó vẫn tồn tại sống động trong đời sống tinh thần của đồng bào ở khắp các Plei. Đây chính là nền tảng khá chắc chắn cho sinh hoạt cộng đồng, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng các tộc người ở Kon Tum. Chúng tôi rất mong được giới thiệu một cách đầy đủ nhất đặc điểm riêng về văn hóa mỗi tộc người, nhưng do giới hạn khuôn khổ bài viết không cho phép, nên chỉ xin nêu một vài thể loại độc đáo chung trong kho tàng văn hóa dân gian của các tộc người bản địa ở Kon Tum như sau:
*Truyện cổ dân gian:
Vốn truyện cổ của các tộc người ở Kon Tum trước hết phải kể đến các truyện kể về sự tích: Đó là các truyện kể về nguồn gốc của những dòng sông, con suối, ngọn núi...nhiều truyện kể giải thích về nguồn gốc các loài vật, các hiện tượng thiên nhiên. Thông qua các loại truyện này, chúng ta thấy được quan niệm, cách nhìn cách đánh giá...nói đúng hơn là trình độ nhận thức của các tộc người ở Kon Tum, trong các thời kỳ lịch sử trước đây. Họ nhìn nhận sự vật, con người đơn giản, chân thực và không thiếu những khát vọng lớn lao đáng kính trọng. Chẳng hạn, chuyện “Chặt cây Luông Pling” (tộc người Xê Đăng), nhằm giải thích sự ra đời, đặc điểm một số loài vật, với những đặc điểm của chúng. Ví dụ giải thích tại sao có loài Sóc Hoa như ngày nay, chuyện kể:“Họ nhà Sóc họp nhau lại, lấy những bông Luông Pling gắn vào tai những chàng Sóc trẻ dũng cảm, trên lưng mang những vết đỏ, do móng tay Thần Sét cào phải. Bây giờ con cháu của những chàng trai ấy là loài Sóc Hoa, loài sóc nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và gan dạ...”
Bên cạnh những truyện kể về sự tích, còn có loại truyện kể về nguồn gốc tộc người, tại sao có tộc người này mà không có tộc người kia. Chẳng hạn như “chuyện về nguồn gốc người Xê Đăng”, chuyện “NuAng và Bia Brót” (tộc người Giẻ - Triêng) giải thích vì sao có tộc người Kinh và các tộc người ở miền núi ? Đó là do Nuang và Bia Brót chia thành hai, một nữa ở lại cùng anh là Lang Đôn thành người miền núi, một nữa theo NuAng và Bia Brót đi về phía mặt trời, họ trở thành người Kinh. Hay tộc người Ba Na kể rằng: Ông Trống (Boks Hgơr) là tổ phụ thời hồng hoang của người Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai... ngày xưa các tộc người này vốn cùng một plei, nhưng do cuộc sống, họ chia nhau đi ra, ở xa nhau và do vậy tiếng nói khác nhau.
Dù kể dưới bất kỳ hình thức nào, các truyện thuộc loại này cũng mang một ý nghĩa lớn đó là: Khẳng định cội nguồn các tộc người, hướng con người đến sự đoàn kết gắn bó, coi nhau như anh em một nhà để sát cánh cùng nhau trong đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm. Đây là điều đáng phát huy và trân trọng ở ngày hôm nay.
*Sử thi:
Ngoài hệ thống các chuyện cổ tích, lời nói vẫn như các tộc người khác, trong dòng tự sự dân gian của các tộc người bản địa ở Kon Tum nổi bật lên với thể loại tự sự trường thiên (hát kể) có giai điệu, có vần, đó là sử thi, mà người Xê Đăng, Ba Na gọi hình thức diễn xướng này là Hơmon, Gia Rai gọi là Hơri. Bằng thể loại văn vần dài hàng ngàn câu, với nhiều tuyến nhân vật đan xen nhau, có vùng họ chỉ hát kể, có vùng kèm theo diễn xuất. Thông qua đó người nghe nhận biết được quan niệm về sự ra đời của trời đất, của con người, tâm linh tín ngưỡng, sự hình thành phát triển xã hội, mối quan hệ trong các cộng đồng, phong tục, tập quán... được trình bày một cách rất hấp dẫn, kết cấu chặt chẽ có chương, có đoạn, có mở và có kết rất tài tình. Điều đáng nhấn mạnh là, Sử thi của các tộc người Xê Đăng, Ba Na... không chỉ là hiện tượng thuần túy văn học dân gian, mà còn là hiện tượng văn hóa dân gian nữa. Trong mỗi Plei của các tộc người ở Kon Tum có những nghệ nhân Hơmon hay Hơri, họ có trí nhớ đặc biệt, có thể thuộc hàng nghìn câu thơ, có giọng kể hay. Vào những dịp lễ hội, mừng nhà mới, cưới xin... người ta thường tổ chức hát kể sử thi, đêm hát kể có thể kéo dài suốt tới sáng, có khi liên tục nhiều đêm. Mọi người trong làng, từ già tới trẻ tập trung ở nhà Rông say mê ngồi nghe, dõi theo từng lời, thưởng thức giọng ngâm của nghệ nhân. Đêm hát kể sử thi bao giờ cũng có những ghè rượu cần, người ta thay nhau, từ già đến trẻ vừa thưởng thức vị ngọt nồng vừa nghe lời Hơmon, Hơri trầm bổng chan hòa trong ánh lửa bập bùng trong ngôi nhà Rông. Đó là sinh hoạt Hơmon, Hơri một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng tiêu biểu của người Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai và các hình thức diễn xướng hát kể khác của các tộc người bản địa ở Kon Tum. Xuất hiện và tồn tại từ đặc trưng sinh hoạt cộng đồng, từ môi trường thiên nhiên 6 tháng nắng, 6 tháng mưa, sử thi chính là sản phẩm của sự sáng tạo hồn nhiên mà bay bổng của các nghệ nhân. Là sự kết hợp tài tình giữa cổ tích với nghệ thuật nói vần của văn học dân gian của các tộc người ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Chính trong các dịp lễ hội, mùa ăn năm uống tháng (mùa rãnh rỗi sau khi thu hoạch vụ mùa xong) là điều kiện và môi trường tốt cho sự tồn tại và truyền bá sử thi đến mọi người trong cộng đồng plei.
*Văn hóa luật tục:

Một hiện tượng đặc sắc của văn hóa các tộc người bản địa ở Kon Tum, vừa mang tính xã hội vừa mang tính văn hóa là luật tục. Cơ cấu xã hội các tộc người bản địa ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng là cơ cấu công xã láng giềng kiểu
plei, trong đó gồm các gia tộc phụ hệ hay mẫu hệ. Xã hội xây dựng trên cơ sở công hữu và cộng đồng, điều hành xã hội theo luật tục.
Khác với các làng của người Việt, chính thể được duy trì bằng các hương ước và được ghi chép thành văn bản. Còn đối với Luật tục của các tộc người ở Kon Tum tuy chưa định hình ghi chép thành văn bản nhưng đã tương đối ổn định, được ghi nhớ và thực thi trong hầu hết các tộc người. Trong mỗi Plei có những người thông thuộc luật tục (như già làng...) theo họ là những người đứng ra điều hành và xử các vụ kiện trong làng. Trong khi xử kiện, các bước luận tội, gỡ tội đều được đọc lên thành văn vần, giọng như giọng ngâm, trầm hùng, đầy tính thuyết phục. Sau khi xử kiện xong, đều có lễ cúng thần để hòa giải hai bên, tạo nên hòa khí trong sinh hoạt cộng đồng. Đây không chỉ là kho tàng tri thức bản địa, rút ra từ kinh nghiệm thực tế phong phú trong dân gian, là tấm gương phản chiếu mọi mặt của đời sống xã hội, mà còn là di sản văn hóa quý báu của các tộc người bản địa ở Kon Tum cần được gìn giữ.
Qua một số thể loại độc đáo chung được nêu trên, chúng ta thấy văn học dân gian của các tộc người bản địa ở Kon Tum khá phong phú. Sống gắn bó, hòa quyện với núi non hùng vĩ, thiêng liêng, mỗi tộc người luôn có khát vọng tìm hiểu thiên nhiên, khám phá, chế ngự và phát huy nó để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp. Dù chưa thật đầy đủ, song những gì chúng tôi nêu trên có thể nói văn học dân gian của các tộc người bản địa ở Kon Tum thật sự là một kho tàng quý giá về nhiều mặt, góp phần vào kho tàng văn học dân gian của các tộc người anh em trong cả nước thêm phong phú. Đó là tài sản vô giá của cộng đồng các tộc người ở Kon Tum và hòa nhập vào dòng văn hóa chung như một “Vườn hoa muôn sắc ngàn hương” của đất nước.
Bên cạnh những vấn đề trên, các tộc người bản địa ở Kon Tum còn có một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Trong đó phải kể đến vốn nghệ thuật dân gian như: Ca hát, âm nhạc, nghệ thuật múa, nghệ thuật tạo hình, trang trí dân gian khá phong phú, đặc sắc.
Giống như các tộc người anh em khác ở Tây Nguyên, các tộc người bản địa ở Kon Tum có tiềm năng nghệ thuật to lớn, họ là những con người có năng khiếu nghệ thuật, một nền nghệ thuật mang chất tự nhiên thuần khiết, hồn nhiên và mộc mạc. Đồng thời họ còn là một nghệ sỹ, nhạc sỹ thực sự, họ có thể vừa hát, múa, sử dụng từng nhạc cụ hay tham gia dàn nhạc cồng chiêng một cách thành thạo.
*Về ca hát:

Đây là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các tộc người ở Kon Tum. Tuy cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần lạc quan, yêu đời, họ luôn ca hát, có thể hát trên rẫy, hát ru con, hát trong lễ hội, trong đám cưới... mỗi tộc người có những làn điệu dân ca riêng. Chẳng hạn, người Xê Đăng có điệu Ting ting, A cheo (hát giao duyên); Ba Na có điệu H’ri và H’Vơng (hát giao duyên); Gia Rai có điệu H’ri (hát kể sử thi); Giẻ - Triêng có điệu Đọ Ka panh ( hát giao duyên), chapơle (hát ru)... Tất cả các làn điệu của các tộc người ở Kon Tum dù hát tập thể, đối đáp hay đơn lẻ... thì lời hát đều thổ lộ tâm sự, tâm tình, có khi là sự vui tuơi, có lúc là nỗi khắc khoải. Tất cả các làn điệu đều có lề lối khuôn mẫu chung và có thể ứng tác một cách linh hoạt. Điều đó, làm cho dân ca của các tộc người ở nơi đây càng thêm phong phú. Các bài hát thường ca ngợi tình yêu quê hương, buôn làng, tình yêu đôi lứa, sự thủy chung và khát vọng hạnh phúc. Sự phong phú đa dạng, sự hấp dẫn ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật trong dân ca của các tộc người bản địa ở Kon Tum đã góp phần tạo nên vườn hoa muôn màu, muôn sắc trong cái nôi văn hóa Tây Nguyên.
*Về âm nhạc:

Hầu hết, các tộc người ở Kon Tum đều rất say mê âm nhạc và họ có khả năng đặc biệt cả về thẩm âm lẫn trình diễn các loại nhạc cụ. Nếu những địa phương ở nam Cao Nguyên được coi là quê hương của đàn đá, thì vùng cửa ngõ bắc Cao Nguyên là quê hương của những nhạc khí cổ truyền được làm bằng các chất liệu tự nhiên phong phú như: Tre, nứa, lồ ô, gỗ, vỏ bầu... Nhạc cụ của các tộc người ở KonTum rất phong phú được chia thành nhiều loại khác nhau như: Nhạc cụ dây (ting ning ...), nhạc cụ hơi (Klông pút, Sáo Tale...), nhạc cụ tự thân vang (T’rưng, cồng chiêng...) và nhạc cụ màng rung (trống H’gơr). Trong các loại nhạc cụ trên, cồng chiêng là nhạc cụ tiêu biểu nhất được dùng gắn với sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng mang tính linh thiêng. Mỗi tộc người có tên gọi khác nhau cho từng bộ cồng chiêng của mình, biên chế từng bộ cồng chiêng cũng khác nhau. Chẳng hạn như chiêng Tha của tộc người B’râu có 2 chiếc, chiêng Aráp của người Gia Rai có từ 11 chiếc trở lên, chinh Goong của người Ba Na có 9-15 chiếc, chêng Goong của người Xê Đăng có từ 4-11 chiếc...Trong đó, chiêng (chêng, chinh) là loại nhạc cụ không có núm, còn cồng (Goong hay Coong) là loại nhạc cụ có núm. Những gia đình khá giả có tới 3-4 bộ cồng chiêng. Chẳng hạn như gia đình bà Y KYIH (80 tuổi), tộc người Ba Na (nhóm Rơ Ngao), ở làng Kroong Ktu, xã Kroong, thị xã KonTum hiện nay vẫn còn lưu giữ 3 bộ cồng chiêng cổ; gia đình ông A Tha (82 tuổi), tộc người Xê Đăng, làng ĐăkRiPen 1, xã Tân Cảnh, huyện ĐăkTô hiện còn lưu giữ 04 bộ cồng chiêng. Hình thức diễn tấu cồng chiêng, cũng có sự khác biệt giữa một số tộc người, như tộc người Xê Đăng, Ba Na vừa đi cúi lom khom vừa đánh cồng chiêng, còn người B’râu thì treo chiêng trên giá và ngồi đánh ...dùi đánh cồng chiêng cũng có thể được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Âm điệu, bài bản của dàn cồng chiêng cũng có sự khác biệt giữa các tộc người. Ngoài chức năng là một nhạc cụ, cồng chiêng còn là một tài sản, một biểu tượng “quyền uy”, uy tín trong cộng đồng, một vật linh thiêng, mà mỗi khi dùng đến đều phải xin phép thần linh. Cồng chiêng có mặt trong hầu hết các nghi lễ của cộng đồng, nó gắn bó với mỗi con người ở đây từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay. Chỉ cần nghe âm điệu của cồng chiêng là mọi người biết ngay ở nơi đó có việc gì đang diễn ra, để họ tìm đến cùng chia sẻ dẫu là việc vui hay buồn. Tiếng cồng chiêng không chỉ nhằm giao lưu với các thần linh, phương tiện thông tin đến họ hàng, bạn bè, mà nó còn chính là tiếng nói tâm linh, là tâm hồn đầy trữ tình và cháy bỏng khát vọng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.
*Nghệ thuật múa:

Nghệ thuật múa của các tộc người bản địa ở Kon Tum rất phong phú và đa dạng, hầu hết các tộc người ở Kon Tum không có múa đơn lẻ mà chủ yếu là múa tập thể đông người. Múa tập thể thường là múa vòng tròn, trong ngày hội, múa xung quanh cột đâm trâu hay xung quanh nhà Rông, thường di chuyển ngược chiều kim đồng hồ gọi chung là
Xoang. Trong mọi sinh hoạt tập thể của cộng đồng, hễ có tiếng cồng chiêng vang lên là sau đó hình thành các vòng
Xoang. Mỗi tộc người có một kiểu
Xoang khác nhau bằng các động tác tạo dáng tay, một kiểu chân bước, khi thì chậm rãi, khi nhanh vui...các động tác
Xoang hầu hết đơn giản, mô phỏng những nét lao động, sinh hoạt hàng ngày.
Múa của các tộc người ở Kon Tum mang chất liệu khỏe khoắn, hồn nhiên, mộc mạc, kết hợp cả động tác tay và mông chứ không chỉ động tác tay mềm mại như ở nhiều vùng khác. Tay mô phỏng những động tác làm cỏ, dệt vải... mông đánh đưa rất uyển chuyển sang trái, sang phải theo nhịp ngược với chuyển động của đôi chân. Trong trang phục váy của người phụ nữ Xê Đăng, Ba Na, Giarai họ còn cặp thêm phía sau váy đúng giữa cặp mông một miếng vải có dệt hoa văn, dường như để tăng thêm sự chú ý đến động tác uyển chuyển này của các cô gái. Âm nhạc múa có tiết tấu, nhạc cụ là cồng chiêng, trống gây cảm giác khỏe khoắn, trầm hùng. Đạo cụ múa thường có khiên đao, mác, nỏ...tạo nên tính thượng võ rất hấp dẫn.
Nghệ thuật múa với tư cách là phương tiện biểu đạt cảm xúc của cuộc sống và nhận thức của con người. Nghệ thuật múa phản ánh trung thực đời sống xã hội, nó là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Nhìn chung, các điệu múa của các tộc người dù được diễn ra trong những dịp khác nhau đều trực tiếp hay gián tiếp nhằm diễn tả và tái hiện lại các sinh hoạt sản xuất và đời sống xã hội của các tộc người ở KonTum.
*Nghệ thuật tạo hình và nghề thủ công:

Nghệ thuật tạo hình và nghề thủ công của các tộc người ở Kon Tum mang sắc thái riêng và khá độc đáo, được đồng bào thể hiện qua những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, qua kiến trúc nhà Rông, nhà ở, trang trí trên vải và trên các đồ đan lát. Ở bắc Tây Nguyên đến các làng của người Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai...chúng ta thường thấy các ngôi nhà cộng đồng (nhà Rông) dáng mái cao vút hình lưỡi rìu, vượt hẳn lên trên mái các ngôi nhà sàn trong
Plei. Trên mái nhà Rông, cầu thang lên xuống, trong nhà đều được trang trí nhiều mô típ hoa văn. Hoặc đến vùng người Giẻ - Triêng ta lại bắt gặp ngôi nhà Rông với mái tròn khum hình mai rùa, hai đầu hồi trang trí hình sừng trâu... có thể nói các nghệ nhân của các tộc người là những người tài hoa. Bởi chỉ có một chiếc rìu nhỏ, dao, rựa, không hề có bào, đục như tộc người Kinh, họ đã dựng lên những căn nhà Rông có mái tròn khum, mái cao vút hoặc những ngôi nhà dài hàng chục mét, chẳng hề có chiếc đinh nào mà vẫn đứng vững hàng chục năm giữa Cao Nguyên đầy nắng gió. Nhà Rông của các tộc người ở Kon Tum thật sự là một tác phẩm nghệ thuật lớn, nó bao chứa cả điêu khắc, hội họa, trang trí…đặc biệt nhà Rông là không gian thiêng, nó còn là biểu tượng văn hóa vật thể và tâm linh, là sức mạnh và niềm kiêu hãnh của cộng đồng các tộc người nơi đây. Trong sáng tạo nghệ thuật và kiến trúc của các tộc người ở Kon tum còn phải nói đến nghệ thuật trang trí và kiến trúc dành cho ngôi nhà mồ của tộc người Ba Na và Gia Rai. Trang trí và tượng nhà mồ rất đa dạng về kiểu loại, đó là những hình khối, những hình trang trí và những tượng gỗ. Chẳng hạn như các tượng trai, gái khỏa thân,…..biểu hiện cho phồn thực và sự sinh sôi phát triển. Ở nhà mồ, các chất liệu thiên nhiên đã được con người sử dụng một cách hợp lý và đúng chỗ, phù hợp với phẩm chất của chất liệu rừng. Khi vào khu nhà mồ người xem có thể thấy ngay, nhận ra cái âm hưởng bay bổng, hoành tráng và sắc thái, hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật hồn nhiên, trong sáng và nguyên chất.
Ngoài ra, nghệ thuật trang trí còn được thể hiện trên tất cả các tấm vải dệt như chăn đắp, khố, áo, váy….đều được bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của người phụ nữ trang trí nhiều hoa văn đẹp và bố cục thành từng dải. Mỗi dải chứa một đề án trang trí lặp đi lặp lại, hoa văn thường được bố trí nhiều ở váy, áo, khố. Trang phục của người phụ nữ thường có hoa văn sặc sỡ hơn nam giới, các họa tiết có phần phức tạp và tỷ mỉ, màu sắc phổ biến và chủ yếu là đỏ, vàng, trắng nổi bật trên nền vải đen. Nếu dệt vải chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm thì đan lát do người đàn ông. Hoa văn trên đồ đan lát được tạo nên bởi phương pháp đan cài kết hợp với nan hun khói, nhuộm màu…. Các kiểu dáng đẹp với hình ảnh trang trí sống động, phong phú. Bên cạnh đó, các đồ dùng như: Thân nỏ, cán rìu, ống đựng tên, tẩu thuốc, vòng tay…. Được đồng bào trang trí bằng cách khắc các hình chìm. Hình hoa văn phổ biến nhất là các nét thẳng, tạo nên các đường răng cưa, hình tam giác….Ngoài ra, trong các dịp lễ hội của cộng đồng làng, nghệ thuật trang trí, tạo hình còn được thể hiện trên cây nêu, con rối hết sức độc đáo.
* Văn hóa rượu cần:

Rượu cần là một trong những nét riêng của nền văn minh nương rẫy không riêng các tộc người ở Kon Tum, mà hầu hết các tộc người khác ở Tây Nguyên cũng có. Rượu cần của các tộc người ở Kon Tum thường được làm bằng mỳ, gạo, kê, gạo nếp. Men để ủ rượu được làm bằng các loại cây, lá, củ đặc biệt trong rừng. Men rượu chỉ được đồng bào làm một lần vào một ngày duy nhất trong năm ( vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch ). Còn ghè để đựng rượu thì đồng bào mua hoặc đổi của người miền xuôi hay của người Lào bằng những hiện vật như trâu, bò….có những chiếc ghè ngày xưa phải đổi mấy chục con trâu. Cách ủ rượu và pha chế sao cho ngon cũng là một trong những bí quyết riêng của người phụ nữ. Rượu cần uống lúc nào cũng được, dù chỉ là để đón một người khách đến nhà, hay những việc vui, buồn của gia đình, cộng đồng
Plei cho tới những nghi lễ quan trọng nhất của cộng đồng.
Có thể nói rượu cần của các tộc người là sản vật, nghi vật, lễ vật, nó có mặt mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống sinh hoạt xã hội, trong tình cảm, tâm linh của mọi gia đình hay cộng đồng. Không có rượu cần thì không có lễ lạt, cưới xin, ma chay…rượu cần giữ vai trò lễ vật khi kính dâng lên các vị thần linh. Với bạn bè, là phương tiện chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giao kết tình duyên, đôi lứa…Trước khi thực hiện giao lưu, rượu cần làm nghĩa vụ thông báo, dâng mời, cầu xin các thần linh chứng giám và phù hộ. Dù sử dụng trong thời gian, không gian nào thì tục uống rượu cần cũng là một nét văn hóa trong đời sống của đồng bào các tộc người bản địa ở Kon Tum.
Trên đây chỉ là một phần nhỏ về văn hóa của 6 tộc người bản địa ở Kon Tum. Họ còn nhiều nét văn hóa độc đáo khác cần tìm hiểu, nghiên cứu và khám phá. Với những điều được trình bày, có thể thấy văn hóa của các tộc người bản địa ở Kon Tum có bản sắc riêng, độc đáo nhưng không hề tách rời và có tính thống nhất trong bản sắc chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
PHAN VĂN HOÀNG