• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thủ tướng đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/2/2025 đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

19/02/2025 01:31
Thủ tướng đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025- Ảnh 1.

Thủ tướng đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:

Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Tuy nhiên, kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đến ngày 23 tháng 01 năm 2025 mới đạt 96,07% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; số vốn chưa phân bổ chi tiết còn khá lớn (khoảng 84.840,5 tỷ đồng) của 26 Bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương; giải ngân hết tháng 01 năm 2025 ước đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 là 2,58%).

Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình 26 Bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 đã được giao (tính đến ngày 23 tháng 01 năm 2025); yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương, Quốc hội giao, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.

Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất (trên 95%) kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt hơn nữa, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2025; số 27/NQ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2024, Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2025, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2025 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương

a) Quán triệt, xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; kiên quyết không để tình trạng vốn chờ dự án, có vốn mà không giải ngân được. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân phân bổ và giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và với các Bộ, cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

b) Khẩn trương phân bổ chi tiết hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 trong Quý I năm 2025 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ, nếu hết Quý I năm 2025 không hoàn thành thì Chính phủ sẽ thu hồi để phân bổ cho các dự án khác cần vốn để hoàn thành; việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công. Khẩn trương đề xuất phương án xử lý đối với vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2025 còn lại chưa phân bổ chi tiết trong Quý I năm 2025, gửi Bộ Tài chính và cập nhật trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo đúng quy định.

c) Tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các dự án liên vùng, có tác động lan tỏa,.... Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

d) Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định ngay trong Quý I năm 2025. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn một cách thực chất, hiệu quả theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng.

đ) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

2. Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2025 về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đề xuất phương án xử lý đối với số vốn còn lại chưa được phân bổ chi tiết.

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổng hợp đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 sang năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 3 năm 2025 theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ.

c) Chủ trì theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng tháng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Phối hợp với VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải ngân hằng tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen thưởng các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt, phê bình kiểm điểm xử lý trách nhiệm các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

d) Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy phân bổ, giải ngân các dự án đầu tư công và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn. Khẩn trương tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 22 tháng 02 năm 2025.

đ) Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 02 năm 2025, trong đó bổ sung 02 Phó Thủ tướng (Phó Thủ tướng Mai Văn Chính và Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng) làm Tổ trưởng 2 Tổ công tác.

e) Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ; khẩn trương rà soát và phê duyệt vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hằng năm trên Tabmis theo đúng quy định.

3. Các Bộ, cơ quan chủ chương trình mục tiêu quốc gia rà soát các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phân bổ, giải ngân vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia để phối hợp Bộ Tài chính và cơ quan liên quan xử lý theo quy định; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền.

4. Các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, cơ quan, địa phương và các Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động tăng cường thực hiện kiểm tra, đôn đốc, làm việc để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

5. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.