Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cố ý đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa triệt để, tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn hết sức phức tạp, đặc biệt vào các thời điểm khan hiếm nguyên liệu, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang.
Để ngăn chặn tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan chức năng liên quan tại địa phương tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định đối với các cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản, nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và pháp luật hiện hành, trong đó có biện pháp tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở tái phạm; thông báo công khai các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công Thương và các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về kiểm soát tạp chất và tác hại nghiêm trọng của hành vi đưa tạp chất vào tôm. Phát động quần chúng nhân dân lên án, tố giác các hành vi gian lận đưa tạp chất vào tôm và sử dụng tôm có chứa tạp chất để chế biến.
Xử lý nghiêm cán bộ bao che cơ sở vi phạm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bố trí đủ nguồn ngân sách địa phương hàng năm cho hoạt động thanh tra, kiểm tra về kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào thủy sản và sản xuất kinh doanh thủy sản có chứa tạp chất của các cơ quan chức năng địa phương; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan và làm rõ, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tiếp tay, bao che cho các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Công Thương, Tài chính khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất, quy định trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan chức năng thuộc 3 ngành Nông nghiệp, Công an, Công thương từ cấp trung ương đến địa phương, Hội/Hiệp hội ngành nghề thủy sản có liên quan và bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương nghiên cứu hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất để các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản tự nguyện cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất; thông báo công khai danh sách các cơ sở, doanh nghiệp cam kết; chủ động cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tạp chất.
Phan Hiển