Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 đã nêu rõ mục tiêu là phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính (CCHC), nhất là thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới người dân và doanh nghiệp, để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ kiên quyết quan điểm là đầu tư cho CCHC là đầu tư cho sự phát triển, do đó phải tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt việc đó. Phương châm là "đã nói phải làm", thực chất, không hình thức; lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo cải cách.
Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân và doanh nghiệp, do đó để nhận được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là không hề dễ dàng. Mọi sự phấn đấu trong CCHC đều phải kiên trì thực hiện qua từng tháng, từng năm với các dấu mốc, con số cụ thể.
Triển khai Quyết định số 42/QĐ-BCĐCCHC của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Bộ Tài chính đã sớm ban hành kế hoạch hành động. Theo đó, kế hoạch đã đề ra 32 nhiệm vụ, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm của CCHC năm 2022, như: tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; tăng cường tuyên truyền CCHC, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tính từ 15/12/2021 đến 14/6/2022, Bộ Tài chính đã ban hành 4 quyết định công bố bãi bỏ 22 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 45 TTHC; công bố mới 3 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Theo đó, tính đến 7/6/2022, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 877 TTHC. Trên cơ sở quyết định công bố TTHC, Bộ Tài chính đã công khai, cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.
Bộ Tài chính cũng sớm có kế hoạch rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC năm 2022 từ cuối năm 2021, từ đó, triển khai kế hoạch bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách TTHC, tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý, nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các kết quả đạt được thời gian qua của Bộ Tài chính đã được các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thông qua việc đánh giá các chỉ số. Kết quả chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố ngày 25/5/2022, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ, đạt 91,90/100 điểm. Đây là năm thứ 8 liên tục (từ năm 2014 - 2021), Bộ Tài chính nằm trong top 3 bộ đứng đầu về xếp hạng Chỉ số CCHC. Trong 8 năm qua, chỉ có 1 năm duy nhất Bộ Tài chính đứng hạng 3, còn lại các năm đều ở vị trí thứ 2.
Về chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC 2021 (APCI 2021), vào cuối tháng 5/2022, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2021, trong đó: Nhóm TTHC Thuế đạt 92,4 điểm, là nhóm TTHC có điểm APCI cao nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát năm 2021. Những nỗ lực của ngành Thuế trong công cuộc cải cách TTHC theo hướng hiện đại hoá, đơn giản hóa thủ tục giúp nhóm TTHC Thuế luôn dẫn đầu trong số các nhóm TTHC được khảo sát APCI. Trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, ngành Thuế vẫn duy trì bền bỉ những nỗ lực này và cả những hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp và người dân. Những nỗ lực tiếp tục cải cách của ngành Thuế như áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử, nâng cấp hệ thống khai và nộp thuế trực tuyến, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan được cá nhân, tổ chức người nộp thuế đánh giá cao.
Người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm đến việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Với mục tiêu này, đến nay tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 295 điều kiện thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư.
Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 195/1.256 quy định, đạt 15,5% theo yêu cầu.
KL