Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Người dân thực hiện khai báo y tế trước khi vào khám chữa bệnh. |
Tại Thủ đô Hà Nội, tính từ ngày 17/8 đến nay, đã 85 ngày Thành phố không có ca mắc mới trong cộng đồng. Còn TPHCM đã qua 102 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Ban Chỉ đạo cũng cho biết đến thời điểm này, tổng cộng số ca mắc COVID-19 ở nước ta kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ đầu năm là 1.126 (10 ca mắc mới nhất được công bố vào chiều 10/11 đều là các ca nhập cảnh và đã được cách ly ngay).
Về tình hình điều trị, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.087/1.226 bệnh nhân COVID-19.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, có 9 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2, số ca âm tính lần 2 là 11 và có 9 ca âm tính lần 3.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta hiện vẫn là 35 ca (Đà Nẵng 31, Quảng Nam 3, Quảng Trị 1).
Thông điệp 5K của Bộ Y tế |
Chung sống an toàn với dịch bệnh bằng giải pháp căn cơ
Mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới, COVID-19 đang hoành hành dữ dội. Theo thống kê từ trang worldometers.info, tính đến 8h ngày 11/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 51,790 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã có hơn 1,278 triệu ca tử vong.
Trong bối cảnh ấy, Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu người dân cả nước không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Liên quan đến vấn đề này, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam-Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nêu rõ “tất cả chúng ta đều phải tự phòng chống dịch”.
Theo Phó Thủ tướng, “do bên ngoài sóng to gió lớn nên chúng ta phải bao đê cho chặt”, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh.
Những giải pháp căn bản đó là thực hiện khuyến cáo “5 K” của Bộ Y tế (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung đông người- Khai báo y tế). Tất cả các cơ sở, đầu tiên là cơ sở y tế, nhà dưỡng lão, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng… phải thực hiện đầy đủ các quy định bảo đảm an toàn, đồng thời chúng ta cũng phải chuẩn bị tinh thần cho việc dịch bệnh còn có thể kéo dài ít nhất đến năm 2021, Phó Thủ tướng nói.
Với ngành Y tế, tại Hội nghị sơ kết và triển khai thực hiện công tác điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp. Các chuyến bay thương mại đã được mở lại nên nguy cơ dịch bệnh tại Việt Nam vẫn rất cao.
Để tiếp tục duy trì thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các Sở Y tế và bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh, đồng thời tranh thủ thời gian dịch ổn định để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở về kiểm soát nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ca bệnh nhằm kịp thời ứng phó.
Hà Nội sẽ xử lý vi phạm trong phòng chống dịch
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh, ngày 9/11, Thành phố Hà Nội ban hành Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP. Hà Nội, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Theo đó, cùng với việc thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, Hà Nội áp dụng biện pháp bắt buộc người dân đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, tại nơi công cộng (công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, nhà ga, bến tàu, bến xe, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, các sự kiện văn hóa, thể thao tại nơi công cộng, sân vận động…).
Công an Thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch trên địa bàn.
Thanh Xuân