• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nghề đặc biệt, tháng 2 đặc biệt và hai chữ AN cho nhân dân

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh ‘nước sôi lửa bỏng’, hệ thống y tế, ngành Y tế Việt Nam đã không chỉ cho thấy tinh thần trách nhiệm cao, mà còn khẳng định được năng lực sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp.

16/02/2020 17:25
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá Việt Nam đang xử lý dịch COVID-19 rất tốt.

Có một câu chuyện cổ kể về một đàn cá sống trong nước nhưng không biết nước là gì, chúng đi ra biển để tìm câu trả lời từ một con cá già anh minh. Con cá anh minh nói, ta chỉ biết được nước là gì khi ta đã ra khỏi nước và cảm thấy không có nó thì không sống được.

Cũng có thể nói như vậy về sức khỏe: Sức khỏe vô cùng quý giá với con người, nhưng thường người ta chỉ nhận ra sự quý giá ấy khi sức khỏe đã mất đi. Và có thể nói thêm, trong những tình huống bất thường, người ta càng nhận thức đầy đủ giá trị của những thứ “bình thường”: Sức khỏe và cuộc sống bình yên.

Chúng ta đang trải qua một tình huống bất thường như vậy và từ góc nhìn ấy, dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay chắc hẳn sẽ là quãng thời gian rất khó quên và sẽ còn được nhắc đến trong nhiều năm tới, với cả hệ thống ngành Y, các y bác sĩ, nhân viên y tế và cả với mỗi người dân Việt Nam.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới 27/2, nhưng cả hệ thống ngành Y tế vẫn đang dồn sức, căng mình phòng chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần “như chống giặc” mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu. Ngay trong những ngày Tết Nguyên đán, ngành cũng dành sự tập trung cao nhất cho dịch bệnh, không chủ quan, lơ là, cũng không hoang mang, dao động. Bất cứ dấu hiệu chủ quan, lơ là cũng phải được xử lý khẩn trương: Giám đốc một bệnh viện đa khoa tỉnh đã bị điều chuyển công tác do chưa thực hiện tốt việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của ngành Y, đã bước đầu phát huy hiệu quả, hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc, nguy cơ rất cao.

Đến thời điểm này, chúng ta có thể thấy rõ ràng tinh thần trách nhiệm của ngành Y và những y, bác sĩ, nhân viên y tế, với phương châm coi sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân là quan trọng nhất. Nhưng cùng với tinh thần trách nhiệm, một yếu tố khác cũng quan trọng không kém, đó là năng lực của hệ thống y tế Việt Nam.

Trong báo cáo ngày 13/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận và đánh giá cao việc Việt Nam xử lý dịch COVID-19 rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.

WHO cho biết: Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi - bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ, v.v. - theo như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR) (2005).

“Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp, và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là COVID-19”, WHO nhận định.

Nhiều năm qua, Ngày Thầy thuốc Việt Nam luôn là dịp để toàn xã hội bày tỏ sự biết ơn, trân trọng trước những nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của những người khoác áo blouse trắng. Ngày 27/2 năm nay sẽ đặc biệt hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp và điều này đòi hỏi các cán bộ ngành y tế phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tạm gác lại, thậm chí hy sinh niềm vui riêng vì sự an toàn chung.

Được giao nhiệm vụ Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ và ngay sau đó, là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã liên tục có các cuộc làm việc để chỉ đạo công tác này, trong đó ông nhấn mạnh hai chữ “AN” cho người dân: “An toàn và an tâm”.

An toàn là xét từ khía cạnh sức khỏe, còn an tâm là xét từ khía cạnh niềm tin, sự bình tĩnh và tin tưởng vào các giải pháp, biện pháp từ phía các cơ quan chức năng, từ phía đội ngũ y tế. Để người dân không chủ quan, lơ là cũng không hoang mang, dao động thì cùng với tinh thần, trách nhiệm rất cao, nhất thiết phải có năng lực tốt trong ứng phó, xử lý các tình huống bất thường.

Giữa những ngày chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chia sẻ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ vinh quang của ngành y tế, đặc biệt trong thời điểm có dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Các cán bộ Y tế luôn sẵn sàng tinh thần đối mặt với muôn vàn khó khăn, âm thầm cống hiến để chăm lo sức khỏe cho người dân.

Nhưng không chỉ có vậy. Chăm lo cho sức khỏe nhân dân không chỉ cần phản ứng nhanh nhạy trong từng tình huống cấp bách, mà như người xưa nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngành Y tế đã hết sức quan tâm, bố trí nguồn lực cho y tế dự phòng với ý nghĩa là “cái gốc” của y tế, bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Như đánh giá mới nhất trên đây của WHO, sự quan tâm ấy đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp.

Và bên cạnh những kết quả mà WHO nhấn mạnh như trên, trên thực tế, sau 65 năm thực hiện lời Bác Hồ căn dặn trong bức thư gửi ngành y tế ngày 27/2/1955 – sau trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam hằng năm, từ một nền y tế còn thiếu thốn về nhiều mặt, đến nay, Việt Nam đã tự hào góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu và tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, “Lương y phải như từ mẫu-Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới cũng nêu rõ, “nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Hơn lúc nào hết, những quan điểm đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta cùng siết chặt hàng ngũ để ứng phó dịch bệnh. Còn rất nhiều việc phải làm và không phải tất cả mọi việc đều đã ổn thỏa, nhưng với niềm tin ngày càng được củng cố của nhân dân với ngành Y, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được thử thách này!

Hà Chính