Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Với chủ trương đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên Hợp Quốc (LHQ)… Hiện nay Việt Nam đã trở thành Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Hơn nữa, bên cạnh hợp tác chặt chẽ với khu vực Đông Bắc Á, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của khu vực ASEAN láng giềng thân thiện. ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sau các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ các mặt hàng nông thủy sản và khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao…
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế. Thay vào đó, nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học công nghệ. Mặc dù tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt trung bình 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Hàn Quốc, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất của Singapore, bằng 63,9% của Thái Lan, bằng 94,2% của Philippines, bằng 24,4% của Hàn Quốc, bằng 58,9% so với Trung Quốc. Đây có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ tụt hậu và cạm bẫy trung bình của quốc gia.
Theo các nhà chiến lược kinh tế, nâng cao năng suất lao động và có lợi thế cạnh tranh quốc gia sẽ đem lại sự thịnh vượng bền vững. Chỉ cần một vài phần trăm tăng năng suất cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về mức độ giàu có và mức sống của một quốc gia.
Lịch sử ở nước ta những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước cho thấy kinh nghiệm thành công của cơ chế khoán sản phẩm đã đem lại năng suất cao trong ngành sản xuất nông nghiệp, tạo được đột phá lan tỏa sang các ngành khác, hướng tới nền kinh tế thị trường.
Để thực hiện thắng lợi đường lối hội nhập và phát triển đất nước trong các xu hướng tích cực của khu vực ASEAN nhằm hướng đến một quốc gia trường tồn và phồn vinh, nên chăng cần nghiên cứu và triển khai bốn nội dung quan trọng:
1. Tầm nhìn hội nhập: Ưu tiên phát triển hữu nghị và hợp tác kinh tế với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á và ASEAN. Xác định rõ đây là nền tảng trong chính sách hội nhập bền vững của đất nước và là cơ sở để phát triển mạnh mẽ toàn diện các chiến lược hợp tác kinh tế quốc tế song phương và đa phương của đất nước. Trong quá trình đó, cần chủ động phối hợp với các nước ASEAN xây dựng và hoàn thiện các thể chế hợp tác tích cực (luật pháp, quy tắc ứng xử COC…) với các đối tác chiến lược mở rộng của ASEAN như ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN- Hoa Kỳ… cũng như các chương trình sáng kiến hợp tác khu vực như RCEP, IPEF… đảm bảo các nguyên tắc công khai, bình đẳng và win-win cho các bên tham gia.
2. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc phát triển môi trường kinh doanh quốc gia cạnh tranh lành mạnh trước pháp luật, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới nghiên cứu và phát triển để vừa đạt được lợi thế cạnh tranh vừa nâng cấp những lợi thế đó. Cần xác định vị trí của quốc gia trong các yếu tố sản xuất, chẳng hạn như lao động lành nghề hoặc cơ sở hạ tầng, cần thiết để cạnh tranh trong một ngành nhất định. Qua đó xác định các ngành công nghiệp có khả năng đột phá và lan tỏa trong nền kinh tế thị trường Việt Nam như: Nông nghiệp, logistics, năng lượng, kinh tế biển và công nghệ cao…
Sự thịnh vượng của quốc gia không phát triển từ các nguồn lực tự nhiên, lực lượng lao động, lãi suất hay giá trị đồng tiền của một quốc gia… như kinh tế học cổ điển khẳng định mà dựa trên khả năng cạnh tranh của một quốc gia trong việc nâng cao năng suất lao động. Về dài hạn, điều đó chủ yếu phụ thuộc vào khả năng đổi mới và nâng cấp của các ngành công nghiệp cốt lõi dựa vào động lực của thị trường.
3. Doanh nghiệp: Sự hợp tác doanh nghiệp và sử dụng các hợp tác liên minh một cách có chọn lọc mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ở cấp độ đơn giản nhất, nó có thể là một cách để tiết kiệm chi phí và tránh trùng lặp nỗ lực. Bên cạnh đó, cạnh tranh góp phần vào sự vận hành tốt của thị trường. Với sự cạnh tranh, các doanh nghiệp được khuyến khích và có động lực trở nên hiệu quả hơn, nhờ đó, người tiêu dùng được hưởng mức giá cạnh tranh, nhiều sự lựa chọn hơn và các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao hơn. Về dài hạn, cạnh tranh dẫn đến tăng năng suất, đảm bảo nền kinh tế duy trì tính cạnh tranh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Khi một doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua đổi mới, doanh nghiệp cần duy trì lợi thế đó cải tiến không ngừng và xây dựng năng lực cốt lõi vì hầu như bất kỳ lợi thế nào cũng có thể bị đối thủ bắt chước. Về chiến lược, doanh nghiệp cần xây dựng vững chắc thị phần bản địa và từng bước phát triển ra khu vực và quốc tế theo các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
4. Xây dựng văn hoá bền vững hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo: Văn hóa làm việc đoàn kết và hợp tác bình đẳng giúp tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hình thành văn hoá đổi mới, sáng tạo trong học tập và lao động, cho phép gặt hái thành công trong khi vẫn học hỏi từ những thất bại.
Xây dựng văn hóa sáng tạo và đổi mới là một quá trình cần có thời gian, sự kiên nhẫn và nguồn lực đáng kể, đặc biệt khi đứng trước sự thất bại hoặc thậm chí là phản ứng của xã hội. Vì vậy, nếu muốn phát triển mạnh mẽ công cuộc đổi mới và sáng tạo, chúng ta cần xây dựng một nền văn hóa bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời phải thích nghi với sự đổi mới trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng toàn cầu.
Xác định và triển khai tốt các nội dung trên, chắc chắn Việt Nam sẽ góp phần phát triển tích cực Cộng đồng ASEAN đang hướng tới Tầm nhìn sau năm 2025 và đóng góp hiệu quả vào sự thịnh vượng và tiến bộ xã hội cho khu vực và thế giới.
TS. Đoàn Duy Khương