Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Đức, việc tìm kiếm các nguồn tài trợ từ nước ngoài phục vụ cho việc xây dựng học liệu, nâng cao chất lượng giảng dạy,... rất khó khăn. Tuy nhiên, thủ tục hành chính liên quan đến tiếp nhận các nguồn viện trợ còn phức tạp và phụ thuộc nhiều Bộ, ban, ngành.
Hiện nay, để tiếp nhận các nguồn tài trợ từ nước ngoài, Khoa Luật nơi ông Đức công tác không chỉ phải báo cáo và xin phép Đại học Quốc gia Hà Nội mà còn phải báo cáo và xin phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan. Thủ tục xin phép các Bộ, ban, ngành như vậy là dư thừa, làm giảm tính chịu trách nhiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội, không phù hợp với xu hướng tự chủ đại học và làm hạn chế trong việc chủ động tìm kiếm các nguồn viện trợ.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Thẩm quyền phê duyệt khoản viện trợ
Trường hợp viện trợ ông Nguyễn Anh Đức nêu mà bên cung cấp viện trợ thuộc các đối tượng quy định tại Điều 1 Quy chế về quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, không vì mục đích lợi nhuận, theo quy định tại Điều 15 của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP nêu trên, các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài do Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ quản, sẽ được Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét, quyết định nếu không có các nội dung về an ninh, quốc phòng, tôn giáo.
Trường hợp viện trợ ông Đức nêu mà bên cung cấp viện trợ là các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ viện trợ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ, theo quy định tại các Điều 17, 22 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, cơ quan chủ quản dự án hoặc khoản viện trợ phi dự án sẽ giao đơn vị có liên quan tiến hành lập Đề xuất dự án, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy mô nguồn vốn và lĩnh vực.
Căn cứ Điều 5 Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015, các khoản viện trợ nước ngoài không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương là nguồn thu của ngân sách nhà nước. Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Quy trình thẩm định khoản viện trợ
Theo quy định tại Nghị định 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật, các khoản viện trợ có liên quan tới đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp (nếu thuộc phạm vi thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) và ý kiến góp ý (nếu thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan chủ quản).
Đối với viện trợ ODA không hoàn lại có giá trị dưới 2 triệu USD, không thuộc phạm vi an ninh, quốc phòng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của cơ quan chủ quản. Theo quy định tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP, cơ quan chủ quản lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đối với Đề xuất dự án về khả năng cân đối vốn và cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với khoản viện trợ.
Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, cơ quan chủ quản giao đơn vị có liên quan xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để gửi các cơ quan liên quan góp ý kiến. Căn cứ ý kiến các cơ quan liên quan, cơ quan chủ quản xem xét phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, làm cơ sở phê duyệt đầu tư dự án/khoản viện trợ phi dự án.
Đối với khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài không thuộc các lĩnh vực an ninh, tôn giáo, trực tiếp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Thủ tướng Chính phủ trở lên, theo quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 93/2009/NĐ-CP, cơ quan chủ quản lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý chính thức của các cơ quan, đơn vị được cơ quan chủ quản giao chủ trì thẩm định sẽ tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới các khoản viện trợ không hoàn lại quy định tại 2 Nghị định nêu trên, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ghi nhận ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Anh Đức để nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận viện trợ không hoàn lại.