
Bà Y Hiền tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum năm 2010
Thời gian thắm thoắt trôi qua, 9 đứa con giờ đã khôn lớn, 7 đứa đã lập gia đình và ra ở riêng. Tất cả chúng đều là những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mất cha, mất mẹ. “Lý do” ông bà nhận nuôi nhiều đến thế bởi đơn giản là “sợ chúng không được dạy dỗ cẩn thận thì sẽ trở thành những đứa trẻ hư hỏng”- bà Y Hiền nói như giải thích.
Cuộc sống bây giờ đã đỡ vất vả hơn xưa nhiều rồi- Bà nói. Biết vậy, nhưng trong khi nói chuyện với bà, tôi vẫn muốn được nghe bà kể về cái “thuở hàn vi” ấy. Bà chỉ cười và nói với tôi: chuyện dài lắm, kể phải hết ngày này qua ngày khác…Nói đến khổ mà bà cười tươi lắm, nhưng chính nhờ “cái” lạc quan ấy mà đã làm nên được nhiều “kỳ tích” đến vậy. Hai đứa trẻ đầu tiên được bà nhận về nuôi khi bé gái mới 3 tuổi còn bé trai 6 tuổi. Với đồng lương ít ỏi của cô giáo trường làng rồi chuyển qua làm công tác phụ nữ xã Đăk Nông, hai ông bà làm thêm nương rẫy để rau cháo nuôi nhau. Vậy mà số con được ông bà nuôi dưỡng vẫn tăng theo từng năm.
Cuộc sống chẳng dư dả gì nhưng “số triệu” ông bà giúp đỡ những hộ nghèo trong thôn thật “đáng nể”: cho mượn không tính lãi nhiều hộ nghèo trong thôn để họ lấy vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi: 45 triệu đồng; hỗ trợ không hoàn lại 10 con heo, 2 con bò và giúp đỡ hai hộ nghèo với số tiền 35 triệu đồng để xây nhà. Bà cười “khoe” với tôi: giờ thì hai gia đình này hết nghèo rồi. Mình mừng lắm! Tôi hỏi: hai hộ đó tên gì hả bà? Bà không nói tên mà đáp lời tôi bằng tiếng cười hạnh phúc cùng câu nói: thôi! Cái bụng mình biết là được rồi…
Không chỉ giúp đỡ bằng vật chất, bà còn đến tận nhà những hộ nghèo vận động, chỉ bảo cách làm ăn, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt cây con gì để mang lại hiệu quả kinh tế; vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Trên đây mới chỉ là vài nét “chấm phá” về một tấm gương của người con đồng bào Triêng mà tôi “khai thác” được trong một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng đầy khó khăn bởi toàn nhận được những lời từ chối từ phía “đối tác”. Những việc làm của cô thanh niên xung phong gùi lương tải đạn ra chiến trường và đưa thương binh về tuyến sau năm xưa ở đơn vị vận tải B3C3- Quân khu 5- Y Hiền đáng để cho bạn đọc học tập và tôn vinh./.
Bài, ảnh: Nga Linh