Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 2022 được coi là năm bản lề để "khởi động" công tác triển khai Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2021 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026, thì năm 2023 là năm cần tập trung triển khai thực hiện những biện pháp cụ thể.
Nhân dịp này, Báo Điện tử Chính phủ đã phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng về vấn đề này.
Xin ông cho biết những điểm mới trong triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) kể từ khi Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành?
Ông Mai Phan Dũng: Thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tích cực, chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, tập trung vào các nội dung mới, đáng chú ý mà Kết luận 12-KL/TW đặt ra, đặc biệt thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN, bám sát tinh thần chỉ đạo của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ.
Thứ nhất, công tác đại đoàn kết được xác định là phương châm đột phá. Trong các chuyến công tác nước ngoài, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đều bố trí thời gian gặp gỡ, tiếp xúc, thể hiện sự quan tâm, động viên đối với kiều bào, trực tiếp ghi nhận và giải đáp những kiến nghị, phản ánh của bà con. Trên cơ sở chỉ đạo về công tác NVNONN, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng và triển khai chương trình tăng cường đại đoàn kết với đồng bào ở nước ngoài, trong đó chú trọng các biện pháp hướng tới kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, phát huy vai trò của những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, việc tiếp xúc với các nhân vật từng có định kiến được duy trì, qua đó thúc đẩy hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc.
Nhiều hoạt động về nguồn, gắn kết dành cho kiều bào tiếp tục được tổ chức, qua đó góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, hướng về quê hương đất nước. Tiêu biểu là tháng 5/2022, sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đoàn kiều bào thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, giúp kiều bào hiểu thêm về tình hình biển, đảo Tổ quốc. Sau các chuyến thăm như vậy, kiều bào đều cảm thấy rất xúc động và ý thức hơn về trách nhiệm đóng góp cho quê hương, đất nước. Năm 2023 này, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục tổ chức cho kiều bào thăm Trường Sa với quy mô lớn hơn để đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của nhiều đồng bào ta ở nước ngoài mong muốn được ra thăm nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Thứ hai, công tác hỗ trợ cộng đồng được đẩy mạnh, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN. Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào tại địa bàn khó khăn.
Năm 2022, công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến sự đã đạt được những kết quả quan trọng, ta đã sơ tán 5.200 người sang các nước lân cận, tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.700 người về nước, đồng thời thu xếp cho nhiều người khác về nước trên các chuyến bay thương mại. Sau khi việc sơ tán đã cơ bản hoàn tất, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống.
Đối với cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia, các cơ quan liên quan trong nước tiếp tục nỗ lực phối hợp với chính quyền sở tại hỗ trợ cộng đồng trong một số vấn đề, như: Nâng cao địa vị pháp lý; di dời và tái định cư người gốc Việt ở Biển Hồ và các khu vực sông, hồ của Campuchia; hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn do dịch COVID-19…
Bên cạnh đó, Ủy ban còn triển khai nhiều hoạt động giúp kiều bào gìn giữ, bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa, ngôn ngữ. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các lớp bồi dưỡng giáo viên tiếng Việt thường xuyên được tổ chức. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Ngày Tôn vinh Tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030", lấy ngày 8/9 là dấu mốc quan trọng hằng năm tôn vinh sự giàu đẹp của Tiếng Việt, thúc đẩy phong trào dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng.
Thứ ba, công tác vận động, phát huy nguồn lực của NVNONN tiếp tục được chú trọng triển khai. Năm vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng chương trình tăng cường vận động, kết nối nhằm phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước. Trong đó, việc kết nối thực sự được đẩy mạnh theo các hướng: Kết nối để xây dựng, củng cố các mạng lưới trí thức, doanh nhân; kết nối giữa doanh nhân, trí thức kiều bào với các địa phương, tổ chức trong nước.
Điển hình, kể từ khi Kết luận 12 được ban hành, Ủy ban đã và đang thúc đẩy xây dựng Mạng lưới Chủ tịch các hội doanh nhân kiều bào và hội trí thức kiều bào; tổ chức hơn 50 sự kiện kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Công tác kết nối đã góp phần xây dựng nguồn lực con người hỗ trợ giải quyết các nhiệm vụ phát triển của đất nước và của các địa phương trên các lĩnh vực quan trọng, như kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh, môi trường, quảng bá sản phẩm Việt…
Ngoài ra, Ủy ban đang phối hợp chặt chẽ với kiều bào và các cơ quan hữu quan tổ chức nhiều hình thức để ghi nhận, tiếp thu đóng góp của kiều bào cho việc sửa đổi các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quốc tịch… Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền lợi của NVNONN, tạo cơ sở pháp lý để bà con có nhiều hơn nữa hoạt động nghiên cứu, đầu tư, thương mại… gắn với trong nước.
Thứ tư, công tác thông tin đối ngoại với NVNONN được đẩy mạnh, chú trọng đổi mới nội dung, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước, theo tinh thần của Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị.
Ông có thể nói cụ thể hơn về việc đổi mới về nội dung, phương thức, tư duy của công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN trong tình hình mới?
Ông Mai Phan Dũng: Một trong những nhiệm vụ quan trọng và được nhấn mạnh tại Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị là "Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại tới cộng đồng NVNONN".
Về tư duy, Đảng và Nhà nước ta đánh giá công tác thông tin đối ngoại với cộng đồng NVNONN là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng. NVNONN vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của công tác thông tin đối ngoại. Mỗi NVNONN giữ vai trò như một "kênh thông tin" của Việt Nam ở nước ngoài, giúp lan tỏa những thông tin, hình ảnh tích cực về đất nước, con người và những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam tới rộng rãi cộng đồng ở sở tại và bạn bè quốc tế. Qua đó, NVNONN trở thành lực lượng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Nằm trong tổng thể của công tác về NVNONN, công tác thông tin đối với NVNONN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị ở trong và ngoài nước. Các cơ quan, tổ chức trong nước luôn tăng cường phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hội đoàn NVNONN để tích cực, kịp thời truyền tải thông tin chính thống tới nước sở tại; đồng thời vận động, hỗ trợ NVNONN có ảnh hưởng đẩy mạnh thông tin tích cực về Việt Nam trong cộng đồng sở tại và với bạn bè quốc tế.
Về nội dung, thông tin đối ngoại với cộng đồng NVNONN ngày càng toàn diện và đổi mới theo hướng thuyết phục và đa chiều. Trong đó, nội dung về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các sự kiện lớn, quan trọng và thành tựu phát triển của đất nước được chủ động cung cấp rõ ràng, cụ thể, thể hiện phương châm "đi trước mở đường", góp phần quan trọng giúp đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chính sách, quan điểm của Việt Nam.
Thông tin đối ngoại còn là kênh giúp truyền tải những ý kiến đóng góp, tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào tới nhân dân trong nước, từ đó nâng cao tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia, đùm bọc của dân tộc ta ở cả trong và ngoài nước, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Về hình thức, công tác thông tin đối ngoại với NVNONN được đa dạng hóa về dạng thức, ngôn ngữ, phương tiện và lực lượng. Nhiều dạng thức truyền thông mới được áp dụng, như tạp chí điện tử, video clip, triển lãm trực tuyến… góp phần chia sẻ thông tin và hình ảnh Việt Nam toàn diện, sinh động, hấp dẫn, gần gũi hơn.
Công tác thông tin tới sở tại còn được triển khai thực hiện phù hợp với từng địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm, như các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp… đồng thời được sản xuất bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, để lan tỏa tới đông đảo hơn nữa bà con và bạn bè quốc tế. Các kênh truyền thông mới như mạng xã hội Facebook, Youtube… được sử dụng thường xuyên, góp phần thể hiện phương châm tích cực trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới nhằm thúc đẩy sự lan tỏa và mức độ tương tác của thông tin chính thống tới NVNONN.
Song song với đó, các phương tiện truyền thông cộng đồng cũng được phát huy. Trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí, phóng viên kiều bào thường xuyên được tạo điều kiện trực tiếp tham gia tác nghiệp và đưa tin về tình hình, sự kiện trong nước thông qua các chuyến đi thực tế, trong đó có chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DKI thường niên do Ủy ban tổ chức. Sau mỗi chuyến đi, các kênh truyền thông của kiều bào đã có những bài viết, hình ảnh phản ánh khách quan, trung thực về Việt Nam, góp phần đáng kể trong việc phản bác và đẩy lùi các luận điệu tuyên truyền sai trái.
Trong công tác thường xuyên, trong nước luôn tích cực phối hợp với các kênh truyền thông cộng đồng, về lâu dài hướng tới hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh trước các thông tin sai trái về đất nước.
Đối với những vấn đề "nóng", "nhạy cảm" bị lợi dụng khai thác liên quan đến tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo một bộ phận thanh niên, sinh viên, lao động NVNONN tham gia các hoạt động chống phá đất nước, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ có những hoạt động gì để hạn chế, thưa ông?
Ông Mai Phan Dũng: Cùng với sự phát triển của đất nước và sự lớn mạnh của cộng đồng NVNONN, đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng hướng về quê hương, đất nước. Tuy nhiên, trong cộng đồng vẫn tồn tại một bộ phận lợi dụng, xuyên tạc các vấn đề "nóng" đang nổi lên ở trong nước để bóp méo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; dụ dỗ, lôi kéo một số thanh niên, sinh viên, lao động NVNONN tham gia các hoạt động chống phá đất nước.
Để củng cố niềm tin của NVNONN với đất nước, đồng thời đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động đi ngược lại lợi ích quốc gia-dân tộc của một bộ phận NVNONN, theo chúng tôi, giải pháp căn cơ là tăng cường các biện pháp chăm lo, hỗ trợ cộng đồng, thực hiện hiệu quả chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp kiều bào yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc. Song song với đó, cần tạo điều kiện để các hội đoàn NVNONN và kiều bào có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của mình, giúp tập hợp, vận động cộng đồng hướng về quê hương.
Đối với những vấn đề "nóng", "nhạy cảm" mà đông đảo bà con quan tâm, hay những vấn đề liên quan đến kiều bào, cần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm; có cơ chế thông tin công khai, minh bạch, kịp thời, qua đó phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước. Để làm tốt nhiệm vụ này, Ủy ban đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các cơ chế phối hợp liên ngành, phản ứng nhanh.
Các sản phẩm thông tin-văn hóa dành cho NVNONN cần không ngừng đổi mới về cả nội dung và hình thức, phù hợp với thị hiếu, tâm tư, tình cảm của kiều bào, đồng thời chú trọng thông tin về đất nước tới kiều bào trẻ để nâng cao nhận thức của thế hệ mới về cội nguồn dân tộc. Chúng ta cũng cần đa dạng hóa phương thức chia sẻ thông tin, phát triển nội dung trên nền tảng số nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác tới cộng đồng NVNONN.
Ngoài ra, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh cần được tăng cường hơn nữa, nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo thanh niên, sinh viên, người lao động Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động chống phá đất nước. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, giáo dục định hướng, tư vấn và cung cấp thông tin cho mọi người trước khi ra nước ngoài.
Phát huy và tận dụng nguồn lực trí thức Việt Nam, trong đó có nguồn lực trí thức NVNONN đang trở nên cấp bách trước yêu cầu đổi mới sáng tạo hiện nay. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này? Hiện nay công tác này còn điểm gì bất cập và thời gian tới nên làm gì, thưa ông?
Ông Mai Phan Dũng: Trí thức NVNONN đã và đang là lực lượng đặc biệt quan trọng giúp thực hiện, đáp ứng các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cộng đồng NVNONN tương đối lớn và có giá trị bền vững. Điển hình chỉ riêng cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã có hơn 150 giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi, khoảng 200 kỹ sư gốc Việt hoạt động trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, cùng nhiều chuyên gia làm việc trong các ngành khoa học khác.
Đảng, Nhà nước luôn xác định rõ vai trò của đội ngũ trí thức NVNONN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện ở việc ban hành nhiều chính sách mở đường, tạo điều kiện thuận lợi để trí thức kiều bào có thể đóng góp thiết thực cho quê hương. Các chủ trương, chính sách đã tạo nền tảng quan trọng để các bộ, ngành trung ương, địa phương tăng cường triển khai công tác thu hút, phát huy nguồn lực của kiều bào trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo của đất nước.
Dựa trên định hướng của các văn bản chỉ đạo, Bộ Ngoại giao đã triển khai rất nhiều hoạt động huy động, kết nối, đa dạng về lĩnh vực, địa bàn và quy mô. Điển hình, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu chuyên gia NVNONN làm cố vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp sáng tạo. Hai Bộ cũng đã phối hợp xây dựng Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ, gồm 21 vị chủ tịch các hội trí thức tại 15 quốc gia trên toàn thế giới, cùng đông đảo nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, nhằm góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng trí thức kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, giải quyết những bài toán cụ thể của doanh nghiệp và địa phương trong nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban đã hỗ trợ cộng đồng NVNONN tổ chức các chương trình, hoạt động đổi mới sáng tạo ở trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy năng lực và tăng cường hợp tác, đóng góp ý kiến cho các vấn đề trong nước, trong đó có đổi mới sáng tạo. Hàng chục sự kiện như vậy đã được tổ chức trong năm 2022, có ý nghĩa thiết thực và được các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao.
Công tác vận động, thu hút NVNONN hiện đã đạt được những kết quả quan trọng và đáng khích lệ. Tuy nhiên, tiềm năng của kiều bào còn rất lớn và cần được phát huy hơn nữa. Số lượng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học NVNONN về nước nói chung và hoạt động trong đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn, khi chỉ đạt con số chưa đến 0,1% trong tổng số gần 600.000 trí thức NVNONN. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa kiều bào tiềm năng, có nhu cầu về nước cống hiến và phát triển sự nghiệp, với các bộ ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu còn khó khăn do thiếu thông tin, hạn chế về cơ chế, ngân sách, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, xử lý và phản hồi đối với các ý kiến của chuyên gia, trí thức kiều bào…
Trước thực tiễn đó, Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho rằng, công tác thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức kiều bào hỗ trợ công cuộc đổi mới sáng tạo cần củng cố về nhiều mặt.
Trước hết là cần thống nhất nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có vai trò của cộng đồng NVNONN, qua đó triển khai hiệu quả công tác thu hút, sử dụng nguồn lực NVNONN trong các lĩnh vực nói chung và đổi mới sáng tạo nói riêng.
Tiếp đến, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng, đãi ngộ trí thức NVNONN. Trong đó, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chuyên gia, trí thức NVNONN; đồng thời chú trọng công tác dân vận, mở rộng tiếp xúc và có biện pháp vận động phù hợp đối với những trí thức kiều bào có uy tín, ảnh hưởng ở các nước.
Về đãi ngộ, cần có chính sách trọng đãi hợp lý, đảm bảo những điều kiện sống ổn định, cung cấp nhà ở, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục con cái… để trí thức kiều bào yên tâm, tập trung làm việc. Cần xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt và phù hợp với từng dự án, lĩnh vực ưu tiên cụ thể đối với chuyên gia, trí thức có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao.
Đồng thời, các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của đội ngũ chuyên gia, trí thức NVNONN, nhằm tạo động lực thúc đẩy trí thức kiều bào tích cực "hiến kế" cho đất nước.
Cùng với đó, có thể xem xét một số biện pháp, như: Rà soát để bãi bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết hoặc gây khó khăn đối với kiều bào, đặc biệt trong đầu tư, đất đai, thủ tục hành chính, vay vốn, ưu đãi thuế cho trí thức, doanh nhân NVNONN đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực, các lĩnh vực kinh tế-xã hội ưu tiên;
Nghiên cứu các biện pháp nhằm cải thiện môi trường làm việc, đầu tư trang thiết bị, nâng tỉ trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nói chung tại các trường đại học, viện nghiên cứu; phát huy vai trò, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan làm công tác vận động NVNONN như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam... trong việc tập hợp, vận động trí thức là NVNONN.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kiều Liên (thực hiện)