Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông tư quy định rõ nguyên tắc cập nhật, kết nối, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ.
Theo đó, cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ được quản lý tập trung từ trung ương đến bộ, ngành, địa phương; bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, tập trung tối đa nguồn lực, rút ngắn thời gian trong việc thu thập, chỉnh sửa, cập nhật thông tin cho cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ trong các cơ quan, đơn vị.
Công tác cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan, được thực hiện thống nhất, liên tục, đồng bộ, khoa học, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin của các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu bảo đảm nguyên tắc dữ liệu chỉ thu thập từ một nguồn, một lần không trùng lặp và chia sẻ lại các hệ thống thông tin có liên quan phục vụ khai thác dữ liệu.
Cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng dữ liệu.
Cơ quan, đơn vị được kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ phải đảm bảo điều kiện hạ tầng hệ thống thông tin, mô hình kết nối, cấu trúc dữ liệu, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ được lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin. Việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ phải tuân thủ kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ, quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Danh mục cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ do Bộ Nội vụ xây dựng, quản lý thống nhất trong toàn ngành Nội vụ bao gồm: 1- Cơ sở dữ liệu quốc gia tài liệu lưu trữ; 2- Cơ sở dữ liệu về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; 3- Cơ sở dữ liệu về tổ chức, bộ máy; 4- Cơ sở dữ liệu chính quyền địa phương và địa giới hành chính; 5- Cơ sở dữ liệu về hội, quỹ, tổ chức phi chính phủ; 6- Cơ sở dữ liệu về thanh niên; 7- Cơ sở dữ liệu về tôn giáo; 8- Cơ sở dữ liệu về thi đua - khen thưởng; 9- Cơ sở dữ liệu về quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; 10- Cơ sở dữ liệu về nhân tài.
Theo Thông tư quy định, thông tin trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, có giá trị pháp lý trong quản lý ngành Nội vụ.
Hình thức khai thác sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ được thực hiện thông qua tài khoản được cấp hoặc thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Việc sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu dữ liệu và bảo vệ an toàn thông tin cá nhân.
Cơ quan quản lý và cơ quan, đơn vị cấp dưới được khai thác sử dụng thông tin trong phạm vi quản lý; ban hành quy định nội bộ về quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm quản lý và khai thác sử dụng thông tin từ các tài khoản người dùng; tiếp nhận và xử lý những góp ý, khiếu nại đối với dữ liệu trong thẩm quyền quản lý.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành Nội vụ có nhu cầu sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
Đối với thông tin liên quan Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, việc cập nhật, khai thác, sử dụng thông tin cần đảm bảo quy định về bảo mật thông tin an ninh, quốc phòng theo quy định của pháp luật.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 16/10/2023.
Minh Hiển