Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Diễn đàn Sản xuất thông minh bền vững do Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam - VIZ tổ chức. Ảnh: VGP
Thông tin này được các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh tại Diễn đàn Sản xuất thông minh bền vững do Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam - VIZ tổ chức mới đây, khi đánh giá những thách thức và cơ hội mà các nhà máy công nghệ cũ đang đối mặt trong xu thế chuyển đổi xanh toàn cầu.
"Đây là lần đầu tiên hàng rào kỹ thuật được chuyển hóa thành hàng rào thuế quan, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu, mà cả các quốc gia như Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu không kịp thời thích ứng", ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi xanh, Khuyến công và Sản xuất bền vững (Bộ Công Thương) cảnh báo.
Theo ông Dũng, những thách thức hiện nay của các nhà máy sử dụng công nghệ cũ không chỉ đến từ nội tại dây chuyền sản xuất lạc hậu, mà còn đến từ áp lực rất lớn của thị trường toàn cầu. Các quy định và tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững - nhất là tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như EU và Hoa Kỳ - đang ngày càng nghiêm ngặt.
Bên cạnh cơ chế CBAM, các cơ chế khác như Chỉ thị Tài chính Bền vững (Green Deal), hay quy định về dòng tiền bền vững (Green Taxonomy) của EU cũng sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào các quốc gia có nền sản xuất chưa đạt chuẩn xanh, chưa minh bạch về phát thải.
"Do vậy, vấn đề tuân thủ tiêu chuẩn xanh giờ đây không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc nếu muốn duy trì xuất khẩu và thu hút đầu tư", ông Dũng khẳng định.
Đánh giá cụ thể, đại diện Cục Chuyển đổi xanh chỉ ra 3 nhóm thách thức lớn mà các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ đang gặp phải:
Thứ nhất, thách thức về mặt công nghệ và đo lường phát thải. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn về dấu vết carbon đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý phát thải minh bạch, chính xác, được xác nhận bởi các tổ chức chứng nhận độc lập. Điều này kéo theo yêu cầu đầu tư thiết bị đo lường, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và phần mềm quản trị dữ liệu. Tuy nhiên, phần lớn các nhà máy cũ hiện nay chưa có nền tảng công nghệ sẵn sàng cho việc này.
Thứ hai, là thách thức về nguồn nhân lực. Việc vận hành dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn xanh đòi hỏi đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản về sản xuất sạch hơn, quản lý năng lượng và kiểm soát phát thải. Tuy nhiên, lực lượng lao động đáp ứng được các yêu cầu này còn rất hạn chế, nhất là tại các địa phương ngoài trung tâm hoặc các khu công nghiệp thế hệ cũ.
Thứ ba, là thách thức về thông tin và chi phí tuân thủ. Nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nắm được đầy đủ thông tin về các tiêu chuẩn quốc tế, thiếu cơ chế tiếp cận với các tổ chức chứng nhận uy tín và gặp khó khăn trong việc khai báo dữ liệu phát thải theo yêu cầu của các đối tác nước ngoài. Chi phí cho các dịch vụ đo lường, giám sát, chứng nhận độc lập hiện vẫn là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Võ Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HBA) phát biểu tại Diễn đàn sản xuất thông minh bền vững. Ảnh: VGP
Từ góc nhìn thực tiễn, ông Võ Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HBA) thẳng thắn chia sẻ: "Hiện nay, theo xu thế chung, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp còn rất chậm trong việc triển khai."
Theo ông Thân, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi vẫn còn hạn chế. "Nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, do thiếu lộ trình rõ ràng và hướng dẫn cụ thể. Cuối cùng, việc thiếu nguồn lực tài chính và kỹ thuật là rào cản lớn nhất khiến họ không thể chuyển đổi dù có mong muốn", ông Thân phân tích.
"Đặc biệt, trong hoạt động sản xuất hay khởi nghiệp nói chung, yếu tố tài chính luôn là điều kiện tiên quyết. Nếu không có cơ chế hỗ trợ cụ thể về vốn, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị để đáp ứng xu thế chuyển đổi", Chủ tịch HBA nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình ông Võ Sơn Điền - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Bình Dương, Giám đốc dự án KCN Khoa học và Công nghệ Riverside Bình Dương - Thuộc Becamex IDC, đồng thời là chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm trong phát triển Khu công nghiệp cũng chỉ ra ba điểm nghẽn đang cản trở quá trình chuyển đổi mô hình công nghiệp tại các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Đông Nam Bộ:
"Thứ nhất, chi phí đất đai và hạ tầng ngày càng cao, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận. Trong khi đó, những ngành sử dụng nhiều lao động hoặc giá trị gia tăng thấp sẽ dần phải dịch chuyển ra khu vực có chi phí thấp hơn như miền Trung hoặc đồng bằng sông Hồng", ông Điền chỉ ra.
"Thứ hai, thiếu cơ chế tài chính phù hợp, chúng ta chưa có cơ chế ứng vốn đất đai hay các quỹ phát triển hạ tầng dài hạn. Việc giải ngân chậm, thủ tục phức tạp, đặc biệt liên quan đến thủ tục pháp lý.
"Thứ ba, chính sách còn thiếu nhất quán và chưa bắt kịp thực tiễn. Ranh giới giữa 'khu công nghiệp sinh thái' và 'khu công nghệ cao' còn mơ hồ, gây lúng túng trong cấp phép và vận hành".
Ông Điền đề xuất cần có cơ chế "hậu kiểm" minh bạch và linh hoạt hơn thay vì tập trung "tiền kiểm" qua giấy phép.
Ông Võ Sơn Điền - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Bình Dương phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP
Chia sẻ về vai trò của cơ chế hỗ trợ, ông Võ Văn Thân cho biết: "Trước đây, TP. Hồ Chí Minh đã có một số cơ chế rất hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư cho chuyển đổi sản xuất. Cụ thể là chương trình kích cầu đầu tư từ ngân sách thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, chuyển đổi mô hình sản xuất thông thường sang sản xuất thông minh, bền vững".
Ví dụ điển hình là KCN Vĩnh Lộc, đã tham gia chương trình này để vay vốn đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp - một bước quan trọng trong tiến trình chuyển đổi xanh.
"Tôi hy vọng rằng sau quá trình sáp nhập địa giới hành chính gần đây, chính sách kích cầu này của TP.HCM sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi chuyển đổi", ông Thân bày tỏ.
Để giải quyết các thách thức nêu trên, đại diện Cục Chuyển đổi xanh chia sẻ, hiện nay Cục đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng các cơ chế hỗ trợ cụ thể, gồm 4 nội dung chính:
Xây dựng trung tâm hỗ trợ chuyển đổi công nghệ: Nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp xác định lộ trình và lựa chọn công nghệ phù hợp với yêu cầu mới.
Triển khai chương trình kiểm toán năng lượng, đánh giá vòng đời sản phẩm và dấu vết carbon: Thông qua các dự án hợp tác quốc tế và cơ chế tài chính xanh để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công cụ đo lường và nâng cấp năng lực vận hành.
Rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách: Trong đó có quy định về khu công nghiệp sinh thái, khu công nghệ cao, tiêu chuẩn xây dựng nhà máy xanh và các ưu đãi tín dụng, thuế cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi bền vững.
"Chúng tôi cũng kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các địa phương nhằm hình thành các gói hỗ trợ tổng thể, giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản chi phí ban đầu, nhất là trong các ngành sản xuất công nghiệp then chốt đang hoạt động trong và ngoài khu công nghiệp", ông Dũng đề xuất.
Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Bình Dương (BASI), ông Võ Sơn Điền nhận định rằng để phát triển công nghiệp bền vững, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, không thể thiếu một nền tảng kết nối mạnh mẽ giữa các chủ đầu tư, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và cơ quan hoạch định chính sách.
"Hiện nay, số lượng doanh nghiệp công nghệ trong khu công nghiệp còn rất hạn chế - dưới 100 doanh nghiệp ở khu vực phía Nam. Đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tiếp cận công nghệ còn yếu, thiếu sân chơi để thử nghiệm, kết nối hay tiếp cận hỗ trợ chính sách", đại diện Chủ tịch BASI chia sẻ.
Do đó, BASI kỳ vọng có thể trở thành nền tảng - "ngôi nhà chung" - giúp xây dựng các liên minh sản xuất thông minh, thúc đẩy chuyển đổi chuỗi cung ứng, hỗ trợ đào tạo nhân lực và phát triển các mô hình công nghiệp xanh.
BASI cũng cho rằng, nên có sự sự đồng hành của các chủ đầu tư lớn như Becamex, VSIP, Long Hậu... và các đối tác quốc tế để hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo, chia sẻ công nghệ và thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh gia tăng giám sát xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại và yêu cầu về minh bạch chuỗi cung ứng từ các thị trường lớn.
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội các Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Thân cho rằng rất cần có thêm các cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư đổi mới công nghệ, tư vấn và đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, kết nối doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu đồng thời phát triển trung tâm hỗ trợ chuyển đổi cho doanh nghiệp sản xuất.
Tán đồng quan điểm trên, Giám đốc điều hành Diễn đàn Sản xuất thông minh bền vững, bà Nguyễn Thị Kim Khánh – Tổng Giám đốc VIZ chia sẻ: "Chính vì thấy được sự cần thiết chung tay của HBA, BASI,.. hay Hiệp hội các ngành nghề sản xuất, hiệp hội tài chính,... cùng ngồi lại với nhau để tạo ra sự kết nối toàn diện, từ đó xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho các nhà máy chuyển đổi bền vững nên chúng tôi đã tổ chức Diễn đàn này".
Khẳng định cam kết đồng hành, ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh: "Chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh, bền vững là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, đây không thể là hành trình đơn độc của doanh nghiệp. Đó phải là nỗ lực chung của cả hệ sinh thái - bao gồm Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, tài chính."
"Bộ Công Thương cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe, tổng hợp ý kiến và đề xuất các chính sách phù hợp. Chúng tôi tin rằng với sự đồng lòng, sự chia sẻ và các cơ chế chính sách đúng hướng, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển đổi thành công để trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp xanh - thông minh của khu vực", ông Dũng khẳng định.
Bởi lẽ, việc chuyển đổi sản xuất thông minh bền vững không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để các nhà máy công nghệ cũ tại Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.