Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị lần này được tổ chức nhằm cung cấp thông tin tổng quan cho các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian gần đây, các cơ chế, chính sách phục hồi kinh tế - xã hội đang được triển khai thực hiện.
Chia sẻ tại Hội nghị, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh.
Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù để ứng phó kịp thời với dịch COVID-19.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm hỗ trợ tiến trình phục hồi và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật...
Chính phủ đang tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Chương trình phòng, chống dịch theo Nghị quyết 38/NQ-CP và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023...
TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ rõ, kinh tế thế giới hiện có 5 rủi ro, thách thức chính gồm: Đại dịch COVID-19 còn phức tạp; tình hình địa chính trị phức tạp khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán… biến động mạnh và khó đoán hơn; giá cả, lạm phát còn tăng; các nước thu hẹp các gói hỗ trợ, mua tài sản và tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp còn bị thu hẹp.
Việt Nam cũng bị tác động bởi các thách thức này, cùng với đó là những thách thức nội tại khác như: Sức cầu còn yếu, tốc độ phục hồi kinh tế-xã hội còn chậm; rủi ro lạm phát, nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng (mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát); doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là sau hai năm chống chịu với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19...
Do đó, nêu khuyến nghị một số giải pháp trong thời gian tới, đại biểu đề nghị, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, sửa đổi một số đạo luật quan trọng, xem xét gia hạn và điều chỉnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khung pháp lý cho kinh tế số, mô hình kinh doanh mới…
Cùng với đó, cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với những rủi ro, tác động bên ngoài; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập.
Lê Sơn