Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng, năm 2022 khách du lịch đến Quảng Bình có chuyển biến tích cực, trong đó có cả du khách quốc tế. Lợi thế của Quảng Bình là từ hang động đến tài nguyên, cảnh quan.
Về chủ trương của tỉnh Quảng Bình, trong Nghị quyết Đại hội Đảng của tỉnh trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tỉnh xác định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng.
BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan, các địa phương đã triển khai kế hoạch, chương trình hành động rất cụ thể để xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (bằng các nghị quyết, chương trình hành động động lực đột phá của tỉnh).
Về định hướng, sau khi đánh giá lại năm 2022, Quảng Bình xác định tiếp tục phát huy thế mạnh về hệ thống hang động độc đáo, kỳ vĩ, một trong những động được UNESCO vinh danh là Phong Nha – Kẻ Bàng, cùng với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên rừng và biển, hệ sinh thái đa dạng để phát triển sản phẩm du lịch khác biệt làm điểm nhấn và ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Cụ thể, tỉnh xác định sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch trải nghiệm thiên nhiên sinh thái, du lịch tham quan hang động, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao cấp cao.
Bên cạnh đó, bờ biển dài với các bãi tắm đẹp là điều kiện để du lịch biển phục vụ du khách cao cấp. Tỉnh sẽ xây dựng du lịch thành ngành dịch vụ tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, trọng tâm, trọng điểm, lan tỏa đến sự phát triển của các ngành dịch vụ khác, các địa phương trong địa bàn tỉnh. Nội dung này ông Thắng cho biết, tỉnh bám sát nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh gắn với cụ thể phát triển du lịch vùng.
Về giải pháp, Quảng Bình xác định sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch cho từng phân khúc thị trường mục tiêu. Cụ thể là phát triển đa dạng hàng hóa, thị trường khách du lịch, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, xây dựng văn hóa du lịch, đẩy mạnh chuyển dịch chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về du lịch.
Cũng tại Hội nghị, ông Thắng đề nghị với Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Hội nghị một số vấn đề:
Thứ nhất, Thủ tướng có các ban chỉ đạo về nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch và ban chỉ đạo du lịch cấp tỉnh. Đây là yếu tố rất quan trọng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với chính sách, cơ chế, khó khăn trong phát triển du lịch của đất nước, của từng địa phương trong đó có tỉnh Quảng Bình.
Thứ hai, đề nghị hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình sớm triển khai dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới. Nội dung này tỉnh Quảng Bình đã có báo cáo và xin Thủ tướng Chính phủ nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới với mục tiêu xã hội hóa.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cho phép áp dụng biện pháp thí điểm visa điện tử tại các cảng hàng không nội địa có chuyến bay quốc tế để tạo điều kiện tăng chuyến bay, đáp ứng nhu cầu khách du lịch đến các địa phương trong cả nước cũng như Quảng Bình.
Đề nghị Chính phủ ban hành quy định chi tiết thực hiện dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí, trong đó làm rõ việc chuyển tiếp các dự án đã được thực hiện.
Ngoài ra, Quảng Bình có cửa khẩu Cà Roòng, đề nghị nâng cấp cửa khẩu này thành cửa khẩu quốc tế và liên kết tổ chức các sản phẩm du lịch xuyên biên giới Phong Nha Kẻ Bàng – Hin Nậm Nô (Lào).
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Khánh Hòa là một trong những địa phương được thí điểm hộ chiếu vaccine trong lúc dịch bệnh còn rất căng thẳng và ngay sau chính sách phục hồi kinh tế và bắt đầu thực hiện mở rộng du lịch quốc tế từ 15/3/2022. Đối với Khánh Hòa, du lịch luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm nay, tăng trưởng của Khánh Hòa dẫn đầu cả nước, 20,7%. Hiện nay, lượng khách quốc tế từ Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh, Kazakhstan, Malaysia là những thị trường Khánh Hòa đã khôi phục được.
Đặc biệt thị trường Hàn Quốc, hiện nay đã có 7 hãng bay trong nước của Hàn Quốc trực tiếp đến sân bay Cam Ranh và trong tổng số 750.000 khách Hàn Quốc đến Việt Nam thì Khánh Hòa trong thời gian qua đã đón được 150.000 khách. Khách lưu trú hơn 2,5 triệu và đã có hơn 6 triệu lượt khách đến thăm Khánh Hòa trong thời gian vừa qua. Đóng góp doanh thu du lịch năm 2022 đạt gần 14.000 tỷ đồng và gấp 5,7 lần so với năm 2021.
Để phát triển du lịch, đặc biệt du lịch quốc tế vào Việt Nam, Khánh Hòa đề xuất có giải pháp tháo gỡ một số vấn đề Khánh Hòa đang gặp khó khăn.
Thứ nhất là chính sách miễn thị thực vào Việt Nam. "Chúng tôi rất phấn khởi khi nghe VNPT thông báo chương trình công tác quản lý người nước ngoài thế nào trên địa bàn. Đây là vấn đề chúng tôi thấy khúc mắc vì vấn đề quản lý người nước ngoài trên địa bàn khi tham gia các hoạt động du lịch là nhu cầu bức thiết để có thể bảo đảm an ninh quốc phòng", ông Tuân nêu ý kiến và mong muốn Chính phủ chỉ đạo tốt công tác này.
Vấn đề thứ hai là công tác truyền thông. Ông Tuân cho rằng, thị trường Việt Nam, thị trường các địa phương chưa được quảng bá sâu rộng trên thế giới. "Chúng ta đang truyền thông Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, chúng ta xác định là thị trường tỉnh này, thị trường tỉnh khác là điểm đến an toàn nhất. Tuy nhiên khi khách đến đó mà không thấy an toàn thì cũng là dấu hỏi đặt ra cho công tác truyền thông của chúng ta. Do đó, truyền thông phải toàn cục và phải kêu gọi Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện trong điều kiện là chúng ta sẽ làm tốt công tác quản lý về du lịch trên địa bàn các tỉnh", ông Tuân kiến nghị.
Thứ ba, ông Tuân đề cập đến vấn đề hạ tầng giao thông. Hiện nay các tỉnh, thành phố lớn đang rất khó trong việc di chuyển khách từ điểm tham quan này đến điểm khác hoặc tổ chức các hoạt động ngoài trời. Bản thân tại TP. Nha Trang, các doanh nghiệp cũng rất phàn nàn tại sao xe 29 chỗ không được vào trung tâm Thành phố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lợi ích phải hài hòa, rủi ro phải chia sẻ. Nếu ưu tiên cho khách du lịch thì chắc chắn ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.
Thứ tư, phải nghiên cứu để có những sản phẩm du lịch đặc sắc, sản phẩm biển, sản phẩm núi rừng, các khu du tích… của Việt Nam cũng như trên địa bàn Khánh Hòa.
Thứ năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phải nghiên cứu để làm sao các địa hương có thể tổ chức tốt đề án phát triển kinh tế đêm.
Thứ sáu là vấn đề nhân lực. Trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng, giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu mô hình đào tạo như thế nào cho thật sự hợp lý. Có như vậy mới bảo đảm đáp ứng nhu cầu của khách. Thông qua hoạt động này, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam mới được khách quan tâm. Nếu chuẩn bị tốt về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thì Việt Nam sẽ thành công.
Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, Lâm Đồng là một trong những địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước. Trong năm 2022, về cơ cấu kinh tế, dịch vụ và thương mại đã chiếm 42%, tạo ra sản phẩm về giá trị tuyệt đối là 14.500 tỷ đồng. Có thể nói sau 2 năm đại dịch, tới năm 2022, tỉnh đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Tỉnh kỳ vọng đến năm 2023, đối với khách nội địa cơ bản ổn, lượng khách quốc tế năm 2023 sẽ quay lại thời "vàng son" đạt 540.000 khách.
Để có kết quả tốt của năm 2022, tỉnh đã có nhiều chuẩn bị từ trước đó. Thứ nhất sau khi có chủ trương phục hồi kinh tế tháng 10/2021, tỉnh đã xây dựng ngay kế hoạch để chuẩn bị cho năm 2022. Đến thời điểm hiện nay, sau chỉ tiêu nghị quyết đại hội đặt ra là 5 triệu lượt khách thì tỉnh Lâm Đồng đã đón tiếp 7 triệu lượt khách, trong đó có 150.000 khách du lịch nước ngoài. Để đạt được những thành công như vậy, trước hết tỉnh vận động khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn rà soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, từ đó liên kết, hợp tác hình thành các tour khép kín để khôi phục, bảo đảm chuỗi cung ứng liên quan du lịch, thương mại.
Thứ hai, ngay từ đầu năm, tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, trải đều các hoạt động mang tính lễ hội, sự kiện, văn hóa…
Thứ ba, chủ động tổ chức các tour, tuyến đặc biệt, khai thác nguồn khách du lịch quốc tế đến với Lâm Đồng sau đại dịch COVID-19. Từ tháng 8, Lâm Đồng khôi phục lại nhiều chuyến bay quốc tế từ Incheon, Jeju… Hàn Quốc, từ Bangkok, Thái Lan; từ Kuala Lumpur, Malaysia đến cảng hàng không Liên Khương. Một ngày trung bình khoảng 33 chuyến bay nội địa, 8 chuyến bay quốc tế, cao điểm có lúc 70 lượt cất, hạ cánh trong một ngày.
Lâm Đồng cũng làm khá tốt công tác quảng bá xúc tiến du lịch với nhiều hình thức, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đặc biệt, Lâm Đồng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch để xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng an toàn, văn minh, thân thiện.
Trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ triển khai một số việc. Thứ nhất, Tỉnh ủy đã có nghị quyết chuyên đề vào tháng 7/2022 để nâng cao, phát triển du lịch tới năm 2025, định hướng tới năm 2030, sẽ phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch và triển khai có hiệu quả đề án phát triển kinh tế ban đêm.
Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại đồng bộ với phát triển du lịch. Trước mắt là quyết liệt hoàn thiện thủ tục để khởi công và triển khai các dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương và nâng cấp cảng hàng không Liên Khương lên quy mô cảng hàng không quốc tế.
Thứ ba, thúc đẩy nghiên cứu thị trường. Bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, lãnh đạo tỉnh cũng tranh thủ đi xúc tiến về giới thiệu nông sản của Lâm Đồng gắn với quảng bá du lịch Lâm Đồng ở Mỹ, Pháp, Anh, Australia.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, và hình thành thêm các khu du lịch mới với tinh thần xã hội hóa và hỗ trợ tối đa về thủ tục, điều kiện để người dân, doanh nghiệp có những sản phẩm du lịch mới.
Thứ năm là phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sau ngày 15/3, Thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tổng thể để khôi phục thị trường du lịch của Hà Nội, đặc biệt là sự vào cuộc rất quyết liệt của các sở, ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong năm 2022, Thành phố đã triển khai 172 chuỗi hoạt động liên quan đến du lịch, văn hóa, gây sự chú ý lớn, tạo kích cầu trong thị trường du lịch. Các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và được đông đảo du khách đón nhận.
Trong 9 tháng của năm 2022, Hà Nội đã thu hút được 18,7 triệu lượt du khách, trong nước là 17,2 triệu; quốc tế là 1,5 triệu và doanh thu trực tiếp từ du lịch khoảng 60.000 tỷ đồng.
Ông Thanh đồng tình với những kiến nghị mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương, các doanh nghiệp đưa ra. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng cần tập trung mạnh vấn đề visa và mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.
Thứ hai, kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch sau COVID-19.
Thứ ba là vấn đề quảng bá. Trong mấy năm vừa rồi, đặc biệt là trước COVID (2018, 2019), Hà Nội đã phối hợp với CNN để làm quảng bá. Việc này đã làm rất tốt và cũng mang được hình ảnh của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới.
Ông Thanh đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung truyền bá hình ảnh của Việt Nam thông qua hãng truyền thông lớn, các tỉnh có trách nhiệm đóng góp, như vậy vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.
Thúy An