Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm, nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, chất lượng phục vụ trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp DVCTT cho người dân, doanh nghiệp đã được nâng lên, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong việc thực hiện Đề án 06.
Cụ thể, đã cung cấp 4.463 DVCTT trong tổng số 6.409 TTHC (chiếm 69,6%) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án 06 và 18/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã thực hiện toàn trình trên cơ sở tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện, hằng năm tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.
Công tác thực hiện số hóa dữ liệu trong thực hiện TTHC được đổi mới, tạo điều kiện căn bản cho việc tái cấu trúc quy trình, xây dựng DVCTT thông minh, thân thiện. 8 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ số hóa tại các bộ đạt 43,3%, tăng 23% so với năm 2023, địa phương đạt 64,2% tăng 35% so năm 2023; tỉ lệ cấp kết quả điện tử tại các bộ đạt 43,5%, tăng 23,2% so với năm 2023, địa phương đạt 61%, tăng hơn 26% so với năm 2023.
Phương thức theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công được đổi mới, dựa trên dữ liệu, theo hướng cá thể hóa trách nhiệm giúp Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Mức độ hài lòng trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công của địa phương 8 tháng đầu năm 2024 đạt 93%, tăng 2% so với năm 2023.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, là ngành có quy mô lớn, với hơn 24 triệu người học, gần 1,5 triệu nhà giáo và cán bộ, Bộ GDĐT xác định thực hiện DVCTT là nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh CCHC, mang lại sự thuận tiện cho người học, nhà giáo, phụ huynh và người dân khi tham gia các TTHC trong ngành.
Với hàng trăm TTHC của ngành giáo dục, bộ đã chọn ra những TTHC có nhiều người tham gia nhất để ưu tiên số hóa thành các DVCTT.
Ngành GDĐT có 2 kỳ thi lớn hàng năm đó là: Thi tốt nghiệm THPT (với trên 1 triệu thí sinh) và xét tuyển vào các trường đại học (trên 700.000 thí sinh đăng ký xét tuyển). Đây là 2 kỳ thi có quy mô lớn nhất trong cả nước, với hàng triệu thí sinh tham gia và dành được sự quan tâm đặc biệt từ các thí sinh, gia đình và xã hội. Bộ ưu tiên và thực hiện chuyển đổi số để thực hiện DVCTT đối với 2 kỳ thi này.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh được cấp một tài khoản theo mã căn cước công dân để tự thực hiện đăng ký hồ sơ dự thi, 100% thí sinh học lớp 12 thực hiện trực tuyến việc này.
Đối với kỳ xét tuyển vào đại học, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngành giáo dục triển khai DVCTT về đăng ký xét tuyển đại học. Mỗi thí sinh được cấp một tài khoản (có thể dùng tài khoản định danh VneID) để đăng ký các nguyện vọng xét tuyển (chọn nguyện vọng cần đăng ký, chọn trường, ngành và phương thức xét tuyển), đóng lệ phí xét tuyển trực tuyến (được kết nối với hệ thống thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia). Hệ thống xét tuyển chung (trực tuyến) sẽ công bố kết quả trúng tuyển, các thí sinh sẽ đăng ký nhập học qua trực tuyến.
Năm 2024, hoàn thành DVCTT với hơn 730.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, hơn 4,5 triệu nguyện vọng đăng ký, hơn 700.000 giao dịch đóng lệ phí trực tuyến. Toàn bộ quy trình đăng ký, nộp lệ phí, xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện trực tuyến. Việc này đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí, công sức đi lại của các thí sinh, mang đến sự công khai, minh bạch và hiệu quả cho công tác tuyển sinh đại học hàng năm. Mỗi thí sinh khi trải nghiệm tham gia DVCTT sẽ góp phần nâng cao năng lực số và nhận thức về trách nhiệm công dân với các DVCTT của Chính phủ.
Ứng dụng iHanoi-cầu nối gắn kết chính quyền với người dân, doanh nghiệp
Chia sẻ về "Kết quả triển khai Kênh tương tác số giữa chính quyền Thành phố với người dân qua ứng dụng iHanoi", ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội tập trung xây dựng nền tảng ứng dụng công dân thủ đô số (iHanoi), xác định iHanoi phải là một siêu ứng dụng mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tương tác, chia sẻ, khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Nền tảng ứng dụng iHanoi bao gồm phân hệ chức năng như phản ánh hiện trường, phản ánh về thủ tục hành chính, đăng ký lịch tiếp công dân, tiện ích đô thị thông minh, truyền thông, tin tức, sáng kiến, góp ý…
Với quyết tâm chính trị "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", ngày 5/7/2024 TP. Hà Nội ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo triển khai iHanoi đồng bộ, thống nhất trên địa bàn toàn Thành phố.
Sau 2 tháng triển khai thực hiện (từ ngày 28/6 đến 28/8) ứng dụng iHanoi đã tiếp nhận 5.631 phản ánh, kiến nghị. Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Thành phố và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, số phản ánh xử lý đúng hạn đạt trên 70% (3.940/5.631 phản ánh), trong đó, số phản ánh xử quá hạn 69 phản ánh, chiếm tỉ lệ 0,017 %, số phản ánh còn lại vẫn còn đang trong hạn xử lý là 29,98%.
Nền tảng iHanoi được xây dựng, thiết kế thân thiện, trực quan, dễ sử dụng với nhiều tính năng hữu ích phục người dân, doanh nghiệp, dễ tải, dễ cài đặt, tính đến thời điểm hiện tại đã có 780.906 người dân, doanh nghiệp; 100% công chức, viên chức, người lao động thuộc Thành phố cài đặt, tạo tài khoản trên iHanoi; đã cấp 6.215 tài khoản công chức, viên chức tham gia tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Số góp ý, sáng kiến xây dựng Thủ đô là 468 ý kiến; số nội dung truyền thông, cảnh bảo là 584 tin; số nội dung tuyên truyền cảnh báo về tội phạm là 22 tin; số lượt truy cập iHanoi trên 6 triệu lượt (6.043.706 lượt); đã tích hợp 2,5 triệu sổ sức khỏe điện tử từ hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố liên iHanoi phục vụ người dân tra cứu.
Có thể nói, ứng dụng iHanoi ra đời với thông điệp "Chạm để kiết nối" đã trở thành cầu nối quan trọng gắn kết chặt chẽ chính quyền với người dân, doanh nghiệp bước đầu được người dân đón nhận và đánh giá cao nỗ lực của Thành phố trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả.
Với tham luận về giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh hồ sơ trực tuyến toàn trình, theo đại diện lạnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyển đổi số trên các mặt và đạt được những kết quả tích cực.
Kết quả rõ nét nhất là đã duy trì hoạt động hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Nam, đảm bảo cung cấp 100% các DVCTT đủ điều kiện lên toàn trình, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hiện tại xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó đứng đầu cả nước về tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình: đạt 66,6% (trung bình cả nước đạt 17%). Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 84,1% (trung bình cả nước đạt 53,8%). Tỉ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 75,6% (trung bình cả nước đạt 48,4%). Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 93,4% (trung bình cả nước đạt 64,5%).
Hà Nam là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên (cùng với Hà Nội) thực hiện thí điểm triển khai 02 nhóm dịch vụ công liên thông từ ngày 22/11/2022. Sau thời gian thí điểm, đã thực hiện chính thức và hiện nay đang hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Hà Nam là tỉnh thứ 9 hoàn thành kết nối liên thông Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Hà Nam với các phần mềm liên quan để thực hiện 02 nhóm dịch vụ công liên thông trên theo yêu cầu của Chính phủ (hiện nay có 36/63 tỉnh hoàn thành kết nối).
Với tham luận "Giải pháp thúc đẩy người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế", ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2024, tổng số hồ sơ dịch vụ công đã giải quyết của tỉnh là hơn 271.000 hồ sơ, trong đó 165.000 hồ sơ DVCTT (đạt 61%); số hồ sơ thanh toán không dùng tiền mặt là 44.000 hồ sơ (đạt 16%); số hồ sơ được người dân đăng ký trực tuyến trên ứng dụng di động Hue-S là hơn 8.300 hồ sơ (đạt 5%).
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng DVCTT.
Cụ thể, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc giảm mức thu lệ phí khi thực hiện TTHC thông qua DVCTT trên địa bàn tỉnh; rà soát, kiến nghị phương án đơn giản hóa 32 TTHC thuộc 20 lĩnh vực; cắt giảm thời gian giải quyết khi nộp hồ sơ trực tuyến 138 thủ tục của 15 sở (trong đó có 10 thủ tục có tỷ lệ cắt giảm thời gian giải quyết trên 40%); cập nhật, công khai 1.921 TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia và bãi bỏ 848 TTHC.
Hiện nay, đã tích hợp 2.104 DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% TTHC thuộc thẩm quyền quản lý đã được thiết lập quy trình nội bộ, quy trình điện tử và được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.
Hoàn thiện và cung cấp chức năng thực hiện DVCTT, tích hợp chữ ký số và thanh toán trực tuyến trên ứng dụng di động công dân số của tỉnh (Hue-S); là một trong những địa phương tiên phong phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06) - Bộ Công an để hoàn thành kết nối Hệ thống định danh và xác thực điện tử và chuyển đổi sử dụng thống nhất tài khoản định danh điện tử (VNeID) cho tất cả nền tảng số của tỉnh.
Ngoài ra, để nâng cao tỉ lệ DVCTT, tỉnh đã thành lập 141 tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã, hơn 1.200 tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp thôn/tổ dân phố và hơn 1.200 Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện DVCTT…
Nhật Anh