Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, chiều 21/9, Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank) Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết ngay từ đầu năm, Sacombank đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN để xây dựng các chính sách, định hướng nội bộ nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng một cách an toàn, hiệu quả.
Kết quả, đến 31/8, đã cho vay sản xuất kinh doanh đạt 347 ngàn tỷ đồng, tăng gần 25 ngàn tỷ, chiếm 67% dư nợ tăng thêm. Trong đó cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt gần 165 ngàn tỷ, tăng 15 ngàn tỷ so đầu năm. Cho vay lĩnh vực bất động sản đạt 104 ngàn tỷ đồng, tăng 9 ngàn tỷ, tăng 9,8%, trong đó có gần 50% dư nợ là cho vay tiêu dùng bất động sản. Cho vay tiêu dùng đạt hơn 57 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3 ngàn tỷ, tăng 6,2%.
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Sacombank đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Đó là quản trị chặt chẽ chi phí vốn, kéo giảm lãi suất huy động 1,2% so đầu năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay gần 1,5%. Như vậy, Sacombank đã hy sinh một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng. Thực tế, lãi suất giải ngân hiện nay tại Sacombank chỉ quanh mức 7,5%/năm (trong đó khách hàng cá nhân là 7,9% và doanh nghiệp là 7%).
Triển khai 100 ngàn tỷ đồng các gói cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 3-6,5%, với doanh số giải ngân đạt 130 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 33 ngàn lượt khách hàng. Trong đó, đối với chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực Lâm, Thủy sản với hạn mức 3.000 tỷ đồng, Sacombank đã giải ngân cho 2.053 lượt khách hàng với doanh số 4.168 tỷ đồng.
Về nguyên nhân và các khó khăn, vướng mắc dẫn đến tín dụng vẫn tăng chậm, theo lãnh đạo Sacombank, dù đã áp dụng nhiều giải pháp và cơ chế thúc đẩy, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng toàn ngành nói chung và Sacombank nói riêng vẫn chưa đạt kỳ vọng do một số khó khăn vướng mắc như: Nhu cầu vốn vẫn khá thấp do tình hình xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chưa hồi phục. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay.
Bên cạnh đó, thu nhập của người mua bất động sản giảm, trong khi nguồn cung phục vụ nhu cầu để ở với giá thành hợp lý chưa đáp ứng. Các công ty/dự án bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn khi pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng.
Ngoài yếu tố thu nhập người dân giảm sút do kinh tế khó khăn, yếu tố bùng phát các loại hình cho vay qua ứng dụng với điều kiện cho vay nới lỏng, không cần tài sản thế chấp đã chia số thị phần tín dụng tiêu dùng nên tín dụng tiêu dùng tăng chậm.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm đã nêu một số giải pháp và đề xuất, kiến nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Về giải pháp, cần tiếp tục kéo giảm chi phí vốn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn. Triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề cần thúc đẩy theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề (Hiệp hội bất động sản, Hiệp hội Điều, Cà phê, Mắc ca…) triển khai các cơ chế về sản phẩm, lãi suất ưu đãi để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tăng trưởng dư nợ.
Tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng ở mức độ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tinh gọn quy trình, quy chế nội bộ trong cấp phát tín dụng; Ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ, giúp giảm thời gian giao dịch, gia tăng trải nghiệm khách hàng, tăng tính an toàn trong giao dịch.
Tổng Giám đốc Sacombank kiến nghị tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng kích thích tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện các giải pháp giảm thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp cho cầu tiêu dùng, giúp tăng sức mua nền kinh tế.
Bên cạnh đó, rất cần có sự truyền thông từ cấp Nhà nước để tạo sự an tâm, tính cần thiết, tính quảng bá về sự an toàn/thuận tiện khi giao dịch các kênh số để tất cả người dân hưởng ứng và thực hiện.
Ngoài ra, các tổ chức trung gian thanh toán xem xét giảm phí để chung tay cùng ngân hàng thương mại miễn phí cho người dùng.
Cuối cùng, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm theo Luật Tổ chức tín dụng năm 2024 (ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn, xem xét các biện pháp thay thế biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm). Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết hơn về việc khởi kiện đối với việc cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm qua App.
Phương Liên