Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khi khám chữa bệnh BHYT, người dân cần xuất trình giấy tờ gì; nếu quá lịch hẹn tái khám thì sẽ được giải quyết như thế nào... là một số nội dung được các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước rất quan tâm tại Hội nghị triển khai Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Nghị định 75), do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/11.
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), trước đây, người dân đi khám chữa bệnh BHYT thì cần xuất trình thẻ BHYT có ảnh, trường hợp không có ảnh thì phải xuất trình kèm theo một trong các giấy tờ tuỳ thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
Nghị định 75 quy định, khi khám chữa bệnh BHYT, người dân có 3 lựa chọn gồm: xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân hoặc sử dụng căn cước công dân có gắn chip.
Đối với giấy hẹn khám lại, nếu như trước đây quy định loại giấy tờ này chỉ dùng trong 10 ngày thì với quy định mới, nếu không thể tái khám đúng hẹn, người dân có thể liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh để đăng ký lại lịch khám phù hợp.
Trường hợp đến tái khám muộn hơn 10 ngày thì giấy này không còn giá trị sử dụng. Người dân phải đăng ký khám mới lại.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, quy định này giúp người bệnh đảm bảo lịch tái khám đúng hẹn, nếu quá thời gian này sẽ ảnh hưởng đến chính sức khoẻ của người bệnh.
Thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Nghị định 75 có thay đổi quan trọng trong việc quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Nghị định đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 1/1/2019.
Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố; thực hiện thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT tới cơ sở khám chữa bệnh để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí khám chữa bệnh BHYT trong năm, nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.
Bên cạnh đó, Nghị định số 75 cũng bổ sung đối tượng và hỗ trợ mức đóng tham gia BHYT đối với người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo.
Nghị định cũng bổ sung, nâng mức hưởng BHYT của một số nhóm đối tượng gồm:
Nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng;
Bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và một nhóm đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
"Các quy định mang tính chất đổi mới của Nghị định thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động quản lý nhà nước về BHYT", lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.
Hiền Minh