• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nhiều giải pháp giúp sinh viên cử tuyển có việc làm

(Chinhphu.vn) - Theo ý kiến của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, hiện nay chất lượng đầu vào của sinh viên hệ cử tuyển, sinh viên thuộc các huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP) còn thấp, việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng.

29/09/2013 10:02

Ảnh minh hoạ
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các giải pháp để nâng cao chất lượng sinh viên hệ cử tuyển, sinh viên thuộc các huyện nghèo; đồng thời đề nghị Bộ có cơ chế chính sách riêng cho các tỉnh Tây Nguyên để tạo việc làm cho các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số ra trường có việc làm ổn định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời nội dung chất vấn trên của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền như sau:

Nâng cao chất lượng sinh viên hệ cử tuyển, xét tuyển

Thực hiện chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương vùng kinh tế - xã hội khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện chính sách cử tuyển đối với học sinh người dân tộc từ năm 1990 và thực hiện xét tuyển thẳng học sinh thuộc 62 huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ) vào học đại học, cao đẳng từ năm 2012.  

Để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên hệ cử tuyển, xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao các nhà trường tổ chức cho sinh viên các hệ này học từ 1 đến 2 năm dự bị trước khi vào học chương trình đại học, cao đẳng chính khóa để bổ sung kiến thức phổ thông đối với các môn thuộc khối tuyển sinh của chuyên ngành đào tạo và một số môn phụ trợ (ví dụ: với học sinh tuyển sinh khối A thì các môn phụ trợ là Văn - Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tin học;…).

Trong quá trình đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn yêu cầu các nhà trường quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em sinh viên hệ cử tuyển, xét tuyển chủ động hòa đồng trong học tập và sinh hoạt; chú ý bồi dưỡng ý chí khắc phục khó khăn; giúp đỡ các em về phương pháp học tập, phương pháp nghiên cứu khoa học để giúp các em có kiến thức, kỹ năng vững vàng sau khi ra trường.

Có chính sách ưu tiên tuyển dụng sinh viên hệ cử tuyển

Theo quy định của Nghị định 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách cử tuyển, UBND các tỉnh căn cứ nhu cầu cán bộ của mình để xác định số lượng và ngành nghề cử học sinh đi học và bố trí việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, việc bố trí việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển sau tốt nghiệp gặp khó khăn do một số nguyên nhân sau:

- Một số địa phương chưa xây dựng được quy hoạch, kế hoạch tổng thể về đào tạo và sử dụng cán bộ, dẫn đến việc xác định nhu cầu về số lượng và ngành nghề đào tạo theo hình thức cử tuyển chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Ở một số địa phương chưa có cơ quan/cán bộ chuyên trách việc phối hợp với các cơ sở đào tạo để theo dõi, quản lý quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên hệ cử tuyển và chuẩn bị trước kế hoạch sử dụng ngay sau khi các em tốt nghiệp.

- Trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế trong nước, việc bố trí việc làm cho sinh viên vừa tốt nghiệp càng trở nên khó khăn hơn.

Để góp phần khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện các giải pháp sau:

- Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong việc lập và thực hiện kế hoạch cử tuyển hàng năm nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng nhu cầu ngành nghề và nâng cao chất lượng cử tuyển; gắn cử tuyển với địa chỉ sử dụng; ưu tiên cử tuyển học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú vào các trường đại học, cao đẳng; có chính sách ưu tiên trong việc tuyển dụng công chức, viên chức đối với các sinh viên hệ cử tuyển.

- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình, ngành nghề đào tạo cho phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương và nhu cầu xã hội.

- Phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để chỉ đạo các địa phương xét duyệt, cân đối chỉ tiêu cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của địa phương và nâng cao chất lượng.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các địa phương chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP, để từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hơn chính sách này.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân