Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh. |
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Tôi cho rằng, ĐH lần này có nhiều điểm mới và thực sự đã đạt được kết quả. Đó là những cam kết từ người đứng đầu của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nhấn mạnh đến nguyên tắc lãnh đạo của Đảng là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chứ không thể cá nhân độc đoán, chuyên quyền.
Thứ hai là đường hướng phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn tiếp theo cũng đã được ĐH chỉ ra rất rõ trong kết luận ĐH, đó là vừa đạt tăng trưởng cao hơn, vừa chú trọng chất lượng tăng trưởng gắn với mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, phát huy vai trò của thị trường và các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, vai trò của khoa học công nghệ và nhân tố con người, đồng thời đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tôi cho rằng, định hướng này là phù hợp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
ĐH bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, với nhiều gương mặt trẻ. Ông có cho rằng, sức trẻ sẽ tạo ra nhiều kỳ vọng hơn cho chúng ta trong những giai đoạn phát triển tiếp theo?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Tôi nghĩ cán bộ già hay trẻ thì không phải là vấn đề cần đưa ra so sánh, nhấn mạnh nhiều. Bởi vì, để được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương thì các đại biểu đều phải đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể rồi. Thêm nữa, cán bộ già có cái lợi là người ta chín chắn, đã trải nghiệm, kinh qua thực tiễn; người trẻ thì có sức trẻ, tri thức mới, nhưng lại cần phải được thử thách qua thực tiễn để khẳng định sự chín chắn, kinh nghiệm. Tôi cho rằng, tốt hơn hết là có sự kế thừa, tương hỗ giữa hai thế hệ cán bộ, lãnh đạo. Vấn đề còn lại là cơ chế, nguyên tắc quản lý thế nào để sử dụng đúng người, đúng việc, tạo nên động lực cho mọi ngành nghề của đất nước tiến lên.
Tại ĐH, đại biểu Bùi Quang Vinh có đưa ra dẫn chứng về việc thu nhập bình quân đầu người của nước ta có thời điểm xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 Thái Lan. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh đã được nhiều báo đăng toàn văn, cũng đã bình luận nhiều. Tôi xin không nhắc lại, nhưng từ ý này của đại biểu Vinh, tôi đặt ra câu hỏi “Tại sao đất nước ta vẫn còn tụt hậu xa so với thu nhập trung bình của thế giới?”. Tôi xin trả lời ngay là do giảm sút một cách nghiêm trọng động lực xã hội. Chúng ta hãy nhìn trường hợp Đà Nẵng vừa qua “cực chẳng đã” phải kiện ra tòa nhiều nhân tài ra nước ngoài không trở lại cống hiến cho Thành phố như cam kết. Thực ra, tôi nghĩ có nhiều địa phương như Đà Nẵng, cả Hà Nội lẫn TPHCM, đều gặp phải, nhưng chưa công khai ra thôi. Vậy tại sao lớp trẻ, người tài lại chưa sẵn sàng về nước cống hiến? Chúng ta phải lý giải cho được.
Tôi nhớ thời điểm năm 1986, khi chúng ta vạch ra chiến lược đổi mới đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần đến làm việc ở Ủy ban Khoa học Kỹ thuật TPHCM, tôi nói với Đại tướng đại ý là chúng ta đang phải đối diện với chủ nghĩa kinh nghiệm và vì thế Trung ương nhất định phải nhận thức không dẫm vào vết xe đổ này khi vạch ra đổi mới, bởi vì cứ làm theo kinh nghiệm thì khó mà phát triển, chắc chắn sẽ đi sau các nước. Quay trở lại vấn đề tôi nói ban đầu là động lực xã hội, hay sức chiến đấu giảm sút. Các triệu chứng rất rõ, chẳng hạn báo chí có đăng tải mấy năm nay nhiều hiện tượng tiêu cực tương tự như chạy chọt xin việc. Rõ ràng, đây là bệnh bệnh nan y, muốn chữa bệnh phải xem lại cơ chế. Ở đây lại đặt ra vấn đề tham ô, tham nhũng cùng nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã hội đã và đang tác động đến niềm tin, động lực cống hiến của người dân, xã hội. Tôi nghĩ rằng, Đảng và Nhà nước sau ĐH lần này cần tiếp tục làm rõ và làm sao để Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của chúng ta thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả để lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng, vào chính quyền.
Vấn đề dân số vàng cũng được các đại biểu đặt ra là một yếu tố tác động quan trọng để tạo ra động lực phát triển. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Có đại biểu cũng đã trình bày ở ĐH rồi, đại ý là Việt Nam chúng ta đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng, bắt đầu từ 1970, thường kéo dài 50 năm mà khoảng 2020-2025 là hết cơ hội. Và đại biểu cũng đã chỉ ra là như vậy chỉ còn tối đa 10 năm thời kỳ mà dân số ở độ tuổi lao động cao nhất, sau đó giảm dần.
Tôi cho rằng đây cũng là một cảnh báo rất quan trọng. Nhưng như tôi có đặt vấn đề ở trên là động lực xã hội mới là cái chúng ta đang rất lo, nói khác đi là vấn đề: Mục tiêu của cuộc sống là gì? Cái này nhiều bạn trẻ hiện nay chưa xác định được hoặc các quyết sách trọng tâm của chúng ta chưa tạo ra động lực cụ thể để thu hút nhân lực trẻ. Chính vì vậy, nếu động lực giảm thì dân số có vàng và nguồn lao động trẻ thiếu định hướng rõ ràng thì cũng khó đẩy kinh tế phát triển đúng với nội lực.
Ở trên ông có nói đến vấn đề cấp thiết là phải đổi mới thể chế kinh tế?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Như tôi phân tích ở trên thì ngoài 3 trụ cột: Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường; thúc đẩy DN trong nước phát triển và nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Có đại biểu đã nhắc đến 3 trụ cột này, tôi cho rằng là xác đáng, bởi vì đây là 3 vấn đề nổi cộm nhất của chúng ta để tìm hướng đổi mới thể chế kinh tế. Tôi cho rằng, một nền kinh tế phát triển cần phải là một nền kinh tế khỏe mạnh. Mỗi quốc gia có đặc điểm riêng nhưng phải đồng bộ mỗi ngành mỗi nghề, dựa vào đặc thù về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người, khoa học-kỹ thuật để hướng đến chuẩn của một nền kinh tế phát triển.
Đặc điểm đất nước ta là nền kinh tế nông nghiệp, tỉ trọng đóng góp của ngành này hiện nay 60-70% nhưng vì năng suất thấp, kỹ thuật canh tác còn thấp nên đóng góp GDP còn thấp (không quá 30%). Trước đây, chúng ta luôn tự hào rừng vàng biển bạc, ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên rất lớn, sắt có, mỏ vàng miêu có, đồng, bạc, chì đều có. Cái này đúng, thế nhưng không thể dựa hoàn toàn vào tài nguyên thô vì khó mà phát triển bền vững được. Đã đến lúc, nền kinh tế phải từ bỏ việc xuất thô, vì xuất quặng, xuất lúa thô, xuất cà phê hạt hoài thì không được. Rồi ngay như chủ trương công nghiệp hóa nông thôn là đúng nhưng làm kiểu gì thì không dàn hàng ngang để tiến được. Nông thôn mới cũng vậy, phải linh hoạt, phù hợp đặc điểm từng địa phương, từng ngành, không thể cứng nhắc tiêu chí chung.
Ông có cho rằng vấn đề nợ công sẽ còn là vấn đề đáng lo trong những năm tiếp theo?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Từ kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XIII tôi đã tham vấn về vấn đề nợ công. Tôi cho rằng tình trạng nợ công còn là vấn đề Nhà nước tiếp tục phải suy ngẫm làm sao cho an toàn. Bởi vì, an toàn là phải có khả năng trả nợ đến hạn. Nhưng như chúng ta chứng kiến những năm vừa qua, mỗi năm chúng ta phát hành hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ để đảo nợ. Có thời điểm chúng ta dự kiến vào năm 2020 phát hành đến 290.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ để đảo nợ. Như vậy, nếu chỉ đủ để trả nợ thôi thì rất khó để bàn đến việc có thể đầu tư thêm. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thể nào khắc phục hụt thu ngân sách lớn trong điều kiện hiện nay.
Ông có hiến kế gì về vấn đề nợ công, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Nên trở lại chuyện chênh lệch giữa GDP và GNI. Có lẽ mọi người đều biết ngoài GDP ra, người ta còn tính GNI để biết chính xác hơn công dân một nước làm ra bao nhiêu (loại trừ thu nhập của công dân nước ngoài đang kinh doanh trong nước). Trong khi GDP (tổng sản phẩm quốc nội) tính theo địa bàn lãnh thổ thì GNI (tổng thu nhập quốc dân) tính theo công dân hay pháp nhân của một nước, bất kể họ đang ở đâu. Bởi vậy một nhà máy của người Nhật đầu tư ở Việt Nam thì lợi nhuận ròng của họ được tính vào GNI của Nhật chứ không phải của Việt Nam. Cách đây 3 năm chênh lệch giữa GDP và GNI có lúc lên đến 7,5 tỉ USD là rất lớn so với các năm trước đó. Chẳng hạn 10-15 năm trước, mức chênh lệch chỉ có 0,6 tỉ USD, mặc dù lúc đó Việt Nam đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài hơn 15 năm. Còn thu nhập đầu người chênh nhau gần 200 USD, cũng là con số đáng lo khi vào năm 2003, mức cách biệt chỉ là 12 USD. Người bi quan có thể cho rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, chẳng bao lâu nữa, GDP Việt Nam vẫn tăng nhưng thu nhập đầu người Việt Nam chẳng tăng thêm bao nhiêu và cuối cùng thu nhập ấy dồn về cho người nước ngoài cả.
Vậy ông lo ngại hội nhập sẽ là rào cản rất lớn, nếu quyết sách cho một giai đoạn trung hạn (đến 2030 hoặc 2040) không khuyến khích được nội lực của nền kinh tế?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Vấn đề hội nhập là một câu chuyện có thuận lợi, nhưng thách thức cũng nhiều. Ai cũng thấy là đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) ngày càng chiếm một tỉ lệ quan trọng trong nền kinh tế. Chỉ cần quan sát trên thị trường cũng có thể thấy từ những sản phẩm đơn giản như bột giặt, kem đánh răng đến các sản phẩm lâu bền như ti vi, tủ lạnh rồi những sản phẩm đắt tiền như máy tính, xe hơi… toàn là hàng của các doanh nghiệp FDI sản xuất hay lắp ráp. Đầu tư nước ngoài hiện đang lấn sang những lãnh vực trước đây là của doanh nghiệp trong nước như nhà hàng và nhiều loại dịch vụ, thu mua nông sản như cà phê, sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, bán lẻ. Lần lượt các tên tuổi trong nước gây dựng từ thời mở cửa đến nay đã sang tay cho nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, ở đây vấn đề là làm thế nào để DN trong nước mạnh lên, có năng lực cạnh tranh trong thời hội nhập. Bởi vì như tôi phân tích ở trên và ai cũng có thể thấy là hàng ngoại đang tràn ngập vào thị trường trong nước theo cam kết hội nhập, nhưng DN trong nước thì yếu, đa số vừa và nhỏ thì sẽ rất khó cạnh tranh.
Phương Dy (thực hiện)