Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bị can Phan Anh Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chấn Phong).
Ngày 20/12, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 47/ANĐT-P5 đối với ông Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975) về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ Quyết định khởi tố bị can số 47/ANĐT-P5 ngày 20/12 của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đối với Phan Văn Anh Vũ, sau khi xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng và không biết bị can ở đâu, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ.
Chiều 21/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Đà Nẵng thực hiện lệnh khám xét nhà ông Vũ.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 28/12/2017, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo khẩn trương việc truy nã, bắt đối tượng; khẩn trương thanh tra, điều tra và sớm có kết luận các dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, thời gian gần đây dư luận thành phố rất bức xúc vụ việc về Phan Văn Anh Vũ đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, chính quyền. Các cơ quan chức năng của Trung ương, Bộ Công an đã vào cuộc xử lý.
Dư luận thành phố tập trung cho rằng, những vụ việc nổi cộm của ông Vũ tại Đà Nẵng liên quan chủ yếu đến dự án đất đai, bất động sản. Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo khẩn trương việc truy nã, bắt đối tượng, khẩn trương thanh tra, điều tra và sớm có kết luận các dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ có dấu hiệu tiêu cực, để đưa ra xử lý, chấm dứt kéo dài tình trạng bất lợi trong dư luận.
* Thông tin từ Báo CAND cho biết, khoảng giữa năm 2017, dư luận có thông tin về thực trạng tại một số dự án của TP Đà Nẵng, trong đó có những thương vụ bán nhà công sản có dấu hiệu sai phạm.
Ngày 20/9, Bộ Công an có công văn đề nghị UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công an để làm rõ vụ bán nhà công sản mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận. Bộ Công an yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt dự án xây dựng, giao nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước cho các tập thể, cá nhân của UBND TP. Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay.
Ngoài ra, cơ quan An ninh điều tra cũng đề nghị lãnh đạo địa phương cung cấp hồ sơ liên quan đến 9 dự án mua, thuê 31 nhà công sản tại Đà Nẵng.
9 dự án được xác định gồm: Dự án công viên An Đồn (năm 2010); dự án khu đô thị Harbour Ville của công ty Đầu tư Mega (năm 2008); khu đất tại đường 2/9 Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012); dự án Phú Gia Compoud (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, năm 2007); khu dịch vụ du lịch nhà hàng Café-Bar và bến du thuyền khu vực trước trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng phía tây Cầu Rồng (năm 2015).
Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha, năm 2008); Lô 12 Khu B4.1 thuộc khu dân cư An Cư mở rộng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, năm 2009); khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010); khu du lịch ven biển đường Trường Sa của công ty I.V.C (4,5ha, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007).