Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
4 "bông hồng vàng" của ngành Y. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ông Hưng cho biết, hiện nay số cán bộ nữ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ trong ngành chiếm tỷ lệ khá cao so với những năm trước. Đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng phấn đấu vươn lên trong học tập, góp phần ứng dụng các kỹ thuật y học hiện đại trên thế giới vào nghiên cứu khoa học và chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú là những danh hiệu cao quý của Nhà nước, thể hiện sự đóng góp lớn lao của cán bộ y tế trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng đã được trao tặng cho nhiều cán bộ nữ làm công tác giảng dạy của ngành Y tế. Tỷ lệ cán bộ nữ đạt các danh hiệu cao quý đó chiếm tỷ lệ không nhỏ (gần 50%).
Rất nhiều nữ cán bộ y tế đã đạt được các danh hiệu cao quý của Nhà nước như: Anh hùng lao động; Chiến sĩ thi đua toàn quốc... Trong số những chị em đạt nhiều thành tích trong ngành, có không ít chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, dù ở cương vị lãnh đạo hay nhân viên y tế, các chị đều là những tấm gương tiêu biểu, vượt lên khó khăn, làm tròn phận sự với công việc và với cả gia đình riêng của mình.
Mô hình đặc biệt “cô đỡ thôn bản”
PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng hào hứng kể về một mô hình rất đặc biệt mang tên “cô đỡ thôn bản”. Từ nhiều năm nay, sự góp mặt của cô đỡ thôn bản đã giúp chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em các bản xa có sự thay đổi lớn. Và từ 1/5/2013, theo nội dung Thông tư số 07/2013/TT-BYT của Bộ Y tế, cô đỡ thôn bản chính thức trở thành một chức danh trong hệ thống y tế, được nhận lương như các nhân viên y tế khác. Ðây là tin vui với những nữ cán bộ y tế có nhiều đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở cơ sở.
Ông Hưng cho biết, theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong mẹ ở khu vực miền núi phía Bắc và miền núi trung du cao gấp hàng chục lần so với vùng đồng bằng. Tỉ lệ đẻ tại nhà tại một số tỉnh khu vực miền núi chiếm từ 40-60%. Ðiển hình như các tỉnh Lai Châu 59%, Ðiện Biên 55%, Lào Cai 53%... Trong khi đó, nhân lực làm công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số luôn thiếu trầm trọng.
Chính vì những khó khăn đó đã nảy sinh ý tưởng cần phải đào tạo được người dân tộc thiểu số sinh sống ở địa phương có khả năng chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, thực hiện đỡ đẻ, phát hiện tai biến và có kỹ năng cơ bản về cấp cứu tai biến sản khoa, chuyển tuyến kịp thời, đó là những “cô đỡ thôn bản”.
Các “cô đỡ thôn bản” là các phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số sinh sống tại cộng đồng, có thể sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cung cấp các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh ở những khu vực miền núi xa xôi. Các cô đỡ được đào tạo 6 tháng những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đỡ đẻ chuyên nghiệp cùng khả năng xử trí ban đầu. Qua đó, đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ ở các khu vực có cô đỡ thôn bản hoạt động.
Hiện nay, có khoảng hơn 80% số “cô đỡ thôn bản” đang làm việc tại hơn 20 tỉnh thuộc miền Trung, Tây Nguyên, vùng Ðông Nam Bộ và khu vực miền núi phía bắc.
Họ là những "bông hồng" không ngại khó của ngành Y với sứ mệnh quan trọng góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng.
Liên Phương