Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các đại biểu cho rằng, mức tăng trưởng GDP 8,02% năm 2022 là khá ấn tượng, nhất là trong bối cảnh CPI tăng thấp, 3,15%. GDP bình quân đầu người năm 2022 tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức đạt kỷ lục mới với 732,5 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Nhiều ý kiến địa phương cho biết, năm qua, thu ngân sách trên địa bàn có sự tăng trưởng ấn tượng.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành rất tập trung, quyết liệt để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là những dự án lớn, kéo dài. Chúng tôi thấy nếu không có sự tập trung quyết liệt này thì chắc chắn các dự án cao tốc Bắc-Nam, Nhà ga T3-Sân bay Tân Sơn Nhất, Vành đai 3 chưa thể triển khai được như trong thời gian vừa qua", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu và cho biết thêm về một số điều tâm đắc trong năm qua. Thứ nhất, "cũng như Chính phủ, Thành phố tập trung quyết liệt giải quyết những dự án đầu tư, dự án sản xuất vướng mắc kéo dài nhiều năm, từ đó khơi thông nguồn vốn, đặc biệt tạo niềm tin rất lớn cho thị trường, cho xã hội".
Thứ hai là đầu tư chuyển đổi số, Thành phố đầu tư tập trung, có tính chất nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong hoạt động hành chính. "Kinh tế số của Thành phố chúng tôi đo lường được là đóng góp 15,3% GRDP của Thành phố", ông Phan Văn Mãi nói.
Thứ ba là các hoạt động văn hóa, xã hội, hoạt động đối ngoại của Thành phố phục hồi tốt, điều này vừa góp phần chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người dân vừa tạo niềm tin rất lớn, tạo ra năng lượng tích cực trong xã hội về khả năng phục hồi mạnh mẽ của Thành phố, góp phần xây dựng hình ảnh của Thành phố cũng như của đất nước sau đại dịch.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhân tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chủ động của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả lên trên hết; từ đó lan tỏa niềm tin, nhân lên sức mạnh đoàn kết và nhận được sự ủng hộ, đồng hành, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đã tập trung thực hiện Đề án phân cấp quản lý nhà nước và ủy quyền một số lĩnh vực kinh tế-xã hội, với phương châm: việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cấp đó thực hiện. Tuy Đề án mới được triển khai nhưng đã cho thấy kết quả tích cực: Thời gian giải quyết hồ sơ hành chính đã được rút ngắn hơn, bước đầu được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho rằng, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế nên đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng.
"Người dân đánh giá cao việc phản ứng tình huống và các biện pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ về các vấn đề như xăng dầu, chứng khoán, bất động sản, hoạt động ngân hàng…", ông Hiệp nói. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Chính phủ ngày càng nâng lên. "Các địa phương được truyền cảm hứng trong chỉ đạo, điều hành".
Ông cũng cho biết, ngay từ đầu năm mới 2023, tỉnh đã ban hành 3 chỉ thị đối với 3 vấn đề để triển khai ngay từ đầu năm: giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách và thực hiện Công điện của Thủ tướng về đẩy mạnh triển khai các dự án cao tốc. Sang năm 2023, tỉnh chấp hành và thực hiện với kết quả cao nhất tất cả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần không bỏ sót việc, không đối phó.
Đồng tình với các ý kiến của hầu hết các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 vượt dự toán 27,7% và vượt so với cùng kỳ hơn 14% là một thắng lợi.
Tại sao lại thu cao như vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích, thứ nhất là chúng ta phục hồi kinh tế nhanh, các DN nỗ lực đẩy mạnh SXKD. Về phía Bộ Tài chính, đã có một số đột phá trong công tác thu ngân sách. Ví dụ năm 2022, phát hành 100% hoá đơn điện tử. Thiết lập cổng thông tin điện tử để thu thuế của sàn thương mại điện tử trong nước. Thu tiền quyền sử dụng đất tăng, bảo đảm kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản. Nhiều giải pháp về chống chuyển giá, chống trốn thuế được triển khai thành công. Đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua nộp thuế qua điện thoại đi động, kết nối dữ liệu giữa cơ quan thuế và dữ liệu dân cư, các ngân hàng với Kho bạc Nhà nước.
Trong tham luận "Chính sách tiền tệ: Ứng phó linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ những điều tâm đắc, bài học kinh nghiệm trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 khi một loạt bài toán khó đặt ra cho điều hành chính sách tiền tệ khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỉ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đã và đang ở ngưỡng cảnh báo; làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa Kỳ...; làm thế nào ổn định được hệ thống khi thanh khoản của hệ thống chịu tác động mạnh bởi sự cố SCB và niềm tin vào thị trường suy giảm.
Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,15%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%); tín dụng tăng khoảng 15%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND mất giá 3,5%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, mức biến động này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực), thanh khoản hệ thống cơ bản được bảo đảm... Đặc biệt, trong kỳ báo cáo tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của NHNN.
Ba bài học được lãnh đạo NHNN rút ra từ thực tiễn điều hành tiền tệ trong năm 2022: Chuẩn bị tâm thế, ứng phó linh hoạt, từ đó nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập; kiên định mục tiêu "góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế" nhưng tuỳ theo diễn biến tình hình để điều hành, có mục tiêu trọng tâm trọng điểm phù hợp với diễn biến thực tế; bản lĩnh, ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp để hóa giải khó khăn, đạt được mục tiêu.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng bày tỏ ấn tượng về kết quả phát triển hạ tầng giao thông vận tải thời gian qua, nhất là việc ngay từ đầu năm 2023, đã đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Nói thêm về công tác này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết trong năm 2022, Bộ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C; phê duyệt đầu tư 37/54 dự án, đã khởi công 30 dự án, trong đó cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự án sân bay Long Thành… tiến độ cơ bản đạt yêu cầu đề ra.
Bộ GTVT dự kiến đến hết tháng 1/2023 sẽ phấn đấu giải ngân 97% vốn ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đức Tuân – Đình Nam – Thu Giang