Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại sự kiện, các sinh viên đã chia sẻ và thảo luận với UNFPA tại Việt Nam về chủ đề "Thế giới 8 tỷ người: Con người là giải pháp, không phải là vấn đề" theo 5 nhóm nội dung: COVID-19, biến đổi khí hậu, cơ hội, tiềm năng và ước mơ của người trẻ.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho hay, dân số thế giới đã đạt 8 tỷ người vào hai ngày trước, 15/11. Thời điểm mà thế giới chúng ta chạm cột mốc quan trọng này vừa là khoảnh khắc vui mừng cần được chào đón, nhưng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho toàn nhân loại để cùng tìm kiếm những giải pháp giải quyết những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.
Theo bà Naomi Kitahara, những thách thức mà nhân loại phải đối mặt là hết sức cấp bách. Trong đó, nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ như biến đổi khí hậu, xung đột và COVID-19. Các vấn đề này đang gây ra những tác động không đồng đều tới những nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương.
Cho đến nay, hàng triệu người vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng; không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội; không thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học có chất lượng. Phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa được thực hiện quyền cơ bản là đưa ra quyết định về cơ thể và tương lai của mình, và chúng ta đang chứng kiến một sự tụt hậu đáng lo ngại về việc thực hiện quyền của phụ nữ ở nhiều quốc gia.
Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng câu chuyện đằng sau con số 8 tỷ người và việc chúng ta chạm tới cột mốc quan trọng này là một câu chuyện về thành công. Chúng ta đã giảm được tỉ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chúng ta đang có dân số đông đảo hơn bao giờ hết, một phần là do tuổi thọ tăng lên và giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh.
"Thế giới của chúng ta không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn như một gia đình. Số lượng rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần cẩn trọng. Chúng ta cần xây dựng một thế giới với 8 tỷ con người kiên cường, một thế giới đề cao quyền và lựa chọn của mỗi cá nhân, mang đến những khả năng vô hạn - khả năng cho con người, xã hội và hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng.
UNFPA sẽ tiếp tục thúc đẩy quyền cơ bản của mỗi cá nhân và cặp vợ chồng trong việc tự do đưa ra quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh; hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng các nước nhằm xây dựng một thế giới không còn các ca mang thai ngoài ý muốn, các trường hợp sinh nở đều được an toàn, và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát triển một cách tối đa", bà Kitahara cũng khẳng định.
Báo cáo về triển vọng dân số thế giới năm 2022 chỉ ra, dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỷ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100. Theo đó, thế giới mất khoảng 12 năm để tăng từ 7 tỷ người lên 8 tỷ người, xấp xỉ thời gian thời gian từ 6 tỷ người lên 7 tỷ người; 1 tỷ người tiếp theo dự kiến sẽ cần khoảng 14,5 năm (năm 2037). Một nửa trong số 8 tỷ người được bổ sung vào dân số thế giới là kết quả của khuynh hướng nhân khẩu học ở Châu Á. Châu Phi đóng góp lớn thứ hai (gần 400 triệu người).
Cho đến nay, Ấn Độ là nước đóng góp dân số lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Nigeria. Châu Phi và châu Á sẽ thúc đẩy sự gia tăng dân số cho đến khi đạt được con số 9 tỷ người vào năm 2037.
Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi vào năm 2019, tăng gần 9 năm tuổi kể từ năm 1990. Nhưng vào năm 2021, tuổi thọ của các nước kém phát triển nhất đã tụt hậu 7 năm tuổi so với mức trung bình toàn cầu. Ở nhiều nước đang phát triển, tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 64 tuổi) ngày càng tăng.
Lưu Hương