Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Báo cáo tổng quan môi trường Việt Nam lần 2 vừa được công bố cho thấy, xu thế ô nhiễm và suy thoái môi trường đang theo chiều hướng gia tăng đối với tất cả lĩnh vực đất, nước và không khí.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2008, hiệu suất sử dụng các loại phân hóa học ở nước ta tùy theo chất đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, mới chỉ đạt từ 30 đến 50%. Như vậy còn từ 50% tới 70% lượng phân bón còn tồn lưu trong đất, tương đương 4 triệu 140.000 tấn. Từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng 57,7%, nhưng lượng phân bón hóa học tăng tới 517%. Lượng phân bón tồn lưu trong đất bị rửa trôi hoặc bay hơi làm xấu thêm môi trường sản xuất nông nghiệp, môi trường sống; là tác nhân gây ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí.
Các hoạt động xây dựng, sản xuất, khai thác mỏ gây ra những tác động xói mòn, nén chặt đất và phá hủy cấu trúc đất. Đặc biệt các chất thải kim loại nặng như chì, kẽm, đồng, niken, cadimi... tích lũy trong đất thời gian dài, khiến cho nhiều vùng đất có hàm lượng vượt quy chuẩn. Các chất thải khí và phóng xạ phát ra chủ yếu tại các nhà máy nhiệt điện, khu vực khai thác than, có khả năng tích lũy cao trong các loại đất giàu khoáng sét và chất mùn. Khí thải tiềm ẩn có khả năng kết tụ hoặc hình thành mưa axit rơi xuống làm ô nhiễm đất. Các chất thải tẩy rửa, thuốc nhuộm, màu vẽ, công nghiệp sản xuất pin, thuộc da, công nghiệp sản xuất hóa chất ...gây ô nhiễm đất ở mức độ cao.
Đối với nước mặt, nước thải từ sản xuất công nghiệp và Khu công nghiệp là nguồn gây áp lực lớn nhất. Không kể nước thải nông nghiệp, nguồn nước thải công nghiệp chiếm 74% lưu vực sông Cầu và 41% lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Nước thải từ ngành cơ khí luyện kim chứa nhiều kim loại nặng, dầu mỡ khoáng; nước thải ngành dệt nhuộm chứa nhiều chất rắn lơ lửng và đặc biệt là chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học (BOD), chất dinh dưỡng như hợp chất ni tơ, phốt pho...
Nước sinh hoạt của người dân tại các đô thị ngày càng tăng nhanh do dân số và dịch vụ phát triển. Hầu hết các đô thị đều chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Tổng lượng nước thải sinh hoạt tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1,2 triệu m3/ngày. Nhưng mới có nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (trên tổng số 9 nhà máy theo quy hoạch) vận hành giai đoạn I công suất 141.000m3/ngày.
Vì thế ô nhiễm chất hữu cơ đã và đang xảy ra ở nhiều đoạn sông. Theo kết quả quan trắc các hệ thống sông chính trên cả nước, nhiều chất ô nhiễm trong nước có nồng độ vượt qua qui chuẩn từ 1,5 đến 3 lần. Chất lượng nước các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, sông Đồng Nai đều bị suy giảm theo thời gian; các thông số ô nhiễm đều không đạt quy chuẩn, đặc biệt là ô nhiễm các chất hữu cơ. Hầu hết các hồ, ao, kênh rạch và các sông trong khu vực nội thành qua các thành phố đều bị ô nhiễm nghiêm trọng vượt quá mức cho phép, nhiều nơi trở thành kênh nước thải. Nhiều hồ bị phú dưỡng, nước hồ có màu đen và bốc mùi hôi, gây mất mỹ quan đô thị. Một số nơi, các thông số quan trắc vượt quy chuẩn 08:2009/BTNMT loại B2.
Nước dưới đất cũng bị suy giảm chất lượng do đặc tính địa chất chứa nước từng vùng, thẩm thấu và rò rỉ nước bề mặt đã bị ô nhiễm; do thay đổi mục đích sử dụng và khai thác bất hợp lý; do nước biển dâng dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước ven biển. Phần lớn nước dưới đất có chất lượng tương đối tốt, nhưng đã phát hiện dấu hiệu ô nhiễm coliform ở một số nơi; ô nhiễm phốt phát có xu hướng gia tăng. Tại Hà Nội, 71% số giếng có hàm lượng P-PO4 cao hơn mức cho phép. Tại khu vực Hà Giang, Tuyên Quang , hàm lượng sắt quanh các mỏ khai thác sunphua vượt mức cho phép, đạt đến trên 15 -20mg/l .
Chất lượng môi trường không khí trên toàn lãnh thổ đang bị suy giảm, nhất là tại các đô thị lớn. Ô nhiễm không khí chủ yếu là bụi đang có chiều gia tăng. Một số khu vực có biểu hiện ô nhiễm CO, SO2, và ô nhiễm tiếng ồn cục bộ. Nồng độ bụi PM10 và bụi tổng số (TSP) ở các thành phố lớn vẫn duy trì ở mức cao, vượt ngưỡng cho phép. Hầu hết các giá trị quan trắc CO tại các thành phố khu vực phía Nam đều vượt ngưỡng quy chuẩn. Riêng ô nhiễm chì vàbenzen, từ năm 2010 có dấu hiệu giảm đáng kể sau khi triển khai việc sử dụng xăng không pha chì, nhưng gần đây là tăng lên tại một số khu vực gần trục giao thông chính ở các đô thị lớn. Điển hình là ở thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ chì năm 2009 mặc dù nằm trong giới hạn cho phép, nhưng đã tăng lên so với năm 2008. Riêng với benzen, nồng độ tại một số đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã vượt ngưỡng quy chuẩn nhiều lần.
Thao Lan