Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 4/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Nhiệm vụ xây dựng dự án Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội được đề cập trong các nhiệm vụ cần thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2025.
Khi xây dựng các dự án này, tất cả căn cứ, kể cả về mặt chủ trương chiến lược, đều phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Trên thực tế, số lượng đường cao tốc chúng ta đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước.
Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành 2 tuyến đường Vành đai số 3 TPHCM và số 4 thành phố Hà Nội tại thời điểm hiện nay hết sức hợp lý khi quãng thời gian của giai đoạn trước 2011-2020, chúng ta không có điều kiện làm được điều này do khó khăn. Đến nay, chúng ta cơ bản đủ điều kiện cũng như công nghệ để triển khai.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, thời điểm hiện nay đã chín muồi. Việc xây dựng 2 tuyến đường này mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2030, đặc biệt sự đột phá nhất định.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đình Thiên bày tỏ "tôi đồng tình vời anh Phương, thời điểm này là quá chín muồi".
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định làm 2 đường vành đai xuất phát từ đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn. Đây không chỉ là đòi hỏi cấp bách của hiện tại mà còn là đòi hỏi cấp bách của sự phát triển trong tương lai.
Việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ có căn cứ từ thực tiễn mà còn có căn cứ lý thuyết.
Thực tế cho thấy, hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước suốt thời gian dài bị kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông, thể hiện rõ nhất ở đường tuyến đường vành đai.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, việc Chính phủ quyết định phải làm 2 tuyến đường này thể hiện tầm nhìn khác trước. Đây là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông.
Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia cũng như chuyển hướng chiến lược nhằm phát triển Vùng Thủ đô và Vùng TPCHM, cả hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất, không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế kinh tế mà còn hướng tới phát triển không gian đô thị, hướng tới tầm cao của đô thị phát triển.
Mặt khác, sau thời gian 2 năm gồng mình chống đỡ với những diễn biến tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra, đến thời điểm này chúng ta phục hồi lại, việc triển khai 2 dự án này sẽ tiếp thêm động lực này tạo ra đột phá cho nền kinh tế. Thời điểm này có giá trị thúc đẩy rất lớn.
"Tôi thực sự chia sẻ nỗ lực của Chính phủ khi đưa ra chương trình này và hy vọng phải có cách tiếp cận quyết liệt, xứng đáng với sứ mệnh chúng ta đặt ra".