Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Y tế đã phân bổ cho TPHCM 2.358.790 liều vaccine phòng COVID-19 |
Tính đến 22/7, đã thực hiện tiêm 1.843.849 liều (đạt 37,7%), trong đó 1.601.131 người đã tiêm mũi 1 và 121.359 người đã tiêm mũi 2.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã phân bổ 2.358.790 liều vaccine; Thành phố đã thực hiện tiêm 1.039.652 liều (đạt 44,1%). Có 915.184 người tiêm mũi 1 và 62.234 người tiêm mũi 2.
“Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm việc ưu tiên phân bổ vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.
Rà soát đối tượng, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng
Vừa qua, Bộ Y tế vừa có văn bản 5868/BYT-DP đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định các đối tượng tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo việc rà soát các đối tượng tiêm theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện tiêm chủng tối đa số vaccine được cấp, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ tiêm chủng.
Trong thời gian vừa qua Bộ Y tế đã phân bổ nhiều loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau như Astra Zeneca, Pfizer, Moderna cho các địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai tiêm chủng.
Để tiếp tục thực hiện công tác tiêm chủng đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên đặc biệt là các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định các đối tượng tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo việc rà soát các đối tượng tiêm theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện tiêm chủng tối đa số vaccine được cấp, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ tiêm chủng.
Sở Y tế đôn đốc các cơ sở tiêm chủng xây dựng kế hoạch, tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay các loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế phân bổ. Thực hiện tư vấn cho người được tiêm chủng lợi ích, tác dụng của các loại vaccine và thực hiện tiêm sớm, đúng lịch, không để xảy ra tình trạng lựa chọn hoặc chờ đợi để được tiêm loại vaccine khác.
Đẩy nhanh, tăng tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng bao gồm xây dựng kế hoạch, tổ chức đăng ký tiêm, thực hiện sàng lọc, tổ chức tiêm chủng... và báo cáo theo quy định. Yêu cầu sử dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi đối tượng tiêm chủng.
Ưu tiên vaccine bảo vệ các “vùng xanh”
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), trong tình hình hiện nay vaccine được nhận định là giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch COVID-19 hiệu quả.
Thành phố ưu tiên tập trung vào đối tượng, mà không tập trung vào vùng tiêm chủng, ưu tiên bảo vệ các “vùng xanh” trước nhằm đảm bảo miễn dịch cho người dân.
Từ ngày 22/7, TPHCM tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine đợt 5 với 615 điểm tiêm trên toàn thành phố và kéo dài trong 2 tuần. Mỗi phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi ngày tiêm cho 120 người/điểm.
TPHCM cũng đã chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện, chưa chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị COVID-19, thực hiện tiêm vaccine cho người mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ.
Đối tượng ưu tiên tiêm chủng trong đợt 5 được xác định là những người mắc các bệnh nền (thận mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, TPHCM cũng ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ cao, trong đó tập trung là người nghèo.
Việc tiêm vaccine sẽ đảm bảo giãn cách và phân chia nhiều điểm tiêm với quy mô nhỏ, theo khung giờ, ứng dụng công nghệ thông tin để hẹn giờ tiêm, nhập thông tin hành chính và tiền căn sức khỏe người được tiêm trước khi đến điểm tiêm.
Quy trình tiêm chủng cũng được tối giản hóa nhằm hạn chế tập trung đông người, phòng tránh lây nhiễm trong giai đoạn có nhiều ca bệnh trong cộng đồng.
Điểm đáng chú ý trong chiến dịch tiêm chủng lần này là việc xác định nơi tiêm vaccine không phải căn cứ vào hộ khẩu thường trú, mà theo nguyên tắc “người nào ở đâu sẽ tiêm ở đó”.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng tiêm chủng, UBND TPHCM quyết định tạm thời sẽ không triển khai tiêm chủng ở các khu vực phong tỏa, cách ly.
Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM yêu cầu các địa phương thông báo rõ để người dân không hoang mang việc bị mất quyền lợi.
Ngay sau khi các điểm gỡ phong tỏa, địa phương cần phải tổ chức tiêm ngay để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Qua 5 ngày triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng đã có những dấu hiệu tích cực. |
Đã có những dấu hiệu tích cực
Về tình hình dịch bệnh, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 này, tính đến trưa ngày 23/7, cả nước ghi nhận 75.417 ca mắc COVID-19, trong đó có 74.570 ca trong nước; 9.557 người đã được chữa khỏi bệnh; 335 ca tử vong. Đến nay, có 9/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.
Đáng chú ý qua 5 ngày triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng đã có những dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ nhiễm sẽ có xu hướng “đi ngang” trong một vài ngày tới nếu Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh, vòng lây nhiễm ngắn; mặt khác nhiều ca bệnh đã có trong cộng đồng từ trước đó. Qua điều tra dịch tễ, truy vết, các tỉnh đã xác định được phần lớn nguồn lây; số ca mắc mới gia tăng do các địa phương tăng tốc lấy mẫu và xét nghiệm với số mẫu lớn tại các khu vực nguy cơ, khu cách ly, phong tỏa.
Tuy nhiên, công tác triển khai các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương, một số cơ quan còn chưa nghiêm, nhất là tại một số nơi người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh.
Công tác chuyên môn chống dịch, tổ chức truy vết, xét nghiệm, triển khai tổ COVID-19 cộng đồng, cách ly, giám sát, điều trị, hậu cần... đã được nâng cao, điều phối hiệu quả hơn so với thời gian trước đó, tuy nhiên chưa đáp ứng được so với tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, cần tiếp tục được tăng cường năng lực hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ Y tế đề xuất, thời gian tới cần các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16; thường xuyên cập nhật đánh giá các mức độ nguy cơ để áp dụng các biện pháp đáp ứng phù hợp.
Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục quyết liệt huy động toàn bộ lực lượng triển khai các biện pháp ngăn chặn, giảm mắc, giảm tử vong, đồng thời bảo vệ hiệu quả các vùng, khu vực đang được kiểm soát tốt.
Trước mắt, cần ưu tiên chống dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, lưu thông hàng hóa, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ người lao động… Đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19./.