Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Lê Vĩnh Cẩn (Hà Nội) phản ánh và đề xuất giải pháp để giải quyết một số bất hợp lý trong mạng lưới đường ở TP Hà Nội.
Hiện nay, những xe đi từ cầu Thăng Long đến các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào phải chạy ra tận Pháp Vân để đi theo đường cao tốc Bắc Nam vào phía Nam. Để có đường cho những xe này đi nhanh chóng, Hà Nội đã phải làm đường trên cao và làm cho đường vành đai 3 bị thu hẹp lại khiến ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên tuyến đường này trong những giờ cao điểm, nội thành Hà Nội lại càng thêm ô nhiễm.
Do đó, ông Cẩn đề xuất tuyến đường đi từ chân cầu Thăng Long đến thẳng Cao tốc Bắc Nam ở Thanh Hóa như sau: Chân cầu Thăng Long đến Quốc lộ 32 - Cầu Mai Lĩnh - Quốc lộ 21 ở An Thịnh thuộc huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình - Ngã ba Quốc lộ 12B và Quốc lộ 45 gần chợ Rịa thuộc huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình - Cao tốc Bắc Nam ở Thanh Hóa.
Ông Cẩn cho rằng, nếu mở rộng đường và uốn thẳng một số tuyến đường đã có sẵn, làm thêm một số đoạn để nối các tuyến đường đó thì sẽ có đường mới đi thẳng vào Thanh Hóa. Như vậy, xe đi từ cầu Thăng Long đến các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào sẽ gần hơn và đường vành đai 3 chỉ cần thu hẹp những chỗ chưa dùng đến, chỉ để dải phân cách như các đường khác thì đường này sẽ rộng rãi, không bị ùn tắc như hiện nay và nội thành Hà Nội sẽ đỡ bị ô nhiễm.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến phản hồi như sau:
Việc quy hoạch hệ thống mạng lưới đường bộ được các cơ quan chức năng nghiên cứu thực hiện trên cơ sở các yêu cầu cơ bản về phát triển kinh tế các khu vực, bảo đảm an ninh quốc phòng của các nơi tuyến đường đi qua; đồng thời bảo đảm tính khả thi triển khai xây dựng, hạn chế tác động tới môi trường. Vì vậy, các tuyến đường trong quy hoạch ngắn hay dài còn tùy thuộc vào các yêu cầu nêu trên.
Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội được duyệt (Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ), tuyến đường Vành đai 3 là đường vành đai đô thị. Tuy nhiên hiện nay, các phương tiện từ khu vực miền núi phía Bắc chủ yếu đi qua cầu Thăng Long, theo đường vành đai 3 đến ngã ba Pháp Vân và Quốc lộ 1 để vào khu vực phía Nam. Như vậy, hiện nay, tuyến vành đai 3 vừa đóng vai trò là đường giao thông nội đô và đường giao thông đối ngoại cho các xe quá cảnh qua thành phố Hà Nội để vào khu vực miền Trung nên thường bị ùn tắc giờ cao điểm.
Để giải quyết giao thông đối ngoại, tách dòng xe đô thị với dòng xe quá cảnh qua thành phố Hà Nội, theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội được duyệt sẽ hình thành đường vành đai 4, đường vành đai 5 là các đường vành đai đối ngoại của Thủ đô Hà Nội và là đường vành đai của vùng thủ đô Hà Nội.
Sau khi các tuyến đường vành đai này được đầu tư hoàn thành, các phương tiện từ khu vực phía Bắc vào các tỉnh phía Nam sẽ không phải quá cảnh qua đường vành đai 3 để đi vào các tỉnh miền Trung (trong đó có tỉnh Thanh Hóa) và khu vực phía Nam nên sẽ giảm tải lưu lượng xe lưu thông trên đường vành đai 3, giảm ùn tắc và nội đô thành phố Hà Nội sẽ đỡ bị ô nhiễm như ý kiến của ông Lê Vĩnh Cẩn.
Hướng tuyến, quy mô các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 đã được nghiên cứu để đảm bảo tính liên kết vùng (khu vực miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc), đáp ứng nhu cầu vận tải, khả năng nguồn lực đầu tư.
Chinhphu.vn