Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói hội nghị là cơ hội để huy động các sáng kiến cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên cấp bách định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Trong những năm qua, đã có nhiều hội nghị, hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về các giải pháp phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, các giải pháp cho đến nay mới chỉ tập trung giải quyết vào một số vấn đề cụ thể, có tính cấp bách đặt ra cho từng lĩnh vực, từng địa phương riêng lẻ, thiếu tính tổng thể hệ thống.
Phiên thảo luận chuyên đề về “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở” do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trực tiếp điều hành. Tham dự có các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện các bộ, ngành, địa phương vùng ĐBSCL và một số doanh nghiệp tiêu biểu.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng hội nghị này là cơ hội để huy động các sáng kiến cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các quyết sách chiến lược, các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên cấp bách về định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ mong muốn hội nghị lần này sẽ xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đặt ra đối với vùng ĐBSCL, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, thống nhất các định hướng lớn, lựa chọn được các giải pháp đồng bộ về chuyển đổi quy hoạch, cơ cấu ngành, cơ chế điều phối, cũng như xác định được các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên cấp bách, các quyết sách mang tầm chiến lược, xác định rõ nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện cho toàn vùng.
Về quan điểm chung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sự phát triển bền vững của ĐBSCL phải gắn liền với khắc phục hiệu quả, thích ứng lâu dài với những tác động nhiều chiều của BĐKH.
Về cách tiếp cận vấn đề, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần bắt đầu từ việc đánh giá toàn diện, đầy đủ những tác động, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả, thích nghi bền vững với BĐKH. Dựa trên cơ sở các kịch bản này, sẽ xây dựng được quy hoạch phát triển tổng thể, từ đó kế hoạch hoá, chỉ rõ nguồn lực, định hình những giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể. Cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện những kế hoạch phát triển đã đề ra một cách hiệu quả nhất.
Bắt đầu từ việc đánh giá toàn diện tác động của BĐKH
“Trước hết cần đánh giá toàn diện, đầy đủ những tác động nhiều chiều, từ cả bên ngoài và bên trong đối với khu vực ĐBSCL”, Phó Thủ tướng nói.
Tác động từ bên ngoài có thể thấy rất rõ như tác động của BĐKH, nước biển dâng, tác động của việc khai thác thuỷ năng từ thượng nguồn sông Mekong. Trong khi đó, những tác động từ bên trong như quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư xây dựng… cũng cần được đánh giá một cách toàn diện, cả mặt tích cực, tiêu cực.
Trên cơ sở đánh giá tác động của tất cả các yếu tố liên quan đối với vùng ĐBSCL, cần phân tích, nhận diện được đầy đủ các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL.
“Nghiên cứu của các nhà khoa học cần phải chỉ rõ hiện trạng, khả năng thích ứng của ĐBSCL với nhiễm mặn, nước biển dâng. Phải đánh giá, nhận diện rõ rủi ro lớn nhất đổi với ĐBSCL”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ những kết quả nghiên cứu này, sẽ có thể đưa ra được các kịch bản ứng phó, thích ứng cụ thể.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, kịch bản ở đây không chỉ là kịch bản để thích ứng mà trước hết phải ứng phó có hiệu quả. Kịch bản đưa ra phải phù hợp, khả thi.
“Trước mắt phải có các giải pháp ứng phó hiệu quả với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; hạn chế nhiễm mặn, thiếu nước ngọt; bảo đảm an toàn đời sống cho người dân. Với những vấn đề không thể ứng phó ngay, sẽ cần các kịch bản thích ứng lâu dài, bền vững”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Dựa trên kịch bản ứng phó, thích ứng BĐKH, sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL. Những quy hoạch này vừa là công cụ để phát triển, vừa là công cụ pháp lý trong quá trình chỉ đạo điều hành.
“Quy hoạch phải thể hiện được sự liên kết vùng chặt chẽ. Vừa phát triển từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực, vừa phải có sự phân chia chức năng, nhiệm vụ, hợp tác phù hợp”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý thêm, trong rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL, cần gắn quy hoạch với tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; gắn quy hoạch với việc ứng phó với BĐKH, nước biển dâng cũng như các thách thức của vùng ĐBSCL.
Từ quy hoạch tổng thể, các bộ, ngành, địa phương sẽ kế hoạch hoá, cân đối nguồn lực để triển khai kế hoạch thực hiện trong trước mắt, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Kế hoạch hoá thực hiện quy hoạch tổng thể cần đặc biệt chú ý việc xác định, huy động các nguồn lực đầu tư (Nhà nước, tư nhân trong và ngoài nước…) đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Cùng với đó, xác định các dự án các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng hoàn thiện những hạn chế về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp huy động, tổng hợp nguồn lực, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế…
Quá trình tổ chức thực hiện cũng cần xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng một lần nữa khẳng định, đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ hội để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những ý kiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể và đặc biệt của chính người dân vùng ĐBSCL.
“Tất cả những gì chúng ta làm nhằm hướng đến người dân, bảo đảm sinh kế cho người dân. Khi người dân ủng hộ, vào cuộc, mới có thể thành công”, Phó Thủ tướng nói.
Xuân Tuyến