• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phát triển bền vững và AI – xu hướng tất yếu của ngân hàng hiện đại

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển xanh đang trở thành ưu tiên toàn cầu, ngành ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực tích hợp tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG (môi trường-xã hội-quản trị) vào chiến lược. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), các tổ chức tài chính kỳ vọng xây dựng hệ thống báo cáo phát triển bền vững hiệu quả, minh bạch.

21/05/2025 15:07
Phát triển bền vững và AI – xu hướng tất yếu của ngân hàng hiện đại- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/HT

AI là "chìa khóa" để giải quyết các điểm nghẽn

Tại Tọa đàm "Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI" do Ngân hàng Nhà nước và Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức ngày 21/5, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định: "Phát triển bền vững không còn là xu hướng mà là yêu cầu tất yếu."

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lớn, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Nghị quyết số 66-NQ/TW về phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong tiến trình thực hiện các Nghị quyết này, ngành Ngân hàng được xác định là một trong những lực lượng đi đầu trong việc thúc đẩy tài chính bền vững, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. 

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh vai trò trung tâm của ngành ngân hàng trong việc định hình một nền kinh tế xanh, bao trùm và trách nhiệm. Vì vậy, việc xây dựng và công bố báo cáo phát triển bền vững là không thể thiếu nếu muốn thể hiện cam kết ESG rõ ràng.

Thực hiện chủ trương này, NHNN đã ban hành nhiều chính sách cụ thể như Quyết định 1731/QĐ-NHNN về chương trình nghị sự 2030 và Quyết định 1408/QĐ-NHNN thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Theo đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) được giao nhiệm vụ tích hợp tiêu chí ESG vào chiến lược kinh doanh, đồng thời khuyến khích công bố các báo cáo phát triển bền vững độc lập.

Trong năm 2024, số tổ chức lập báo cáo riêng biệt đạt kỷ lục 33 đơn vị, tăng mạnh so với các năm trước. Tính đến đầu năm 2025, khoảng 13-15 NHTM đã công bố báo cáo phát triển bền vững độc lập, cùng với 6 ngân hàng mới gia nhập xu hướng này. Đáng chú ý, tín dụng xanh cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể, với 58 tổ chức tín dụng có dư nợ xanh trên 704.000 tỷ đồng – tương đương 4,3% tổng dư nợ toàn hệ thống, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh.

Tuy vậy, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng thẳng thắn chỉ ra thách thức: Khung pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực thu thập và phân tích dữ liệu còn yếu, chưa kể việc thiếu nhân lực hiểu về cả ESG và công nghệ khiến quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Đây chính là lúc AI được xem như "chìa khóa" để giải quyết các điểm nghẽn hiện tại.

Với khả năng tự động hóa thu thập dữ liệu, phân tích xu hướng, đánh giá rủi ro và xây dựng báo cáo thông minh, AI hứa hẹn mang lại cuộc cách mạng trong hoạt động báo cáo phát triển bền vững.

"Chúng tôi kỳ vọng AI không chỉ đơn thuần là công cụ công nghệ, mà là giải pháp chiến lược để minh bạch hóa hoạt động, gia tăng niềm tin và nâng cao chất lượng báo cáo phát triển bền vững", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Phát triển bền vững và AI – xu hướng tất yếu của ngân hàng hiện đại- Ảnh 2.

Ông Mike Suffield – Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA toàn cầu - Ảnh: VGP/HT

Đạo đức, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo: Góc nhìn từ chuyên gia quốc tế

Một trong những điểm nhấn quan trọng tại Tọa đàm là bài tham luận của ông Mike Suffield – Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA toàn cầu. Ông Mike Suffield cho rằng: AI và phát triển bền vững không còn là hai khái niệm tách rời, mà đang hợp nhất thành trục chiến lược của ngành tài chính.

Ông Mike Suffield đã giới thiệu mô hình các giai đoạn sản xuất thông tin phát triển bền vững, từ thiết lập bối cảnh, xác định thông tin trọng yếu, đến xác minh và cải tiến, mỗi khâu đều có thể ứng dụng AI. Đặc biệt, các công nghệ như học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và AI tạo sinh đang hỗ trợ đắc lực trong quy trình báo cáo, từ phân tích rủi ro khí hậu đến tùy biến báo cáo cho các nhóm đối tượng khác nhau.

Tuy nhiên, ông Mike Suffield cũng cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn. Thứ nhất, nếu sử dụng dữ liệu không đầy đủ hoặc sai lệch trong huấn luyện AI, hệ thống có thể tạo ra thông tin sai lệch, dẫn đến các quyết định tài chính thiếu chính xác. Thứ hai, việc sử dụng AI không kiểm soát có thể dẫn đến "greenwashing" – tô vẽ hình ảnh bền vững sai sự thật.

ACCA đưa ra 5 nguyên tắc đạo đức để sử dụng AI trong báo cáo, đó là: Chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, bảo mật và chuyên nghiệp. Theo ông Mike Suffield: AI không thể thay thế đạo đức nghề nghiệp. Người làm báo cáo cần hiểu rõ cách AI vận hành, kiểm tra kết quả đầu ra và đảm bảo sự minh bạch trong từng dòng thông tin."

Ngoài ra, ông Mike Suffield cũng nêu lên một vấn đề ít được quan tâm, "dấu chân môi trường" của AI.

Phát triển bền vững và AI – xu hướng tất yếu của ngân hàng hiện đại- Ảnh 3.

Các đại biểu, chuyên gia trao đổi tại tọa đàm - Ảnh: VGP/HT

Theo nghiên cứu, các truy vấn AI hiện đại tiêu thụ điện năng gấp 10 lần so với truy vấn thông thường trên Google. Nếu xu hướng này tiếp diễn, vào năm 2030, trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể chiếm đến 4% tổng nhu cầu điện, kéo theo phát thải khí nhà kính tăng gấp đôi so với năm 2022. Bên cạnh đó, lượng nước dùng để làm mát các hệ thống AI hiện đại cũng đang ở mức báo động.

Vì vậy, ông Mike Suffield nhấn mạnh: Không nên chỉ đầu tư AI vì hiệu quả tài chính, mà cần tính đến chi phí môi trường. Các CFO nên xem xét các mô hình tiết kiệm năng lượng hơn và tích hợp chiến lược quản trị phát thải vào quá trình lựa chọn công nghệ.

Tổng kết phần trình bày, ông Mike Suffield giới thiệu các khóa học trực tuyến miễn phí của ACCA về AI và phát triển bền vững – nhằm hỗ trợ cộng đồng kế toán và tài chính toàn cầu trong giai đoạn chuyển đổi kép hiện nay.

Anh Minh