Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998, tại huyện Thạch Thất và Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) và là khu công nghệ cao duy nhất không trực thuộc chính quyền địa phương. Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có quy mô gần 1.600 ha với các khu đô thị vệ tinh xung quanh.
Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, trong hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, cơ chế chính sách...
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, hiện nay, các khó khăn, vướng mắc của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản được tháo gỡ. Đến hết tháng 1/2023, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giải phóng mặt bằng được 1.403/1.586 ha, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Đây chính là cơ sở để Khu Công nghệ Hòa Lạc chuyển sang giai đoạn bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, phát triển KH&CN, hướng đến mục tiêu phát triển các sản phẩm chủ lực công nghệ cao.
Tính đến hết tháng 3/2023, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thu hút được 102 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 98.350 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư đã làm chủ được công nghệ lõi, các công nghệ cao có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)...
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng bước đầu xây dựng được hạ tầng KH&CN, phòng thí nghiệm để nghiên cứu, phát triển các công nghệ cao, công nghệ mới, sản phẩm mới có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu; bắt đầu hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hình thành mạng lưới hợp tác tăng cường sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tuy nhiên, theo ông Trần Đắc Trung, thời gian qua, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển chưa được như kỳ vọng. Khác với khu công nghiệp bình thường, các khu công nghệ cao được định hướng trở thành những đô thị KH&CN, thông minh; nơi tập trung, liên kết hoạt động đào tạo nhân lực; ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo tiềm năng dư địa phát triển trong tương lai.
"Các dự án, doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải cam kết có yếu tố về phát triển công nghệ cũng như có kế hoạch đầu tư vào hoạt động R&D. Đây là một triết lý để thực hiện mục tiêu Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải là nơi sản sinh ra công nghệ, đổi mới công nghệ, không vì thu hút nhanh để 'lấp đầy' bằng mọi giá. Nhưng đây cũng là điểm khó đối với một số doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn lớn khi mà họ chỉ muốn tập trung đầu tư vào sản xuất mà không quan tâm đầu tư nhiều vào R&D", ông Trần Đắc Trung lý giải về con số dự án còn "khiêm tốn".
Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án trên khu đất liền khoảnh thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được phân chia thành các khu vực theo các chức năng cụ thể nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
Hơn nữa, cơ chế chính sách cho phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, các quy định về dự án công nghệ cao và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian theo quy định. Chưa có các chính sách chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu công nghệ cao (như việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho lao động trình độ cao tại khu công nghệ cao,...).
Chính vì thế, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc mong muốn các cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hoá; đồng thời có chủ trương tập trung đầu tư các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành, lĩnh vực, đồng thời tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu ban hành chính sách cho các chuyên gia về công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo trong các vấn đề về thuế thu nhập cá nhân; cơ chế visa dài hạn cho các chuyên gia tham gia nghiên cứu, làm việc tại khu công nghệ.
Có tuổi đời ít hơn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập vào năm 2010, đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.985 tỷ đồng và 607,6 triệu USD, với 26 dự án trong nước và FDI.
Theo đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, mô hình quản lý các khu công nghệ cao hiện nay có một số hạn chế như: Luật Công nghệ cao năm 2008 không điều chỉnh mô hình quản lý khu công nghệ cao, Nghị định số 99/2003/NĐ-CP (về việc ban hành quy chế khu công nghệ cao) điều chỉnh mô hình quản lý tại các điều 34, 35, 36 là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ thành lập các ban quản lý. Gần 20 năm nay, mô hình quản lý vẫn chưa có nền tảng pháp lý vững chắc, chưa theo kịp tốc độ phát triển các khu công nghệ cao; chưa có một cơ chế hợp tác, liên kết rõ nét với vai trò điều phối của Bộ chủ quản trong công tác quản lý nhà nước theo một chiến lược phát triển các khu công nghệ cao chung trên bình diện quốc gia.
Ban quản lý là cơ quan đăng ký đầu tư nhưng vẫn chưa có thẩm quyền tổ chức đánh giá, hậu kiểm về công nghệ của dự án đầu tư. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.
Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ Đà Nẵng cho rằng, cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp uỷ quyền cho các cơ quan liên quan, nhất là các Ban quản lý. Bởi hiện nay, ngoài các thẩm quyền được phân quyền tại Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, ban quản lý được quy định nhiều chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước nhưng trên thực tế, việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn do chưa được quy định trong pháp luật chuyên ngành và không được bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cũng kiến nghị sớm ban hành một Nghị định mới quy định về Khu Công nghệ cao, trong đó xác định khung mô hình quản lý nhà nước, cơ chế phân cấp, uỷ quyền hoạt động quản lý nhà nước dưới sự giám sát, hướng dẫn, điều phối của bộ chủ quản, từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý, tạo đà phát triển các khu công nghệ cao trên cả nước. Về dài hạn, cần xây dựng một luật riêng về khu công nghệ cao, trong đó có nội dung điều chỉnh mô mình quản lý, phân quyền, phân cấp uỷ quyền đối với ban quản lý.
Trong khi đó, dù được đánh giá là thành công nhất cả nước nhưng thực tế phát triển Khu Công nghệ cao TPHCM cũng đang bộc lộ những bất cập về cơ chế, chính sách ưu đãi không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, Khu Công nghệ cao TPHCM có 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỉỷ USD, gồm: 51 dự án FDI với tổng vốn hơn 10,1 tỷ USD, và 111 dự án trong nước với gần 2 tỷ USD.
Nêu vướng mắc về cơ chế một cửa, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, trong giai đoạn 15 năm đầu thành lập Khu công nghệ cao TPHCM (từ năm 2002), bên cạnh chính sách ưu đãi cao, thì cơ chế “một cửa” đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao.
Với cơ chế này, phần lớn các thủ tục hành chính để thực hiện một dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, khiến thời gian triển khai dự án nhanh. Tuy nhiên, với sự ra đời các văn bản pháp luật liên ngành, thẩm quyền giải quyết thủ tục được đưa về các sở, ngành chuyên môn, cụ thể thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ tục quy hoạch thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch-Kiến trúc...
Điều này làm cho việc cấp phép và triển khai dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao TPHCM phải qua “nhiều cửa” nên mất rất nhiều thời gian. Trước đây, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng cho các thủ tục, nhưng đến nay họ phải mất 2 năm mới hoàn thành và triển khai xây dựng dự án. Trong khi đó, bản chất các ngành công nghệ cao là phát triển sản phẩm và ra thị trường nhanh. Thủ tục hành chính lâu sẽ khiến công nghệ mất đi tính đột phá, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Khu Công nghệ cao TPHCM và các khu công nghệ cao khác.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, cần sửa đổi quy định để các thủ tục được thu gọn về một đầu mối, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, sau nhiều năm đi vào hoạt động, các khu công nghệ cao gặp những vướng mắc kéo dài đến nay chưa được tháo gỡ. Trước những yêu cầu phát triển mới, để nâng cao hiệu quả của khu công nghệ cao cần giải quyết những vấn đề căn cơ nhất, từ hành lang pháp lý, chiến lược phát triển, việc phân cấp, phân quyền đến những cơ chế đặc thù mang tính đột phá về thuế, thủ tục đầu tư, đất đai… để các khu công nghệ cao thực sự hoạt động như "cửa khẩu" công nghệ cao của Việt Nam.
(còn tiếp)
Hoàng Giang